Vụ cháy chung cư Carina: Lời cảnh báo về công tác PCCC ở chung cư
Liên quan đến vụ cháy chung cư Carina, trên thực tế hiện có rất nhiều chung cư được gắn mác cao cấp nhưng không đảm bảo các quy chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy. Hệ thống kỹ thuật vận hành tòa nhà thỉnh thoảng lại bị trục trặc, báo động cháy giả, khiến cư dân chạy thục mạng. Cư dân chung cư sống chung với báo động cháy thật, giả lẫn lộn đâm ra nhờn và chủ quan, đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Chuông reo là chạy bán sống bán chết
Gắn mác chung cư cao cấp nhưng trang thiết bị an toàn, vận hành tòa nhà trong nhiều dự án có vấn đề đã làm cư dân không ít lần thót tim, hoảng loạn vì báo cháy, cháy giả.
Chung cư "5 sao" Sài Gòn Pearl cũng bị cháy! |
Mới đây nhất, vào rạng sáng ngày mùng 4 tết Mậu Tuất (nhằm ngày 19/2/2018), cả trăm cư dân sống tại chung cư Phố Đông (phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh) bỗng nghe chuông báo cháy inh ỏi, sau đó là thông báo từ hệ thống loa yêu cầu toàn bộ cư dân trong tòa nhà di tản ra ngoài. Chẳng biết thực hư thế nào, toàn bộ cư dân mắt nhắm mắt mở ùa vào thang thoát hiểm chạy bán sống bán chết sao cho nhanh thoát ra ngoài.
“Lúc đó là rạng sáng mùng 4 Tết. Đang ngủ, nghe tiếng chuông báo cháy ầm ĩ, tôi tá hỏa ôm con chạy ra ngoài. Hôm đó mà cháy lớn, không biết xảy ra chuyện gì nữa. Ngày hôm sau, nói chuyện mới biết do ông kia nhậu say về, nấu thức ăn quên tắt bếp…”, một người dân sống tại chung cư Phố Đông bàng hoàng kể lại.
Trường hợp điển hình vi phạm an toàn cháy nổ là chung cư HQC Plaza do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư (nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh).
Chung cư này đã bốc cháy trong đêm, khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống tại đây hoảng loạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, chung cư này chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC. Các hộ dân bị ảnh hưởng được chủ đầu tư bố trí ở tạm trong chung cư gần đó, thế nhưng chung cư này cũng chưa nghiệm thu hệ thống PCCC…
Hay như vụ cháy tại chung cư “5 sao” Saigon Pearl cao 37 tầng (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh) xảy ra vào ngày 17/4/2017. Rất may, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Bình Thạnh đã điều động xe chuyên dụng và hơn 60 cán bộ chiến sỹ có măt hiện trường kịp thời dập tắt đám cháy. Vụ cháy đã khiến hơn 1.000 người dân sống tại 296 căn hộ trong chung cư này bị một phen khiếp vía.
Nghe chuông báo cháy, nhiều người chạy từ tầng 40 xuống đến đất mặt tái mét vì thở không ra hơi và vì sợ. |
Vào ngày 11/2/2018, một vụ báo cháy cũng xảy ra tại một chung cư được cho là cao cấp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh). Khi tiếng chuông báo cháy ở chung cư này cất lên giữa đêm khuya, hàng trăm cư dân hốt hoảng tung cửa thao thang bộ cháy xuống mong sớm thoát thân. Có người chạy từ tầng 40 xuống đến đất mặt tái mét vì thở không ra hơi và vì sợ. Có người mới sinh xong cũng phải ôm con mà phi vào thang thoát hiểm, để chạy ra ngoài…. Cuối cùng, hóa ra là báo động giả do hệ thống cảm biến báo cháy gặp trục trặc vì vậy báo động nhầm. Sau khi lang thang bên ngoài cả tiếng đồng hồ, chờ đơn vị quản lý kiểm tra, khôi phục lại hệ thống thang máy, cư dân mới lục tục về nhà trong trạng thái mỏi mệt vì căng thẳng và mất ngủ vì lúc giữa đêm…
Tương tự, ở chung cư Bàu Cát 2 cũng thỉnh thoảng xảy ra việc báo cháy giả. "Chuông báo cháy to lắm, ở trong nhà là ai cũng giật mình, hốt hoảng. Nháo nhào cả chung cư chạy toán loạn. Nhưng giờ thì chỉ có người mới đến ở mới chạy, người ở lâu thì "quê" mấy lần rồi nên không vội", một cư dân ở lốc M cho biết. Theo cư dân ở đây, sau mỗi lần như thế Ban quản trị đều phát loa xin lỗi, lý do thường là do lỗi kỹ thuật.
Hiểm họa chực chờ
Tháng 7/2017, Tieudung.vn (Chuyên trang của báo Kinh tế & Đô thị) đã có loạt 6 bài điều tra, phản ánh về việc “Gian dối tiêu chuẩn chung cư” về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Một mẫu cửa Công ty Cổ phần gỗ An Cường có sử dụng ván MDF. |
Theo quy chuẩn xây dựng nhà chung cư Việt Nam (quy chuẩn 06) hệ thống cửa thoát hiểm, cửa chính căn hộ chung cư phải có thanh chặn khói; Chất liệu của thoát hiểm phải là cửa thép; cửa chính căn hộ phải bằng chất liệu chống cháy, có khả năng chống chịu ít nhất trong 45 phút…
Sở dĩ có những quy định như vậy là để trong tình huống xảy ra cháy, các cơ quan chức năng có thời gian triển khai công tác chống cháy, cứu hộ, cư dân có đủ thời gian thoát ra khỏi tòa nhà. Thế nhưng trên thực tế, gần như toàn bộ các chung cư mà phóng viên Kinh Tế & Đô Thị đã khảo sát đều được xây dựng không đáp ứng được các tiêu chuẩn kể trên. Phần lớn cửa chính căn hộ trong các chung cư từ cao cấp đến bình dân đều là cửa gỗ ép, gỗ tự nhiên thậm chí là cửa nhựa lõi sắt… Việc các chủ đầu tư xây dựng các chung cư không đáp ứng các quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy đã đặt hàng ngàn cư dân sống trong các chung cư dưới hiểm họa chực chờ. Mặc dù các chung cư có những vi phạm rất rõ nhưng không hiểu vì sao vẫn vượt qua được công tác nghiệm thu để đưa vào sử dụng ?!!
Cửa thoát hiểm tại chung cư Bộ Công an (quận 2, TP.HCM) kiểu này sao đảm bảo việc ngăn cháy! |
Cửa chính căn hộ tại chung cư Bộ Công an (quận 2, TP.HCM) cũng không đảm bảo việc ngăn cháy! |
Cửa chính căn hộ chung cư Him Lam Chợ Lớn (quận 6, TP Hồ Chí Minh) cũng không có tác dụng ngăn cháy! |
Cửa chính các căn hộ của Homyland 2 và Homyland 3 cũng là cửa gỗ chứ không phải cửa chống cháy! |
Tieudung sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề gian dối tiêu chuẩn chung cư hiện nay…