Thiết bị “đểu” làm sao chống cháy nổ
Qua khảo sát thực tế của nhóm PV Báo Kinh tế & Đô thị về thiết bị PCCC tại nhiều nhà cao tầng, chung cư cao cấp tại TP Hồ Chí Minh, cho thấy: đối với các loại cửa thoát hiểm, cửa phòng kỹ thuật, cửa kho rác (gọi chung là cửa thép)…, hầu hết các đơn vị đều sử dụng thép rất mỏng (từ 0,7mm đến 1mm), bên trong sử dụng giấy tổ ong chịu lực và bông thủy tinh cách nhiệt, nhiều đơn vị còn không sử dụng bông thủy tinh cách nhiệt (ở phần khung bao), bên ngoài sơn tĩnh điện (không phải sơn chống cháy).
Vụ cháy chung cư HQC Plaza (trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. |
Thép là vật liệu có hệ số dẫn nhiệt rất cao nên dùng kết cấu như vậy sẽ không thể đạt tiêu chí về giới hạn nhiệt độ mặt không tiếp xúc trực tiếp với lửa (không vượt quá 220 độ C) khi thử ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C theo Qui chuẩn 06.
Do cạnh tranh về giá cũng như công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cửa chống cháy có “nhiều vấn đề” nên các chủ đầu tư đặt hàng các loại cửa không bảo đảm tiêu chuẩn ngăn cháy, cháy chậm theo qui định. Điều này sẽ nguy hiểm khi những công trình sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn này xảy ra sự cố cháy nổ.
Theo giới kinh doanh thiết bị chống cháy nổ, giá mời thầu cửa thép của các dự án chỉ vào khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu đồng/m2 (thường loại cửa này có diện tích 0,9m X 2,2m) thì sẽ không thể nào đạt tiêu chuẩn chống cháy. Với loại cửa thép này, chỉ riêng nguyên liệu sơn chống cháy để dùng cho 1 bộ cửa đạt giới hạn chịu lửa 60 phút thì đã khoảng 1.500.000 đồng chưa tính chi phí nhân công sơn.
Bông thủy tinh cách nhiệt trong lõi cánh cửa nếu dùng chuẩn thì phải dùng bông có tỷ trọng cao, nếu đủ chuẩn để dùng cho phần cánh cửa chống cháy có giới hạn chịu lửa 60 phút thì tiền bông thủy tinh cũng không dưới 600.000 đồng, chưa tính phần bông thủy tinh dùng trong ruột của khung bao.
Tiêu chuẩn cửa chính chống cháy căn hộ được qui định rất chặt chẽ theo TCVN 6160-1996, như: Vật liệu dùng trong cửa chống cháy phải là vật liêu không cháy hoặc chậm cháy; giới hạn nhiệt độ của mặt không trực tiếp tiếp xúc vơi lửa không vượt quá 220 độ C khi thử ở nhiệt độ 1.000 độ C trong thời gian 45 phút.
Một mẫu cửa chống cháy có sử dụng ván MDF. |
Tuy nhiên, những loại cửa chính căn hộ của các chung cư tại TP.HCM phần đa có kết cấu: Khung xương làm bằng gỗ tự nhiên không tẩm dung dịch chậm cháy, tiếp theo là tấm Calsium Silicate ngăn lửa, tiếp đến là ván MDF, cuối cùng là lớp hoàn thiện bề mặt…thì làm sao đảm bảo ngăn lửa khi xảy ra cháy.
“Chi phí tẩm dung dịch chậm cháy không hề rẻ và rất bất tiện, đòi hỏi kỹ thuật rất cao nên giá thành loại cửa này cũng rất cao. Có lẽ, vì yếu tố cạnh tranh về giá nên các loại cửa được sử dụng tại các chung cư này đều không phải là cửa chống cháy”, một chuyên gia trong lĩnh vực PCCC nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, trong kết cấu cửa mà sử dụng vật liệu MDF, khi cháy sẽ phát sinh ra rất nhiều khói đen độc hại, điều này là tối kỵ đối với phương tiện phòng cháy.
Sống trong sợ hãi…
Đặc thù của các nhà cao tầng, chung cư đều có diện tích sử dụng lớn, số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, tập trung nhiều chất dễ cháy, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật, nguy cơ xảy ra cháy cao.
Lối thoát nạn chính cho người trong nhà cao tầng, chung cư là qua các cầu thang bộ đi xuống mặt đất rồi ra ngoài. Vì vậy, nhà càng cao thì đường thoát nạn càng dài, thời gian thoát nạn càng lâu, nguy cơ đám cháy đe doạ tính mạng con người càng cao.
Tốc độ, áp lực của gió trên cao làm tăng tốc độ cháy lan và mức độ phức tạp của đám cháy. Hành lang giữa và các buồng thang bộ trong nhà cao tầng nếu không có giải pháp bảo vệ sẽ là các con đường lan truyền lửa, khói, hơi nóng, khí độc từ đám cháy, gây cản trở việc thoát nạn…
Chung cư "5 sao" Sài Gòn Pearl cũng bị cháy! |
Có thể kể đến trường hợp điển hình vi phạm an toàn cháy nổ là chung cư HQC Plaza do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư (nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh).
Chung cư này đã bốc cháy trong đêm, khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống tại đây hoảng loạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, chung cư này chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC. Các hộ dân bị ảnh hưởng được chủ đầu tư bố trí ở tạm trong chung cư gần đó, thế nhưng chung cư này cũng chưa nghiệm thu hệ thống PCCC…
Hay như mới đây, vụ cháy tại chung cư “5 sao” Saigon Pearl cao 37 tầng (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh) xảy ra vào ngày 17/4. Rất may, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Bình Thạnh đã điều động xe chuyên dụng và hơn 60 cán bộ chiến sỹ có măt hiện trường kịp thời dập tắt đám cháy. Vụ cháy đã khiến hơn 1.000 người dân sống tại 296 căn hộ trong chung cư này bị một phen khiếp vía.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, đối với các công trình nhà cao tầng, chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC, chủ đầu tư vẫn cố tình đưa dân vào ở là vi phạm nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm. Để hạn chế sự cố cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC TP đã tăng cường phối hợp, nắm bắt tình hình để đưa ra phương án xử lý mang tính răn đe đối với những trường hợp không đảm bảo về PCCC.
Hiện nay, nguy cơ cháy nổ luôn ở mức cao. Vì thế, các chủ dự án nhà cao tầng, chung cư cần có sự đầu tư trang thiết bị PCCC đạt chuẩn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho cư dân, khách hàng!
Theo quy định hiện hành (QCVN 06 : 2010/BXD), cửa chống cháy phải đạt giới hạn chịu lửa 45 hoặc 60 phút (tùy yêu cầu) mà kết cấu cửa không bị phá hủy khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ khoảng 1.000 độ C (nhiệt độ tăng dần đến tối đa khoảng 1.000 độ C) và mặt không tiếp xúc trực tiếp với lửa không được vượt quá 220 độ C. Các loại cửa có kết cấu như nêu trên: Bên trong là khung xương chịu lực bằng gỗ tự nhiên (có tẩm hoặc không tẩm dịch chống cháy), hoặc khung xương bằng sắt thép. Các khoảng trống của khung xương nhồi bông thủy tinh tỷ trọng cao cách nhiệt, tiếp theo là tấm Calcium Silicate ngăn cháy, tiếp nữa là ván MDF, ngoài cùng hoàn thiện bằng dán Veneer hoặc Laminate… Với kết cấu như vậy thì cánh cửa sẽ không chống cháy được hoàn toàn vì tấm Calcium silicate rất giòn nên không thể làm kín ra mép cạnh của cánh được. Thứ hai là tấm MDF là vật liệu dễ cháy nên theo QCVN 06 : 2010/BXD của Bộ Xây dựng thì không được phép sử dụng (tấm MDF không thể ngâm dịch chống cháy được vì ngâm thì sẽ làm trương nở và hư hỏng vật liệu). |
(Còn nữa)