Theo nhiều người thoát khỏi đám cháy cho biết, chuông báo cháy và hệ thống nước chữa cháy đều không hoạt động khi vụ cháy xảy ra. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5, trên địa bàn TP Hà Nội có 79 công trình nhà chung cư cao tầng chưa được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng người dân đã vào ở... Bất chấp quy định
Theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, tính đến ngày 31/5, trên địa bàn TP có gần 800 công trình nhà chung cư cao tầng. Trong đó, có 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng (có 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC và 1 công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC).
Tòa nhà Hà Nội Center Point (85 Lê Văn Lương) mặc dù chưa hoàn thiện xong nhưng vẫn cho DN vào kinh doanh - Ảnh: Lê Đạt |
Một trong số những trường hợp này có thể kể tới là tòa T2 chung cư Thăng Long Victory (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) do Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà (Phúc Hà Group) làm chủ đầu tư. Tòa nhà này được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, tại thời điểm bàn giao, nhiều hạng mục của tòa nhà vẫn đang được thi công ngổn ngang, không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, toà nhà này cũng chưa được nghiệm thu PCCC gây bức xúc, bất an cho cư dân.
Hơn 5 năm qua, người dân sinh sống tại tòa nhà chung cư số 75 phố Phương Mai (quận Đống Đa) rất bức xúc với chủ đầu tư bởi những quy định về an toàn PCCC không được hoàn thiện. Mặc dù về an toàn cháy nổ chỉ là con số 0 nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Bảo Long vẫn đưa vào khai thác sử dụng. Chính quyền sở tại và Cảnh sát PCCC đều đã liên hệ lịch làm việc, kiểm tra và đề nghị chủ đầu tư tòa nhà chấp hành quy định về an toàn PCCC nhiều lần, thế nhưng chưa lần nào chủ đầu tư trực tiếp làm việc…
Trong danh sách 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC xuất hiện rất nhiều những tên tuổi đình đám của làng bất động sản Hà Nội như: Coma, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1), Sông Đà Thăng Long. Trong đó, HICC1 với 5 tòa nhà vi phạm gồm: CT1A, CT1B, CT2B, CT2B - Khu đô thị mới Nghĩa Đô và dự án 2.6 Lê Văn Lương. Kế tiếp, Coma 6 với 3 tòa vi phạm (CT1, CT2, CT3 dự án Dream Tower); Sông Đà Thăng Long với 2 tòa vi phạm (CT1 Usilk City và CT2 Văn Khê)… |
Lo ngại về an toàn cháy nổ tại đây, Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) cho biết: Công trình có trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường và hệ thống chữa cháy tự động (spinkler) tại tầng hầm. Hiện nay, toàn bộ hệ thống PCCC của công trình không hoạt động, có 1 cầu thang bộ thoát nạn là cầu thang hở, chưa có giải pháp ngăn cháy theo chiều đứng, chiều ngang của công trình và không bố trí lối thoát nạn khẩn cấp. Trường hợp nếu xảy ra cháy tại công trình sẽ rất nguy hiểm và nguy cơ thiệt hại lớn tài sản”.
Trên tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) có hàng loạt chung cư mọc lên. Đáng chú ý, tại chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm) thì tháng 9/2016, dù hệ thống PCCC của chung cư vẫn chưa được hoàn thiện, công trình chưa được tổ chức kiểm tra nghiệm thu để vận hành theo đúng quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư đã bàn giao và đưa hơn 400 hộ dân vào ở. Ngày 19/5, UBND quận Thanh Xuân chính thức có văn bản về việc thanh, kiểm tra, giám sát toàn bộ dự án này. Đồng thời, ra quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Đến nay, đã gần một năm sau khi đưa dân vào ở, dự án này vẫn chưa hoàn thiện về PCCC.
Thực trạng mất an toàn PCCC còn một số trường hợp “cố tình” vi phạm. Theo đó, ngày 15/5, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) tổ chức kiểm tra, nghiệm thu về PCCC đối với công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở bán của Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (ô đất 3.7 đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân). Kết quả kiểm tra cho thấy, công trình này chưa bảo đảm các yêu cầu về PCCC như: Lối thoát hiểm, các giải pháp ngăn cháy, hệ thống PCCC, chống tụ khói… chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu đưa vào hoạt động theo quy định. Mặc dù cơ quan chức năng yêu cầu không đưa dân vào ở khi chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội vẫn “phớt lờ”...
Xử lý hình sự nếu cố tình vi phạm
Đánh giá về an toàn cháy nổ, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, do chủ đầu tư chạy theo tiến độ như hợp đồng đã ký kết nên phải nhanh chóng bàn giao căn hộ đúng thời hạn. Một số công trình khác lại do nhà thầu thi công không đúng với thiết kế về PCCC đã được phê duyệt, không lập hồ sơ hoàn công, trình độ năng lực của đơn vị thi công về PCCC hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc thi công hệ thống kỹ thuật PCCC. Còn về phía người dân, do nhu cầu về chỗ ở nên khi có căn hộ mới được hoàn thiện là một số người muốn vào ở ngay. Trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về PCCC theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ từ 50 - 80 triệu đồng, còn chi phí hoàn thiện hệ thống PCCC lên tới hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư chọn phương án chấp nhận chịu phạt.
Về tình trạng mất an toàn PCCC tại các chung cư, Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho hay: Ngoài nhu cầu cấp thiết về nhà ở, còn nhiều người nhận thức kém về PCCC nên cứ nhận bàn giao nhà rồi vào ở. Cư dân nhận bàn giao và ở nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện về PCCC mà không lo đến an toàn cháy nổ. Chủ đầu tư thì vin vào việc người dân có nhu cầu và rất khó khăn về nhà ở để vi phạm các quy định liên quan đến an toàn PCCC. Theo Đại tá Vụ, với những dự án người dân đã vào ở rồi mà chưa thẩm định an toàn PCCC thì rất khó xử lý bởi không thể cắt điện, cắt nước được. Về giải pháp để tránh tình trạng mất an toàn PCCC tại các chung cư cao tầng, phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì.
Theo đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội, từ ngày 26/4 - 9/5, cơ quan này đã phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) tổ chức kiểm tra, nghiệm thu về PCCC 10 dự án, công trình cao tầng trên địa bàn TP. Đây là các dự án, công trình do Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn thẩm duyệt thiết kế. Tuy nhiên, cả 10 dự án, công trình cao tầng được kiểm tra đã thi công xong nhưng còn nhiều tồn tại về PCCC như: Lối thoát hiểm, các giải pháp ngăn cháy, hệ thống PCCC, chống tụ khói chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu PCCC để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn chủ đầu tư các dự án này đã đưa dân vào ở hoặc đưa các khu thương mại vào hoạt động.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Sau khi đoàn kiểm tra ra thông báo tới 10 dự án chưa đủ điều kiện để đưa dân vào sinh sống, cho đến nay Cảnh sát PCCC Hà Nội tiếp tục tổng hợp thông tin để báo cáo. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình không thực hiện sẽ có những biện pháp kiên quyết để xử lý… Để giải quyết tình trạng vi phạm PCCC tại các tòa nhà, chung cư cao tầng, Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các thiếu sót, tồn tại.
Đồng thời, Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không mua nhà, không vào ở tại các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Cảnh sát PCCC TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cương quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị quản lý chây ì, cố tình không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, không thực hiện các nội dung kiến nghị, yêu cầu khắc phục của cơ quan có thẩm quyền thì xem xét, đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) cho biết: Quan điểm của Cảnh sát PCCC TP là xử lý, xử phạt và cho khắc phục chứ không xử phạt rồi vẫn cho tồn tại… Cũng theo Trung tá Hiếu, đối với các DN đầu tư một dự án hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì việc nộp phạt vài chục triệu là quá nhỏ. Do đó, cần phải nâng mức xử phạt mới đủ tính răn đe. Đồng thời, cần thiết phải duy trì công tác kiểm tra liên ngành ngay từ khi dự án bắt đầu xây dựng để sai phạm ở đâu sẽ xử lý nghiêm ngay từ đó. |