Bộ Công thương đã tổ chức họp với các doanh nghiệp để nghe góp ý về Thông tư 20/2011 vào ngày 21/7. Ban đầu cuộc họp của Bộ Công thương mời các đại diện của các doanh nghiệp ô tô trong đó có đại diện các doanh nghiệp ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng nhiều đơn vị nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ, đơn vị nhập qua trung gian.
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp thuộc diện bị ảnh hưởng được vào dự, các doanh nghiệp thuộc diện trên đến nhưng được mời về.
Tại buổi họp, chỉ có khoảng 3 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của thông tư được tham dự, và chỉ có 2 người được phát biểu ý kiến.
Trong khi đó, theo nguồn tin, các doanh nghiệp ủng hộ do được lợi từ thông tư 20 lại áp đảo. “Cảm giác có sự dàn xếp” – một đại diện được tham dự hội thảo của Bộ Công thương chia sẻ.
Cuộc họp là mở cho các thành viên hoạt động trong lĩnh vực nhằm góp ý hoặc chia sẻ với Bộ, cùng đối thoại với các thành viên của VAMA hay VIVA (Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam).
Tuy nhiên, ban tổ chức chỉ cho doanh nghiệp thuộc hai hiệp hội trên kia vào, còn các doanh nghiệp khác dù được các bên mời đến, có giấy mời vẫn không được vào.
Vì quá bức xúc, nhiều doanh nghiệp in băng rôn treo trước trụ sở Bộ Công Thương với mục đích cho lãnh đạo Bộ biết được tâm tư nguyện vọng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ Thông tư không cần thiết, vi phạm Luật Đầu tư.
Doanh nghiệp căng băng rôn trước cổng Bộ đề nghị bỏ thông tư 20. (Ảnh: tuoitre.vn) |
Hai luồng ý kiến trái chiều…
Nhiều ý kiến cho rằng nội dung hướng dẫn tại Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương không phù hợp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và không đúng tinh thần của Luật Đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì họ không thể nhập khẩu xe ôtô dưới 9 chỗ do Bộ Công thương quy định: thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp bổ sung 2 chứng từ:
Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng sản xuất kinh doanh loại ôtô đó.
Thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Đã có nhiều hội thảo Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương được đưa ra phân tích, phê phán vì theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nó tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp, nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp khác phải rời bỏ thị trường, thậm chí phá sản.
Trên thực tế, theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây: từ ngày 1/7/2016 các Bộ không được duy trì các Thông tư dưới Luật, sai Luật hoặc mục đích hạn chế quyền kinh doanh của người dân. Chính vì thế, về số phận Thông tư 20, hiện có hai luồng dư luận, kêu gọi xóa bỏ Thông tư 20 nhằm trả lại thị trường cạnh tranh, một quan điểm của Bộ chủ quản, thành viên VAMA, VIVA ủng hộ bảo lưu Thông tư trên.
Không còn phù hợp bối cảnh…
Tham dự các cuộc họp về Thông tư 20, Trưởng ban Pháp chế VCCI – Đậu Anh Tuấn cho rằng quy định trong văn bản nêu trên có tính chất như một điều kiện kinh doanh, vì trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện được làm, còn các doanh nghiệp khác thì không.
Bên cạnh đó, vị này chỉ ra rằng điều kiện kinh doanh như vậy cũng không hợp pháp. Cụ thể là thủ tục hành chính về nhập khẩu vốn đã được quy định tại Nghị định 12/2006 và 187/2013 về mua bán hàng hoá quốc tế. Nội dung 2 văn bản này không có điều kiện nào mà Thông tư 20 đề nghị doanh nghiệp phải có. "Giả sử giấy uỷ quyền của nhà sản xuất là một thành phần hồ sơ thì chứng minh cho điều kiện nào? Nghị định187 không hề quy định điều kiện. Do vậy, việc cung cấp hồ sơ hoàn toàn không cần thiết và không hợp pháp", ông Tuấn nói.
Vị này cũng phân tích thêm rằng ngành nghề nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. "Do vậy có thể kết luận rằng sự tồn tại của Thông tư 20 chỉ một bối cảnh nhất định và hiện hoàn toàn không phù hợp và hợp pháp", chuyên gia của VCCI nhận định.
Việc VAMA, VIVA cho rằng các doanh nghiệp không chính ngạch đang gian lận thuế cũng được ông Tuấn nhìn nhận là không phù hợp bởi đây là vi phạm pháp luật, cần sử dụng các công cụ pháp luật để xử lý. "Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm sứ mệnh chống trốn thuế này", vị này chia sẻ.
Về vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng xe, ông Tuấn nhận định điều này nên để thị trường lựa chọn và quyết định. Nhà nước chỉ nên quan tâm đến tiêu chuẩn tối thiểu, còn tiêu chuẩn cao hơn cần để thị trường tự định đoạt. Thêm vào đó, do ôtô là tài sản lớn nên người tiêu dùng sẽ có động lực và tự lựa chọn sản phẩm kèm theo dịch vụ. Luật không thể buộc người dân phải vào siêu thị mua sắm vì chất lượng thực phẩm trong siêu thị cao hơn. Người tiêu dùng có thể mua ở tạp hoá, cửa hàng tiện lợi gần nhà...
"Thông tư 20 có tác động rất lớn đối với việc phát triển một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nên trao cho họ cơ hội, đừng ngăn cản. Nên để các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhỏ, vừa phát triển mạnh mẽ rồi mới tạo thành nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn", ông Tuấn nói và khẳng định từ khi thông tư này ra đời, hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân Việt đã bị loại ra khỏi cuộc chơi, một số ít đang sống lay lắt. Thị trường xe Việt Nam hiện chỉ dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và một số rất ít ông lớn trong nước.