Xe ô tô ma de in Campuchia
Việc Campuchia ra mắt dòng xe điện Angkor EV thân thiện môi trường với giá khoảng 100 triệu đồng thực sự là một lời cảnh tỉnh rõ ràng hơn bao giờ hết với nghành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Angkor EV 2013 chạy điện được Heng Development ra mắt tại nhà máy ở thị trấn Takhmao, tỉnh Kandal là chiếc ô tô chạy điện đầu tiên được sản xuất ở đất nước Chùa Tháp. Đây là sản phẩm đầu tay của kĩ sư Nhean Phaloek sau khi Công ty Heng Development đầu tư 20 triệu USD cho dự án sản xuất ô tô mang thương hiệu Angkor.
Dòng xe ô tô điện Angkor EV 2013. |
Tuy là sản phẩm được giới thiệu mang thương hiệu Angkor, nhưng giám đốc nhà máy Heng Development – Sieng Chan Heng tiết lộ rằng, chiếc ô tô này vẫn còn phải sử dụng nhiều linh kiện nhập từ Trung Quốc. Dù vậy bà giám đốc vẫn rất tin tưởng vào sự thành công của thương hiệu của công ty và hi vọng nó sớm được những khách hàng dân địa phương lựa chọn vì nó không gây ô nhiễm môi trường.
Với mức giá dưới 10.000 USD, vẫn còn cao so với giá ô tô cũ nhập khẩu vào nước này, và Angkor EV 2013 mới chỉ có phiên bản chạy bằng điện, nhưng rõ ràng đây là một cố gắng lớn của Heng Development. “Đây là một sự khởi đầu ấn tượng. Mặc dù chiếc ô tô chưa thể sánh ngang với xe nhập nhưng rõ ràng đây là một sự khởi đầu tốt”, Phó Thủ tướng Campuchia - Khuon Sodary - phát biểu trong lễ ra mắt EV 2013.
"Đây là cơ hội cho Campuchia giới thiệu với thế giới về sản phẩm "made in Campuchia" với ý tưởng của người Campuchia", Bà Chan Heng nói.
Mỗi năm, đất nước chùa tháp cần 2.000 chiếc xe hơi mới và khoảng 20.000 chiếc xe cũ đã qua sử dụng cho nhu cầu trong nước. Số xe này được nhập từ khắp nơi trên thế giới, như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Anh…
Xe nhập “dễ xơi” hơn?
Theo chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn của Bộ Tài chính trình Chính phủ, trong đó có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với ô tô chở người trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với ô tô chở người sẽ giảm dần từ 50% hiện nay xuống còn 40% vào năm 2016, còn 30% vào năm 2017 và còn 0% vào năm 2018.
Không chỉ dừng lại ở đó, sắp tới, Việt Nam sẽ phải thực hiện một loạt lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô. Theo cam kết WTO, tất cả các loại ô tô cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 100% xuống 70%, sau 7 năm kể từ khi gia nhập. Theo Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến đến năm 2026, thuế nhập khẩu ô tô chở người trong khối cũng sẽ cắt giảm còn 0%.
Hiện nay, để nhập một xe ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam, cước vận chuyển đã có bảo hiểm chỉ khoảng 400 USD, từ Nhật Bản về khoảng 500 USD. Trong khi đó, nhập linh kiện để lắp ráp còn phải "gánh" rất nhiều chi phí liên quan... sẽ tốn kém hơn nhiều. Tính ra nhập khẩu "dễ xơi" hơn đầu tư sản xuất.
Công nghiệp ô tô Việt sẽ đi đâu, về đâu?
Nhà máy ô tô của Vinaxuki vắng vẻ... |
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 5 vừa qua, trung bình cứ 2 phút, người Việt lại mua một chiếc ô tô. So với năm trước, lượng tiêu thụ tăng đến 45%. Trong khi đó, dù đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe ASEAN mới giảm từ 50% về 0%, nhưng ngay thời điểm hiện tại nhiều người đã bắt đầu nuôi "heo đất" để gom tiền chờ mua ô tô Thái.
Thậm chí là ngay trước thời điểm 1/7 tới đây, khi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới chính thức có hiệu lực, số lượng người mua các dòng xe hạng sang đã và đang tăng chóng mặt, bất kể dù với mức thuế hiện tại đã phải chi gấp 3 lần giá xe gốc.
Nguyên nhân của việc Việt Nam không có tên trên bản đồ ô tô thế giới xuất phát từ chính chiến lược phát triển ngành. Theo đó, ưu tiên của Việt Nam chỉ tập trung vào lắp ráp, chứ chưa chú trọng sản xuất ô tô chất lượng cao. Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cũng là một lý do cho sự thất thế của nghành công nghiệp nước ta.
Như vậy khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm sẽ khiến cho giá một số mẫu xe nhập khẩu bằng giá của xe lắp ráp trong nước, thậm chí còn rẻ hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành sản xuất ô tô trong nước có thể "chết yểu".