Thứ 7, 20/04/2024, 19:31 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

1001 cách chọn trái cây tươi ngon không hóa chất trong dịp Tết

1001 cách chọn trái cây tươi ngon không hóa chất trong dịp Tết
(Tieudung.vn) - Hiện nay, trên thị trường chàn lan hoa quả Trung Quốc tẩm hóa chất, gây hại người tiêu dùng. Dưới đây là cách chon hoa quả tươi ngon, không chất bảo quản để đảm bảo sức khỏe gia đình bạn.

1. Cam và quýt

Trái ngon phải tròn đều, da bóng láng, không có đốm hay sẹo. Cam quýt chín có vỏ xanh ửng vàng đều là trái chín cây; loại chín ép để vài ngày vỏ vẫn xanh nhưng màu vàng của trái chín sẽ ửng không đều và không còn cuống lá.

Không nên chọn trái có màu vàng tươi đã rụng cuống, có thể màu vàng tươi đó là “chín háp” do sâu hại, ong chích, cây bị suy kiệt… khiến trái rụng trong vườn. Nên chọn trái cam, quýt có màu vàng mỡ gà (chiếm ít nhất 1/3 trái), da bóng láng, có đốm thâm lộ ra, vỏ mỏng… Với cam sành không nên chọn trái lớn có da sần sùi hay vàng chóe một bên (do nám nắng), trái cam như vậy vỏ dày, bị sượng khô, ít nước, không ngọt.

Cam Trung Quốc ngoài bề mặt thường có độ bóng rất cao và dính, có màu vàng sẫm, loang lổ, không đều có thể do sử dụng các hoá chất kích thích tạo màu. Nước vắt từ cam Trung Quốc vàng nhạt, mùi hăng hắc.

2. Bưởi

Trước tiên cầm quả bưởi lên và ước chừng trọng lượng, búng tay vào bưởi phải có tiếng kêu chắc, nặng. Bưởi phải tươi, vừa chín tới, không bị móp, bị rám, xước vỏ. Bưởi tép to, mọng nước, ngọt ngon, bạn nên chọn quả có vỏ sáng bóng, trái tròn to, cầm thấy nặng tay. Trên vỏ bưởi thường có những nốt gai nhỏ, gai càng to quả càng ngon, đã chín.

Bưởi da xanh: nâng trái trên tay, nếu thấy nhẹ là quả ít nước, xốp, khô. Nếu mua ăn trong gia đình nên chọn trái nặng trung bình 1 - 1,5kg, da láng, màu xanh vỏ bưởi hơi ngả vàng, trái nhỏ nhưng nặng. Không chọn trái có da nhăn nhúm, xanh đậm, nhẹ.

3. Xoài 

Xoài là loại quả có hương thơm và vị chua ngọt rất hấp dẫn với các bạn trẻ. Tuy nhiên, xoài là loại quả được sử dụng hóa chất rất nhiều. Vì vậy, để chọn được xoài ngon, an toàn thì  nên lựa loại da căng mong, có màu vàng sáng hoặc xanh trông đẹp mắt, không chọn loại trầy xước hay bị héo. Không nên lựa chọn loại xoài quá to và quá láng bóng vì đây là loại quả đã phun rất nhiều hóa chất để kích thích trái mọc to cũng như chất bảo quản độc hại.

4. Nho

1001 cách chọn trái cây tươi ngon không hóa chất trong dịp Tết

Nho cần chọn nguyên chùm đầy đặn, mọc lên một cách dày đặc, trước tiên khi ngửi có mùi thơm nồng mới mua. Nếu mùa đông đừng nên mua quả tươi nhé! Đừng nhìn vào bên ngoài, mà dựa vào thân cành, nho tươi thì thân cứng màu xanh sáng. Khi màu sắc úa nâu, vạt mềm, quả rời ra, đó là quả đã hái từ lâu, quả nho như vậy có thể quan sát kỹ từng quả nhưng thực tế đó là kết quả của sự đông lạnh trong kho không thực sự tươi mới. Mua những quả nho bị rời ra phải đặc biệt chú ý do loại quả này không dễ bảo quản.

5. Dưa hấu

Trước hết phải quan sát núm, núm phải đều, hơi lõm xuống. Cuống nhỏ là do dưa già nên héo quắt lại, khác với quả dưa gấp, bán hái non để lâu cuống cũng héo, nhưng không quắt lại.

Cần quan sát kĩ để phân biệt cuống dưa, kết hợp quan sát vỏ dưa: trái dưa già, chín cuống héo phần vỏ ngoài căng bóng, trong khi đó nếu dưa còn non dù có lau chùi cách mấy cũng không giấu được vẻ nhăn nheo do dưa héo.

Phần ngoài vỏ thấy được những lằn chỉ chạy từ núm dưa xuống dưới tựa hồ như trái dưa được phân ra làm nhiều múi. Đây là trái dưa thật chín, ăn ngon, ngọt, ruột đỏ thắm.

Tuy nhiên, nếu dưa già quá thì ruột bị xốp, vì thế cần phải chọn thêm yếu tố hình dáng: trái dưa phải tròn trịa, dùng một bàn tay nâng quả dưa lên, phỏng đoán trọng lượng quả dưa, dùng tay búng nhẹ lên vỏ: nếu phát ra tiếng trầm đục thì đó là dưa tốt, còn ngược lại thì dưa có ruột xốp, hoặc bộng, rỗng do để quá lâu ngày.

6. Táo

Vỏ quả táo phải căng phồng, mịn màng, nặng mới ngon.

Táo Trung Quốc quả thường tròn, vỏ trơn, bóng bẩy, được bọc trong lưới xốp. Khi bóc lưới xốp ra sẽ xuất hiện nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi.

7. Lê

Quả lê là loại trái cây nhanh hỏng và thường bị ngâm tẩm hóa chất nhiều nhất. Lê khi bị ngâm hóa chất để được rất lâu, có khi vài tháng không hỏng. Khi ăn lê, nếu thấy có mùi lạ và hương vị không còn tự nhiên, nên bỏ đi vì đó có thể là lê bị ngâm hóa chất. Đặc biệt nếu quả lê Trung Quốc bên ngoài tươi ngon mà trong bị thối hỏng thì chắc chắn đã bị ngâm rất nhiều hóa chất bảo quản.

8. Đu đủ

1001 cách chọn trái cây tươi ngon không hóa chất trong dịp Tết

Khi chọn mua đu đủ, bạn nên chọn mua những trái màu vàng, có đốm nhỏ xanh li ti và dáng thon dài. Phần núm có màu vàng vì đây là đu đủ chín tự nhiên, ngược lại những quả có núm màu xanh dù xung quanh đã chín vàng tức là đu đủ chín ép, không tốt cho sức khỏe. Những trái đu đủ ngon sẽ có mùi thơm nhè nhẹ và không gắt. Lúc lựa, bạn nên dùng tay ấn nhẹ lên vỏ ngoài. Nếu bạn thấy vỏ mềm thì đây là trái chín tự nhiên, còn vỏ cứng dù đã ngả vàng đích thị là trái chín ép, bị chích thuốc.

9. Hồng

Hồng là loại quả giàu chất xơ số một trong gia đình trái cây. Ngoài ra trong quả hồng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C,A cùng nhiều loại khoáng chất khác, Nói tóm lại hồng được đánh giá là một loại siêu , một món quà quý từ thiên nhiên.

Tuy nhiên hồng cũng là một loại quả thường bị ngâm hóa chất để thúc chín nhanh. Vì vậy các bà nội trợ muốn chọn được quả hồng vừa ngon vừa lành thì hãy chỉ chọn những quả nào mà cuống vẫn còn tươi nguyên, sờ vào phần vỏ thấy mát tay. 

Ngoài ra quả hồng cần có mùi thơm tự nhiên. Những quả có mùi lạ khó chịu chứng tỏ đã bị ngâm hóa chất.

10. Chuối 

Hiện nay, để quả chuối có nước da xanh đẹp mắt và lâu bị ung thì nhiều người dùng hóa chất để ủ chuối, hóa chất này rất độc hại với con người. Khi chọn chuối nên chọn quả có chấm màu đen, có màu vàng chấm hồng, vạch màu đen, ngoài vỏ có nếp nhăn. Không nên chọn những quả có vỏ màu vàng, không tì vết bởi đây là loại chuối chín ép, ủ hóa chất.

11. Dâu tây

Dâu tây không mua quả quá đỏ, màu sắc càng sặc sỡ chứa càng nhiều axit, quả càng chua, quả có xen lẫn màu trắng mới là ngọt. Khi mua dâu tây không nên chọn những quả có kích thước lớn, hoặc hình thù kỳ quái, nên chọn quả lớn nhỏ giống nhau, quả càng nhỏ càng an toàn, đặc biệt là không chọn quả màu đỏ sẫm, tốt nhất nên có xen kẽ một vài điểm trắng.

12. Bơ

Nếu bạn thích ăn bơ thật béo, thơm và dẻo thì hãy chọn bơ sáp – loại bơ này khi chín quả có màu xanh sáng, hơi xù xì, lấm tấm những điểm vàng. Nên chọn những quả nặng, chắc tay, không nhũn, không ọp. Nếu bạn muốn mua để ăn ngay, hãy chọn những quả khi bóp nhẹ thấy hơi mềm nhưng vẫn chắc. Hoặc bạn chọn quả bơ có phần bầu chưa mềm nhưng khi bấm vào phần cuống thấy đã hơi mềm rồi, quả bơ sẽ chín dần, bạn có thể ăn sau vài ngày.

1001 cách chọn trái cây tươi ngon không hóa chất trong dịp Tết

Khi chọn bơ, bạn cũng nên lắc nhẹ và chọn quả nghe thấy hạt lăn nhẹ phía trong, đừng chọn quả có cảm giác hạt lăn rất rõ chứng tỏ quả bơ đó không dày thịt lắm. Hình dạng quả bơ cũng nên được cân nhắc: những quả bơ dáng tròn thường có hạt to; những quả thuôn dài thường chắc, dày thịt, nhưng bạn sẽ có nguy cơ gặp quả nhiều xơ.

13. Mít

Mít tẩm thuốc thường có vỏ xanh nhưng múi vàng ươm, ăn hơi sượng và không thơm.

Mít chín tự nhiên vỏ sần sùi, có màu đen sẫm, mắt nở to khoảng cách giữa các gai thưa, màu đồng đều, có màu vàng sậm còn xơ thì vàng nhạt, ăn mềm, vị ngọt đậm đà, có mùi thơm hấp dẫn, riêng mít Tố Nữ còn rất dễ tách múi nữa đấy.

Còn mít chín ép có vỏ bên ngoài xanh, cứng, gai nhọn, cứng, chưa nở hết; bên trong lại chín vàng, óng từ múi đến xơ, múi ăn hơi sượng và không có mùi thơm đặc trưng.

14. Chôm chôm

Khi mua chôm chôm, bạn nên kiểm tra những  trái nhỏ nếu bị mõm giống như để lâu bị héo, khi tách đôi trái sẽ xuất hiện tình trạng nước chảy ra nhiều, lớp cơm có dấu hiệu vữa thì không nên mua dù những trái còn lại rất tươi ngon nhé.

15. Thanh long

Càng nặng thì càng tốt, thanh long càng nặng, chất nước càng nhiều, nhân bên trong càng đầy, do đó khi chọn mua thanh long nên cầm lên tay để ước chừng trọng lượng của nó, trọng lượng càng nặng quả thanh long càng ngọt.

Càng đỏ thì càng tốt, phần màu đỏ bên ngoài vỏ càng đỏ thì càng tốt thêm nữa phần tua màu xanh bên ngoài vỏ phải xanh tươi, nếu đã dần bị úa vàng, đồng nghĩa với việc quả thanh long không còn tươi.

Càng mập càng tốt, đừng chọn quả mảnh mai, những quả mập chắc tay thường là những quả càng chín, vị ngọt thanh không có cảm giác bị chín sống .

16. Măng cụt

Bí quyết chọn măng cụt: Đầu mút có bao nhiêu nhành thì bên trong có bấy nhiêu múi… thường thì có 7 hoặc 8 nhành là quả đầy, phải chọn quả có màu sắc tươi, không bị khô, theo cách này, quả được chọn ra thực sự sẽ rất ngon, nước cũng nhiều, còn một điều nữa nếu vỏ bên ngoài quá cứng chứng tỏ quả đã bị hỏng.

Nên chọn những quả có kích thước nhỏ hoặc trung bình. Có cuống tươi xanh, vỏ màu tím đậm, khi bóp vỏ khá mềm, có tính đàn hồi, khi mở ra, bên trong thịt có màu trắng tinh khiết. Nếu dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhấn vào và hằn lên vết ấn, cho thấy quả đã chín, nếu vỏ cứng như đá, có lẽ quả đó đã bị hỏng rồi. Măng cụt gặp gió dễ bị khô, do đó bạn ăn bao nhiêu chỉ nên mua bấy nhiêu.

17.Sầu riêng

Sầu riêng nên chọn quả có mùi hương nồng, tách ra một múi để xem, thấy thịt bên trong sáp sáp mềm mại, nhưng không nhừ, thịt tương đối đầy khít, màu vàng kim, quả tròn, lớp vỏ đinh mọc dày và kín, thịt sẽ đầy hơn. Loại thuông dài, vỏ thường dày thịt mỏng. Khi lựa chọn nên chọn quả có vỏ màu vàng xen lẫn màu xanh là tốt nhất.

1001 cách chọn trái cây tươi ngon không hóa chất trong dịp Tết

Làm thế nào để chọn sầu riêng ngon:

Lắng nghe âm thanh, rung nhẹ một chút, phát ra tiếng cho thấy quả sầu riêng đã chín.

Nhìn vào màu sắc, chọn màu vàng, không chọn quả màu xanh lá, quả màu vàng thường là các quả đã chín.

Nhìn vào kích thước, chóp quả càng lớn quả càng nhiều nước càng ngọt. Vỏ đinh càng khít, thịt càng đầy. Trung bình một trái sầu riêng chín có trọng lượng khoảng 3-5 kg

Chọn sầu riêng bị nứt (nứt tự nhiên), cho thấy quả sầu riêng đó là đã chín mùi.

Ngửi mùi, sầu riêng ngon có mùi thơm rất nồng.

Nhìn vào trọng lượng, cùng một kích thước nhưng trái sầu riêng nhẹ hơn sẽ có hạt nhân nhỏ hơn, nặng hơn sẽ có hạt nhân bự hơn, do đó cùng một kích thước nên chọn quả nhẹ hơn, để hạt nhân nhỏ hơn và thịt dày hơn.

18. Mãng cầu

Mãng cầu là quả nhất định phải có trong mâm ngũ quả, để lựa trái ngon bạn cần chọn trái vỏ mềm là mãng cầu dai, lựa quả gai nở to, màu trắng ngà khi không để lâu, nếu để lâu nên chọn quả còn xanh, gai nở ít, không nứt nẻ, thâm đen.

19. Dừa

Dừa nên mua dừa xiêm, nước ngọt, bổ dưỡng hơn các loại dừa khác. Chọn trái có vỏ xanh, bên trong có màu trắng, càng trắng càng ngọt. Chú ý không nên ham rẻ ham to, dừa xiêm chính gốc không có kích cỡ to mà trái thường nhỏ, lượng nước chỉ đủ đầy 1 li thủy tinh.

20. Nhãn

Đối với những quả nhãn được phun lưu huỳnh để bảo quản lâu thường có lớp vỏ đều màu, bóng đẹp, căng tròn, không có lớp sần tự nhiên, khi ăn cùi nhãn giòn, cứng, không có vị ngọt thanh đặc trưng và mùi hắc nồng.

CHÚ Ý:

Nguyên tắc lựa chọn của trái cây là màu sắc tươi bóng, phần gốc của trái lõm xuống, và tạo một vòng tròn, đó là những trái mẫu mà trái mẫu luôn là những trái ngọt nhất.

Chọn loại quả già nhưng đang xanh hoặc gần chín, vì mâm ngũ quả thường để ít nhất từ chiều 30 tới hết ngày mùng 3 Tết, có nhiều nhà để tới ngày mùng 5-7 Tết nên nếu chọn quả chín thì khi hạ mâm, hóa vàng, quả đã thối ủng.

Khi mua hoa quả để ăn luôn có thể bạn sẽ chọn quả nám nhiều, lỗ chỗ sâu, héo, xuống nước để cho ngon, sạch. Tuy nhiên, khi chọn hoa quả cúng, đặc biệt để bày mâm ngũ quả ngày Tết thì bạn phải họn quả chắc, tươi, không trầy xước, không có vết sâu, hạn chế vết nám, quả phải còn cuống và lá để mâm quả xum xuê.

Trái cây nhập từ miền ngoài vào miền trong sẽ dùng rất nhiều loại thuốc, vì trái cây chín rất khó xuất đi, do đó hầu hết các nhà buôn chỉ xuất trái cây sống, sau khi đã nhập vào miền trong mới dùng đủ mọi loại thuốc để kích chín quả, chính vì vậy nên hạn chế ăn trái nhập. 

Tags:
4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.57487 sec| 882.742 kb