Giò lụa
Quan sát
Ảnh mịnh họa. Nguồn ảnh: Internet
Giò lụa ngon khi cắt ra sẽ có màu trắng ngà phớt hồng. Bề mặt lát cắt của miếng giò sẽ có nhiều lỗ rỗ do giò làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong khoanh giò.
Dùng dao cắt mà dao bị xít, dính mặt giò, khó thái chứ không trơn tuột. Giò vừa dai lại giòn, thơm ngon lại bùi, có mùi lá chuối... Nhìn miếng giò mịn và hơi ẩm.
Nếu giò không có những lỗ rỗ hoặc những biểu hiện như trên tức là giò đã bị pha lẫn nhiều bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.
Giò lụa ngon khi cắt ra sẽ có màu trắng ngà phớt hồng. Bề mặt lát cắt của miếng giò sẽ có nhiều lỗ rỗ do giò làm từ thịt nạc ngon
Ngửi mùi
Mùi giò sẽ do chất lượng giò tạo nên, chỉ thơm thoang thoảng, quyện với hương của lá gói là giò ngon.
Nếu thấy một khoanh giò có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi rất có thể đó là loại giò đã được tẩm chất phụ gia hương thịt. Còn nếu giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớt tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì tuyệt đối không mua.
Nêm thử
Một khoanh giò ngon thì khi ăn sẽ có vị thơm ngọt hơi dai, giòn, mềm mềm nhưng không dai giòn bất thường. Giò chuẩn sẽ không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bở.
Nếu giò bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì giò đó đã bị trộn với quá nhiều bột. Còn nếu giò giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.
Chả
Quan sát
Chả ngon sẽ có lớp vỏ có màu vàng tự nhiên của thịt rán nhưng sẽ có phần vỏ hơi sần sùi, không mịn còn lớp bên trong mềm, mịn, có nhiều lỗ rỗ nhỏ.
Sờ tay vào miếng chả thấy mềm, hơi ươn ướt nhưng không dính nhớt mà chỉ dính một chút mỡ ở tay. Nguyên nhân do chả được pha với liều lượng mỡ nhiều hơn giò nên khi sờ vào chả sẽ dính nhiều mỡ ra tay hơn giò.
Ngửi mùi
Chả ngon có mùi thơm nhẹ. Còn nếu miếng chả có mùi thơm, dai, giòn bất thường thì rất có thể nó đã bị trộn lẫn với hàn the.
Nếm thử
Chả ngon là khi ăn không bị nát, không bở mà cũng không quá khô cứng. Nếu miếng chả quá bở, ăn không còn vị béo ngậy đặc trưng của thịt, bề mặt không có lỗ rỗ thì tức là trong lúc chế biến thịt đã bị pha lẫn với bột.
Giò tai nấm hương
Giò tai nấm hương được biến tấu để thay đổi khẩu vị. Món này chỉ lấy một phần cánh tai và chọn nấm hương cúc nhỏ thì sẽ thơm, độ dinh dưỡng cao hơn các nấm hương to.
Xay giò và trộn theo tỷ lệ một phần tai, nấm hương với 2 phần thịt cho một kg giò. Ưu điểm của món ăn này là đun nấu thoải mái, không như món giò xào truyền thống kỵ nhiệt. Ngoài ăn trực tiếp, nhiều người còn thích thái mỏng nhúng lẩu, nhất là lẩu cua, cá. Mùi nấm hương trong giò tai tạo sự khoái khẩu cho khách ăn.
Nên mua giò tai nấm hương cả kg rồi cắt nhỏ ra ăn dần. Không nên mua giò tai hay bất cứ loại giò nào gói nhỏ, bởi khi gói nhỏ người bán hàng có thể pha nhiều tạp chất, mỡ. Giò gói nhỏ tiện, hợp cho dân nhậu nhưng không ngon bằng giò mua cả kg.
Dăm bông bò
Để làm món dăm bông bò, một số nơi xay nhỏ thịt bê, có nơi lại thái miếng nhưng xuất xứ chung vẫn từ món giò mê (Nghệ Tĩnh). Nguyên liệu chính dùng thịt nạc vai con bê xay lổn nhổn như salami, ăn sẽ ngon, mềm hơn là để cả miếng thịt.
Khi mua nên chọn miếng dăm bông bò có màu sẫm hơn màu quả vải chín chứ không nhợt nhạt, xanh tái. Miếng dăm bông phải ướt, bóng, nếu khô là không ngon. Khi ăn thử mềm, dai mà giòn. Món này thích hợp cho bữa nhậu và các gia đình trẻ.
Dăm bông gà
Món này được làm từ gà Tây (gà đen cổ cao) hoặc gà công nghiệp, gà to con thì ăn mới giòn, bùi.
Nếu làm từ thịt gà Tây - giống gà ăn cỏ - thì độ dinh dưỡng không cao bằng gà công nghiệp già. Cách nhận biết dăm bông gà ngon là ăn có mùi thơm của thịt, nấm hương, màu hồng hào. Bề mặt miếng dăm bông cũng ướt, bóng.