Tính năng này sẽ được ra mắt vào những tuần sắp tới, tuy vậy nó sẽ chỉ là cài đặt mặc định chứ không bắt buộc đối với người dùng. Khách hàng dưới 18 tuổi hoàn toàn có thể thay đổi giới hạn thời gian lướt TikTok trong phần cài đặt ứng dụng.
Tuy cho phép người dùng thay đổi, song mạng xã hội này cho biết tính năng vẫn sẽ cải thiện sức khoẻ của những khách hàng ít tuổi của mình. Bởi lẽ, ứng dụng không cho phép người dùng xoá bỏ hoàn toàn mức trần giới hạn thời gian sử dụng. Thay vào đó, người dùng có thể nâng mức trần đó lên mà thôi.
Trước mắt, tính năng mới này sẽ nâng cao nhận thức của người dùng về tổng thời gian họ sử dụng TikTok mỗi ngày. Đây là chỉ báo để họ biết cách sắp xếp thời gian biểu hợp lý hơn.
Cụ thể, nếu bạn dưới 18 tuổi, thì theo mặc định của bản cập nhật mới, khi thời gian TikTok hoạt động trên thiết bị của bạn kéo dài 60 phút, bạn sẽ được yêu cầu nhập một dòng mật khẩu.
Sau đó, bạn được chủ động cài đặt lại mức trần sử dụng thiết bị để lướt TikTok. Đi kèm với đó là những thông số và thông báo về thời gian sử dụng, để người dùng biết tự quản lý thói quen online của mình.
Bên cạnh TikTok, các mạng xã hội đông người dùng như Instagram và Snapchat cũng đưa ra khuyến cáo với các bậc phụ huynh rằng họ cần theo dõi để con mình có khoảng nghỉ ngơi hợp lý khi sử dụng nền tảng số.
Lý do dễ hiểu khi TikTok đưa ra chính sách này là, nền tảng "đông dân" thường bị cáo buộc gây ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm lý của người dùng. Chính xác hơn, sức khoẻ điện tử (digital well-being) của những công dân mạng ngày càng được quan tâm hơn, khi vị trí của các mạng xã hội đang được coi ngang bằng với những không gian công cộng như công viên, thư viện, quán cafe, v.v.
Chấn thương tâm lý từ thông tin tiêu cực và các xích mích trên mạng, cùng với các loại bệnh lý do ngồi một chỗ nhìn vào màn hình quá nhiều, là hệ quả không tích cực của mạng xã hội. Lý do của tất cả những điều trên là chứng "nghiện."
Nguyên nhân của chứng nghiện này là gì, chắc tất cả chúng ta cùng biết thông qua các biểu hiện: Các thuật toán biết rõ ta muốn tiêu thụ các loại nội dung gì và liên tục đẩy chúng lên màn hình của ta; tab "dành cho bạn" (For You) lôi kéo ta ở lại trên nền tảng lâu hơn. Nguyên nhân cốt lõi của những biểu hiện này đó là các mạng xã hội đang biến người dùng trở thành người lao động trong các "nền kinh tế của sự chú ý" (attention economy).
Hiểu một cách đơn giản, các mạng xã hội kiếm tiền nhờ việc người dùng dành nhiều thời gian hơn để tiêu thụ nội dung của các nền tảng này. Nhờ đó, khả năng họ nhìn thấy quảng cáo và tham gia vào thị trường tiêu dùng nhiều hơn so với khi xem các kênh truyền truyền thống như TV và báo điện tử.
Hiện nay, TikTok là nền tảng khai thác tối đa nhất sự chú ý của người tiêu dùng. Với format cực ngắn của các video content, người dùng không phải bỏ ra quá nhiều thời gian để tiêu thụ thông điệp. Điều đó khiến họ sẵn sàng tiêu thụ từng khoảng ngắn đó hơn vì nghĩ rằng mình chưa dành nhiều thời gian đến thế để sử dụng mạng xã hội. Giữa từng "slot" nội dung ấy là quảng cáo. Chứng nghiện TikTok có thể nói, vừa là nghiện nội dung, vừa là nghiện những quảng cáo được "kẹp díp" giữa chúng.