Hãng tin CNBC và các nguồn tin cho biết cả hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng và thời điểm hoàn tất thương lượng vẫn chưa chắc chắn.
Grab, công ty đang kinh doanh nhiều dịch vụ bao gồm ứng dụng gọi xe “ôm”, xe taxi... hoạt động ở hơn 100 thành phố khắp Đông Nam Á, đang chiếm 95% thị phần dịch vụ gọi xe taxi ở khu vực này.
Thương vụ đang thương lượng giữa Uber và Grab cũng sẽ tương tự như chiến lược của Uber ở Trung Quốc khi hãng này chấp nhận nhượng mảng kinh doanh gọi xe cho đối thủ Didi Chuxing để đổi lấy 20% cổ phần của công ty này. Năm ngoái, Uber cũng chấp nhận sáp nhập mảng kinh doanh tại Nga vào công ty đối thủ Yandex để đổi lấy 37% cổ phần của công ty này.
Mục đích của những động thái trên là giúp Uber kiểm soát chi phí hoạt động khi chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2019.
Kể từ khi tiếp quản ghế giám đốc điều hành Uber, thế chỗ của ông Travis Kalanick, người đồng sáng lập Uber, ông Dara Khosrowshahi đã tập trung cải thiện danh tiếng bị nhiều bầm dập của công ty này cũng như siết chặt kỷ luật tài chính để giúp Uber nhanh chóng có lợi nhuận. Trong năm 2017, Uber lỗ đến 4,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 61% so với năm ngoái, dù vậy, mức lỗ trong quý 4 đã giảm so với cùng kì.
Tại một hội nghị công nghệ ở San Francisco (Mỹ) trong tuần qua, ông Khosrowshahi thừa nhận rằng việc cạnh tranh với các đối thủ địa phương là rất khó khăn.
Phương án sáp nhập Uber vào Grab sẽ đi đúng theo chiến lược mở rộng sự kiểm soát trên thị trường gọi xe của SoftBank, tập đoàn đầu tư Nhật Bản vừa mua khoảng 15% cổ phần của Uber hồi tháng 1-2018. Softbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty gọi xe gồm Grab, Didi Chuxing, Ola (Ấn Độ), 99 (Brazil).
Theo Ted Smith, người sáng lập Union Square Advisors, 80% số công ty khởi nghiệp hướng đến kết thúc bằng tiến trình mua bán sáp nhập vào các công ty đại chúng hay các tập đoàn, chỉ 20% nhắm tới việc tự thực hiện IPO, bán cổ phiếu ra công chúng và tự thân phát triển. Có lẽ Uber cũng sẽ đi theo cách này.