Theo Bộ Giao thông Vận tải, nghị định mới về kinh doanh vận tải bằng ôtô có nhiều điểm mới theo hướng tháo gỡ điều kiện, giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho rằng dự thảo nghị định mới trình có nhiều điểm cải cách, trong đó giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay thông qua rà soát các điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải cũng không thể quay lưng.
Theo đó, ô tô cá nhân sẽ không được chạy Uber, Grab nếu không thuộc một doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Hàng loạt lái xe Uber, Grab sẽ không được tiếp tục hoạt động nếu không thay đổi. Đây là một trong các quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến.
Đáng chú ý, dự thảo đã có một số thay đổi khi dỡ bỏ nhiều rào cản cho các loại hình vận tải truyền thống, trong đó có taxi truyền thống như bỏ quy định về số lượng xe tối thiểu đối với đơn vị kinh doanh vận tải, nới niên hạn của xe taxi từ tối đa 8 năm lên không quá 12 năm…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT lại muốn “siết” thêm quy định cho các loại hình vận tải như Uber, Grab,... Chẳng hạn, phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe, có logo nhận diện,...
Giảm rào cản cho taxi truyền thống
Theo các chuyên gia, vận tải hàng hóa và hành khách đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cho nên, việc sửa đổi Nghị định 86 cần đặt ra mục tiêu thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, kể cả vận tải truyền thống và vận tải theo phương thức mới.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 có đảm bảo mục tiêu ấy? Xem xét dự thảo, TS Phan Đức Hiếu thấy rằng những điều kiện liên quan đến vận tải truyền thống được dỡ bỏ dần, trong khi điều kiện với Uber, Grab có vẻ hơi siết lại.
Cụ thể, các điều kiện bất hợp lý với taxi truyền thống đã được dỡ bỏ như không yêu cầu số lượng xe tối thiểu, trình độ người điều hành, tăng niên hạn sử dụng xe lên 12 năm...
Với việc dự thảo lại bổ sung các điều kiện khác với Uber, Grab như đề cập sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của taxi công nghệ đang nở rộ và gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam về bất lợi cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ trên nền tảng kinh tế chia sẻ
Cụ thể, ngoài việc phải đầu tư mua sắm xe cộ, chế độ cho người lao động, taxi truyền thống còn chịu nhiều quy định khác. Ví dụ như việc cấm taxi lưu thông trong một số tuyến đường, trong một số giờ. Điều này tạo bất lợi thị trường, hành khách muốn cũng không gọi được taxi truyền thống. Mới đây, Hà Nội cũng đã cấm cả xe hợp đồng như Uber, Grab tại một số tuyến đường.
Tất cả gánh nặng chi phí đó đổ dồn vào giá cước, khiến cước taxi truyền thống cao hơn đáng kể so với taxi công nghệ.
Trong khi đó, Uber, Grab không phải đơn thuần kinh doanh công nghệ. Họ cũng kinh doanh vận tải nhưng không chịu chi phí ở tất cả các khâu như taxi truyền thống. Họ có nhiều lợi thế hơn như không mất tiền mua sắm phương tiện, không phải kí hợp đồng lao động với tài xế nên không chịu nghĩa vụ tiền lương, bảo hiểm... Nhờ đó, giá cước rẻ hơn taxi truyền thống.
Sửa theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp vận tải
Lãnh đạo Vụ Vận tải cho rằng dự thảo nghị định mới được xây dựng và triển khai dựa trên Luật Giao thông đường bộ với 5 loại hình vận tải, bao gồm: xe cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch và xe bus.
“Khi đưa phần mềm điện tử mà không làm thay đổi bản chất của các loại hình này thì chúng ta cần khuyến khích. Ví dụ như phần mềm có thể ứng dụng lên xe taxi, cũng có thể ứng dụng lên xe hợp đồng, thậm chí là cả xe chở hàng hóa. Hà Nội đã ứng dụng lên cả xe bus”, ông Ngọc nói.
Nghị định mới sẽ mở rộng thêm taxi cũng có thể sử dụng hợp đồng điện tử. Ngoài ra còn có xe du lịch và xe chở hàng hóa. Dự thảo nghị định mới được sửa theo hướng mở, tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn. Lúc đó, phần mềm giống như một sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, nghị định mới thay thế Nghị định 86 cũng bỏ quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải.
“Tôi lấy ví dụ trước đây quy định một đơn vị kinh doanh vận tải chạy 300 km trở lên phải có 10 xe chẳng hạn. Nhưng thực tế, có những doanh nghiệp làm tuyến cố định, họ chỉ cần 2 xe chạy thôi. Nếu cứ bắt 10 xe thì khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Ngọc Vụ trưởng Vụ Vận tải nói.