Sau khi gặp nhiều ý kiến phản đổi, đặc biệt từ các hiệp hội bất động sản, Bộ Tài chính đã chính thức bỏ đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Bỏ đề xuất đánh thuế sang tên sổ đỏ là tin vui với cả người mua nhà lẫn các công ty bất động sản
Trong dự thảo sửa đổi năm luật về thuế lấy ý kiến công khai trước đây, Bộ Tài chính từng đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với thuế suất 10%.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã tiếp thu và chính thức bỏ đề xuất đánh thuế VAT với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bộ Tài chính lý giải, hiện giá bán bất động sản không gồm thuế VAT, nhưng với nhiều dự án chung cư cao tầng phải phân bổ tiền sử dụng đất cho từng căn hộ nên phức tạp; nhiều dự án chung cư cao tầng không tính trừ giá đất phải nộp ngân sách khi xác định giá tính thuế VAT.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều tổ chức, cá nhân khác qua nhiều năm, khó xác định “giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước”.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT thông thường (hiện là 10%). Theo đó, ngoài hoạt động mua bán bất động sản, hoạt động cho, tặng, thừa kế… bất động sản khi sang tên sổ đỏ đều phải chịu thuế VAT.
Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định, thay vì tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp ngân sách nhà nước hiện được khấu trừ khỏi giá tính thuế, nay sẽ cộng vào giá để tính thuế.
Người dân hưởng lợi, Nhà nước mới có thu
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc L&L Group, cho rằng việc Bộ Tài chính bỏ đề xuất áp thuế VAT giải tỏa được tâm lý lo lắng cho các công ty bất động sản lẫn người mua nhà. Vì nếu hoạt động chuyển nhượng phải chịu thêm thuế VAT là 10% và có thể tăng lên 12% theo đề xuất trước đây của Bộ Tài chính thì giá bán sẽ tăng theo tương ứng. Điều này làm dấy lên lo ngại giá nhà đất sẽ tăng sốc.
“Khi áp thuế VAT thì DN bán hàng gặp rất nhiều khó khăn, vì tăng thuế buộc phải tăng giá, giá cao thì lượng khách hàng đổ tiền đi mua nhà, đầu tư cũng giảm sút. Do vậy bỏ đề xuất áp thuế VAT sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản đang thời điểm rất cần kích cầu này. Chính sách thuế ổn định với thị trường bất động sản sẽ kéo theo hàng loạt ngành khác cũng ổn định theo, giá nhà không biến động thì người đi mua nhà đất cũng nhiều hơn” - ông Minh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rằng khi áp thuế VAT sang tên sổ đỏ, nói chung là tăng thuế với ngành bất động sản sẽ khiến thị trường biến động, tác động dây chuyền lên các ngành khác và hệ lụy cho cả nền kinh tế. Giá nhà tăng dân sẽ thắt chặt chi tiêu, không đi mua nhà thì các công ty bất động sản bán hàng không được, không có lợi nhuận, thậm chí tồn kho, nợ xấu thì Nhà nước thất thu thuế. Thế nên bỏ quy định sang tên sổ đỏ dân sẽ được nhờ.
Theo ông Hiếu, không chỉ bỏ thuế VAT đối với bất động sản mà cũng cần nghiên cứu không tăng thuế VAT với nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Bởi nếu VAT tăng từ 10% lên 12% với hàng loạt mặt hàng như đề xuất của Bộ Tài chính thì không chỉ tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng mà còn tác động gián tiếp tới nhiều nhóm hàng và dịch vụ khác.
Tuy đã bỏ đánh thuế VAT với hoạt động san tên sổ đỏ, nhưng có thể thời gian tới người có nhiều nhà đất vẫn phải gánh thêm khoản thuế mới là thuế tài sản. Hiện khoản thuế này đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, với mục tiêu hướng tới là thu thuế với người sở hữu từ 2 căn nhà/đất trở lên.