Trong năm 2017, ngành NH là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm đạt trên 6,5 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 18%. Kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra.
Ngân hàng giảm lãi suất
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) ngày 9-1 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống NH tính toán giảm lãi suất cho vay, giảm đồng loạt chứ không chỉ ở một số NH. “Giảm lãi suất cho vay là vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia” - Thủ tướng nói.
Chỉ một ngày sau đề nghị của Thủ tướng, hàng loạt NH lập tức giảm lãi suất cho vay.
Ngày 10-1, Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế về mức tối đa 6%/năm.
Doanh nghiệp các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ sẽ được vay mức lãi suất ưu đãi này.
Cụ thể, đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm sẽ được đồng loạt giảm về mức 6%/năm. Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm. Các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm.
Vietcombank là NH đầu tiên công bố giảm lãi vay trong năm 2018 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vui
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lợi nhuận trước thuế của hệ thống NH có thể tăng hơn 40% và lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016.
Đơn cử, NH Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2017. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NH đạt 8.800 tỉ đồng và đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Tương tự Vietcombank cũng công bố mức lợi nhuận năm 2017 đạt 10.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.
Lợi nhuận lớn là một trong những yếu tố giúp các NH giảm lãi suất, qua đó tiết giảm chi phí lãi vay cho cộng đồng DN. Chị Hà Phương, Giám đốc DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Hải Phòng, chia sẻ với khoản vay trị giá 10 tỉ đồng lãi suất 9%/năm, tức mỗi năm chị phải trả tiền lãi hết 900 triệu đồng. Nay lãi suất giảm 0,5% giúp công ty của chị tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng/năm.
“Với DN thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. Trong thời điểm tình hình kinh doanh phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nguồn vốn sản xuất kinh doanh vẫn cần dựa vào NH thì việc giảm được chi phí lãi vay là tín hiệu đáng mừng. Qua đó giúp cộng đồng DN có thêm cơ hội mở rộng thị trường” - chị Phương nói.
Muốn giảm nhiều không dễ
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sâu và trên diện rộng là không dễ. TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính NH, cho rằng lợi nhuận của nhiều NH khá cao không hẳn là nhờ tăng trưởng tín dụng hay nhờ tiết kiệm chi phí…, mà chủ yếu là đến từ kế hoạch xử lý nợ xấu. Khi xử lý nợ xấu tốt thì quỹ trích lập dự phòng rủi ro sẽ chảy vào lợi nhuận của NH. “Cân đong đo đếm các yếu tố kể trên thì thấy cánh cửa hạ lãi suất cho vay trên diện rộng vô cùng hẹp” - ông Tín dự báo.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, phân tích bức tranh lợi nhuận sáng sủa không có nghĩa các NH có nhiều dư địa để giảm lãi suất trong năm nay. Thêm vào đó các quy định của NH Nhà nước đang áp dụng theo xu hướng thắt chặt tín dụng, như tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn áp dụng ở mức 45% và hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản là 200% cũng là những nút thắt cho hoạt động tín dụng của các NH.
Ngay đại diện một số NH thương mại nhà nước có thị phần lớn cũng cho hay đang gặp khó khăn vì không được cấp thêm vốn để tăng vốn điều lệ, dẫn tới rất hạn chế trong tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ một phần chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, nói nếu không tăng được vốn thì trong quý I-2018 này tỉ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ ở dưới mức tối thiểu theo quy định của NH Nhà nước và thông lệ quốc tế. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách.