Vì sao không nên dùng giấy vệ sinh để lau miệng?
Nhiều người giữ quan niệm hoàn toàn sai lầm khi đánh đồng giấy cuộn sử dụng trong nhà vệ sinh với giấy ăn được sản xuất riêng đều có thể thay thế cho nhau trong những lúc cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giấy ăn và giấy vệ sinh là hai loại hoàn toàn khác nhau được sản xuất theo quy trình khác biệt nên giấy vệ sinh và giấy ăn là hai cấp độ về chất lượng. So với giấy vệ sinh dùng trong toilet, giấy ăn cần nhiều hơn yêu cầu về độ sạch sẽ. Nếu cứ vô tư sử dụng giấy vệ sinh để lau miệng như giấy ăn sẽ gây ra vô số những rắc rối cho sức khỏe người dùng.
Dùng giấy vệ sinh thay cho giấy ăn
Hành động này không chỉ xuất hiện ở trong nhà bạn mà còn gặp cả ở những hàng quán vỉa hè bạn ăn. Người bán hàng thường mua những bịch giấy theo cân về sử dụng. Đó rất dễ là những loại giấy vệ sinh rẻ tiền và chứa nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Khi bạn dùng loại giấy này để lau thìa đũa và chùi miệng lúc ăn xong là bạn đang gián tiếp mang bệnh vào trong cơ thể. Nếu tiếp xúc với loại giấy ăn độc hại này thường xuyên, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về da, mắt, đường hô hấp... nên cần chú ý khi sử dụng. Cách tốt nhất là nên vắt chanh vào đầu đũa trước khi ăn chứ không nên dùng giấy vệ sinh để lau nhé.
Giấy vệ sinh không phải càng trắng càng tốt
Việc sử dụng giấy vệ sinh càng trắng không phải càng tốt cho sức khỏe. Vì giấy càng trắng có nguy cơ bị tẩy trắng trong quá trình làm càng cao và chúng có thể chứa cả huỳnh quang, thạch cao điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dùng. Bởi vậy khi lựa chọn nên chọn giấy vệ sinh có màu trắng tự nhiên.
Giấy vệ sinh cũng có thời hạn sử dụng
Hạn sử dụng trung bình của giấy vệ sinh thường là 2-3 năm, tốt nhất là bảo quản trong điều kiện phòng kho khô, thông thoáng. Loại giấy vệ sinh khi bị quá hạn sử dụng có thể dễ dàng bị nhiễm vi khuẩn bẩn, nếu phát hiện giấy vệ sinh có nấm mốc hoặc rơi mủn bột giấy thì tuyệt đối không nên tiếp tục sử dụng.
Chất phụ gia hóa học trong quá trình sản xuất giấy có thể gây ung thư, quái thai...
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP HCM cho biết trên VnExpress, trong quá trình sản xuất giấy, các chất độc policlobiphenyl (PCBs) vô tình được sản sinh ra. Để tẩy trắng nguyên liệu, nhà sản xuất phải dùng đến clo. Các phân tử chất thơm và phenol có trong quá trình này bị clo hóa đã tạo ra policlobiphenyl.
Phương pháp tẩy trắng nguyên liệu giấy bằng clo được áp dụng phổ biến vì hiệu quả cao mà chi phí thấp. Hiện nay tại Việt Nam chưa cơ quan nào kiểm soát hàm lượng polyclobiphenyl trong giấy ăn. Bên cạnh đó, nhiều hóa chất phụ gia độc khác như xút, javen, cao lanh, xenlolo, keo... cũng được tìm thấy tồn dư trong các loại khăn giấy.
Nghiên cứu của các chuyên gia môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội ghi nhận, hầu hết các loại khăn giấy trên thị trường đều có chứa policlobiphenyl. Dù với hàm lượng rất thấp, chỉ nhỏ hơn vài microgam trong một kg giấy thành phẩm, chất này cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, thậm chí tích tụ theo thời gian sẽ gây nên đột biến tế bào dẫn đến ung thư, quái thai...
PCBs là nhóm hóa chất cấu tạo bởi các nguyên tử cacbon, hydro và clo. Ở nhiệt độ cao, chất này có thể cháy, tạo ra các sản phẩm phụ rất độc như dioxin. Sau khi các nhà khoa học cảnh báo về tác hại của PCBs, một số nước đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế chất sự có mặt của chất này trong các sản phẩm gia dụng.
Tích trữ giấy trong túi để dùng dần
Nhiều cô nàng có thói quen ra đường là phải có sẵn một ít giấy vệ sinh trong túi để dùng khi có việc cần. Tuy nhiên, giấy vệ sinh khi tiếp xúc với một số vật dụng khác trong túi sẽ sản sinh ra nhiều vi khuẩn tích tụ vào giấy. Chưa nói đến việc giấy vệ sinh khi để bên ngoài quá lâu cũng đã bám bụi bẩn rất nhanh rồi. Vậy nên, hãy thay đổi thói quen này đi nếu bạn không muốn nuôi mầm bệnh vào trong cơ thể.
Vì vậy, hãy kiểm tra xem những "ngộ nhận" về giấy vệ sinh trên bạn có vướng phải điều nào không. Để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, hãy thay đổi thói quen và tìm hiểu cách sử dụng giấy vệ sinh cho hợp lý nhé.