Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng tăng mạnh, trong khi hải sản, xoài, gà rớt giá thê thảm.
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đứng ở quanh mức trên 1.683,5 USD/oz. Trong tuần, giá vàng thế giới chỉ có phiên ngày 8/4 đi ngang, còn lại các phiên đều liên tục tăng. 2 phiên ngày 7/4 và 10/4 giá vàng tăng mạnh nhất với mức điều chỉnh từ 35 - 44 USD/oz mỗi phiên. Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới đã tăng 65,5 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng tăng mạnh.
Theo phân tích của giới chuyên gia, giá vàng thế giới tuần qua tăng mạnh là do dịch bệnh Covid-19 vẫn gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Trong đó, Mỹ không chỉ khó khăn trong đối phó với dịch bệnh mà còn phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cao, 4 tuần với trên 35.000 lao động xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Không những vậy, mà cả Chính phủ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn liên tục tung ra gói hỗ trợ DN, người lao động, sinh viên, nhưng chiều hướng DN đóng cửa, người lao động mất việc vẫn gia tăng. Cứ 4 DN thì có 1 đơn vị sẽ không còn trụ vững trong 2 tháng tới. Các ngân hàng cũng đang chịu áp lực lớn khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho vay đối với cá nhân và DN.
Những chính sách chưa đi vào thực tế, khiến cho nhà đầu tư đã phải đẩy mạnh mua vàng để phòng tránh rủi ro cho dòng vốn và chờ đợi những quyết sách mới của Chính phủ.
Tính chung, tuần qua giá vàng trong nước cũng liên tục tăng trong các phiên. Mức điều chỉnh khá rộng từ 100.000 – 600.000 đồng/lượng, tùy theo DN.
Trong tuần giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC trong DN đã tăng từ 150.000 - 500.000 đồng/lượng, tùy đơn vị. Vàng SJC giao dịch qua ngân hàng cũng tăng từ 300.000 - 400.000 đồng/lượng.
Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ tích cực bởi dịch bệnh gia tăng, khiến các nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái. Khuyến cáo của chuyên gia, nhà đầu tư nên tìm kiến thời điểm giá vàng ở mức thấp để mua vào và đầu tư dài hạn. Bởi chênh lệch mua - bán đang được giãn ra khá lớn, nếu giao dịch lướt sóng khó mang lại lợi nhuận.
Giá tôm hùm lại rớt thảm hại
“Bình thường tôm hùm đã là mặt hàng khó tiêu thụ, nên khi TP Hồ Chí Minh áp dụng “lệnh” cách ly toàn xã hội, đường phố vắng người, nhà hàng, quán ăn đóng cửa thì tình trạng ế ẩm càng nặng nề hơn. Dù hiện tại, giá tôm hùm đã giảm mạnh song khách hàng vẫn không mấy mặn mà”, chị Thuỷ (chủ một vựa bán hải sản trên đường Phạm Hùng, quận 8) than thở.
Giá tôm hùm lại rớt thảm hại.
Cũng theo chị Thuỷ, không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng hải sản khác như ốc hương, cá lăng, mực nháy,… cũng đều rớt giá song lượng bán ra vẫn giảm. Để bán được hàng, thay vì theo cách truyền thống như trước đây chị Thuỷ chuyển sang bán online với nhiều cách thức mới mẻ.
“Để đẩy được hàng, tôi không bán từng loại hải sản riêng biệt mà chuyển sang đẩy mạnh quảng cáo các set lẩu hải sản giá 1-2,8 triệu đồng (bao gồm cua, tôm, cá, ngao và mực các loại) và nhận thấy dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó, giảm giá tất cả hải sản tươi sống hoặc chế biến sẵn cho những khách mua mang về”, chị Thuỷ nói.
Anh Dũng, chủ một vựa hải sản trên đường Văn Thân (quận 6) cũng cho biết, giá hải sản tại cửa hàng của mình đang giảm mạnh. Trong đó, mặt hàng được quan tâm nhất là tôm hùm baby (loại 0,3-0,4 kg/con), giá mua sống mang về là 269.000 đồng/con.
“Trong khi giá “giải cứu” hồi tháng 2 vừa rồi là 333.000 đồng/con, thì hiện tại chỉ còn 269.000 đồng/con. Như vậy, nếu mua 1 kg tôm hùm baby, khách hàng rẻ được 192.000 đồng so với thời điểm giải cứu”, anh Dũng phân tích.
Để giữ khách, ngoài bán hải sản tươi sống, cửa hàng của anh Dũng còn nhận luôn khâu chế biến nếu khách yêu cầu.
“Vì giá tươi sống giảm nên giá chế biến tôm hùm baby mua mang về cũng được điều chỉnh từ 383.000 đồng/con xuống 319.000 đồng/con, giảm 17%”, anh Dũng nói thêm.
Xoài rớt giá thê thảm
Những ngày qua, các tỉnh miền Tây thu hoạch rộ xoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bệnh Covid-19, tình hình tiêu thụ khó khăn đẩy giá xoài rớt xuống chạm đáy.
Ông Trần Ngọc Triển (53 tuổi, ngụ ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) trồng 10 công xoài 20 năm tuổi cho hay những ngày này thương lái vô tận vườn mua xoài cát chu chỉ 3.500 - 4.500 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 15.000 - 17.000 đồng/kg. Giá quá “bèo” nhưng nhà vườn phải bán vì để xoài chín sẽ không bán kịp. Ông Triển nhẩm tính mỗi công xoài thu hoạch khoảng 1,5 tấn trái bán ra thì nhà vườn lỗ 5 - 6 triệu đồng. “Từ đầu mùa đến giờ tôi bán khoảng 8 tấn xoài nhưng thu chưa đến 40 triệu đồng. Trong khi năm rồi, cũng sản lượng này, tôi thu được hơn 100 triệu đồng”, ông Triển thở dài.
Xoài rớt giá thê thảm.
Ông Hồ Văn Hữu, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xoài Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh), thông tin mỗi ngày HTX mua của các nhà vườn 6 tấn xoài cát chu để cung cấp cho bạn hàng ở Tiền Giang. Do có ký kết hợp tác nên giá mua xoài của HTX khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg, cao hơn các thương lái ngoài thị trường 1.000 đồng/kg. Ông Hữu nói: “Giá xoài hiện tại thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vụ xoài năm rồi, thời điểm này HTX mua cho bà con với giá 9.000 đồng/kg. Hiện nay HTX đang cố gắng hỗ trợ mua cho bà con được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu”.
Chị Ánh Hồng, chủ vựa Xoài Ánh Hồng (P.1, TP.Cao Lãnh), cho biết hiện nay diện tích xoài ở các tỉnh miền Tây đang thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ chỉ gói gọn trong nước, không thể xuất khẩu vì các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến giá giảm. “Thương lái các nơi chỉ đặt mua hàng bán nội địa, nhưng người dân hạn chế ra đường nên sản lượng tiêu thụ nội địa cũng rất hạn chế và giá xoài ở mức rất thấp”, chị Hồng nói.
Giá gà giảm mạnh
Giá gà bán tại trại ở Đồng Nai và một số tỉnh Đông Nam bộ hiện nay chỉ ở mức 8.000-8.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nói như khóc: “Giá gà đang rẻ như rau, 3 kg gà chỉ bán được 24.000 đồng, giá chỉ 8.000 đồng/kg thì người nuôi gà đang lỗ sặc máu”.
Giá gà giảm mạnh.
Mức giá như trên được cho là thấp nhất từ trước tới nay. Theo ông Ngọc, với mức giá này, người nuôi gà đang lỗ rất nặng bởi giá thành hiện 23.000-24.000 đồng/kg. Mỗi ký thịt gà, người nuôi lỗ khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi con gà 3 kg thì người nuôi lỗ 45.000 đồng/con. Tính ra trại nào xuất bán mỗi lứa vài chục ngàn con lỗ hàng trăm đến hàng tỉ đồng.
Nguyên nhân giá gà công nghiệp rớt thê thảm, ông Ngọc cho biết là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lâu nay, gà công nghiệp chủ yếu được tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể phục vụ công nhân, học sinh… Nhưng do dịch bệnh, từ sau tết, các tỉnh, TP vẫn chưa cho học sinh đi học trở lại. Nhiều công ty giảm thời gian làm việc, lao động do thiếu đơn hàng.