Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, tỏi và rau xanh giảm mạnh, trong khi giá gà và tôm tăng gấp đôi.
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh mốc 1.586 USD/oz, giảm hơn 59 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và giảm thêm hơn 3,5 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Giá vàng tuần qua có sự biến động mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 đến nay cả về chiều tăng và chiều giảm. Bởi, thời gian biến động tăng – giảm chỉ trong 1 tuần giá vàng thế giới lên đỉnh của mốc 7 năm trước, nhưng cũng chỉ sau 1 phiên đã đánh mất gần hết mức tăng từ đầu năm đến nay.
Giá vàng giảm mạnh.
Không chỉ có vàng, mà đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ cũng tiếp tục lao dốc. Đánh dấu cả tuần chứng khoán tại quốc gia này lao dốc liên tục và làm bốc hơi tổng vốn hóa 3.200 tỷ USD toàn thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua.
Vàng đầu tuần đã tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên lên 1.663 USD/oz trên thị trường châu Á. Nhưng vào phiên Mỹ thì sau đó thị trường lại chứng kiến mức tăng giá mạnh của vàng có lúc lên mốc 1.683 USD/oz.
Chỉ có phiên đầu tuần tăng, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm ngay 2 phiên liền sau đó. Mức điều chỉnh của phiên tăng và giảm đều khá cao từ 20 – 43 USD/oz mỗi phiên.
Phiên ngày 27/2, trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố có người nhiễm dịch bệnh Covid-19, giá vàng đảo chiều tăng trở lại, nhưng mức tăng yếu chỉ để thăm dò thị trường.
Theo những phân tích trên thị trường, nhà đầu tư đã lường trước sự lao dốc của giá vàng nên việc hạn chế mua vàng ở mức giá cao. Những dự báo đã diễn ra rất sớm, trong phiên cuối tuần giá vàng thế giới đã mất gần 60 USD/oz chỉ sau 1 phiên.
Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới đã mất 77 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Nếu so với mức giá cao nhất tuần thì giá vàng thế giới đã mất đến 97 USD/oz.
Tương tự giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng giảm mạnh. Tính từ mức đỉnh của tuần có lúc lên trên 49 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC thì đến phiên cuối tuần giá vàng SJC đã mất gần 5 triệu đồng. So với giá mở cửa tuần, giá vàng miếng SJC đã giảm từ 1 triệu đồng trở lên tùy theo doanh nghiệp.
Giá tỏi giảm sâu
Theo người dân tỉnh Khánh Hòa, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, tỏi ít sâu bệnh nên năng suất tỏi tương đối khá. Cụ thể, 1 sào đất (1.000 m2) cho năng suất trung bình khoảng 1-1,2 tấn tỏi tươi.
Trước Tết Nguyên đán, hộ nào thu hoạch sớm đã bán được với mức giá từ 50.000-60.000 đồng/kg tỏi tươi.
Tuy nhiên, sau Tết, tỏi tươi rớt giá dần. Mức giá bán hiện chỉ còn 15.000 - 30.000 đồng/kg, tùy từng loại. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng tỏi chỉ lãi từ 5-6 triệu đồng/sào đất.
Giá tỏi giảm sâu.
Theo lãnh đạo các địa phương, dù được mùa hơn năm ngoái, nhưng giá tỏi hiện giảm xuống chỉ còn 20.000 - 30.000 đồng/kg tỏi tươi, nông dân thu hoạch không lãi được bao nhiêu.
Theo một lãnh đạo Hội Nông dân xã Ninh Phước, vùng trồng tỏi của xã trải dài trên khoảng 110 ha. Điểm yếu nhất là địa bàn chưa có chuỗi liên kết tiêu thụ nhằm cung ứng "đầu vào" lẫn "đầu ra" cho tỏi.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Ninh Vân cho biết, toàn xã có khoảng 40 ha đất trồng tỏi. Nhưng diện tích trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ khoảng 5 ha.
Nguyên nhân do "đầu ra" giữa tỏi sản xuất VietGAP và tỏi sản xuất bình thường đều bán giá như nhau nên nông dân không mặn mà.
“Hiện tỏi trên địa bàn chủ yếu bán trôi nổi trên thị trường. Thương lái thu mua với giá bao nhiêu, nếu được nông dân bán nên đầu ra chưa ổn định”, lãnh đạo xã này nói và mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm mối liên kết để đầu ra cây tỏi được ổn định hơn.
Lý giải giá tỏi tươi từ mức 50.000-60.000 đồng/kg rớt giá chỉ còn một nửa, một thương lái thu mua tỏi ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, trước Tết giá tỏi cao vì khan hiếm hàng, còn bây giờ người dân đang thu hoạch rộ, năng suất cao, trong khi thị trường trong nước tiêu thụ chậm.
Giá rau xanh bất ngờ hạ nhiệt
Ghi nhận sáng 28/2, giá rau xanh tại các chợ dân sinh đã hạ nhiệt khoảng 30%-50% tùy loại. Đặt biệt, có những loại rau giảm tới 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ sạp rau xanh tại một chợ lớn trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ 3 ngày nay, khi thời tiết khu vực ấm lên, lượng rau về chợ dồi dào, đa chủng loại nên giá rau xanh đã hạ nhiệt, có loại giảm giá “khủng” khiến sức mua tăng lên đáng kể.
“Súp lơ xanh trước Tết cỡ bằng chiếc bát ăn cơm phải có giá tới 40.000-50.000 đồng thì nay chỉ còn 12.000 đồng/bông. Giảm giá mạnh nhất là đậu cove xanh, sau Tết giá tới 50.000 đồng/kg nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Nói chung loại rau nào giá cũng giảm rất mạnh do nguồn cung đã ổn định trở lại” – chị Hoa chia sẻ.
Giá rau xanh bất ngờ hạ nhiệt.
Có thâm niên kinh doanh rau xanh tại Hà Nội từ 15 năm nay, chị Nguyễn Kim Liên cho biết: “Chưa năm nào giá rau xanh tăng mạnh như đợt Tết và sau Tết vừa qua do ảnh hưởng của mưa đá. Nay nguồn cung tăng trở lại, giá rau xanh giảm người kinh doanh như chúng tôi thuận lợi hơn nhiều bởi sức mua tăng.
Mọi người cứ cho rằng chúng tôi thu lãi nhiều khi giá rau cao, nhưng thực chất rau xanh qua nhiều khâu phân phối, đến khâu bán lẻ nếu giá rau cao quá sẽ khiến người tiêu dùng giảm lượng mua. Vì vậy, giá rau xanh cũng như các loại hàng hóa khác giảm, không chỉ người mua phấn khởi mà chúng tôi cũng vui vì buôn bán thuận lợi hơn”- chị Liên nhấn mạnh.
Khảo sát tại các siêu thị lớn như Big C, Mega Mall, Vinmart, Co.opmart cũng cho thấy, lượng rau xanh về nhiều, giá ổn định, có những mặt hàng giá rẻ hơn thị trường đến 20%.
Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện rau trồng tháng 2 đã cho thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên giá giảm. Dự kiến sang tuần, giá rau xanh sẽ tiếp tục giảm và đến khoảng giữa tháng 3/2020, nguồn cung rau xanh sẽ rất dồi dào.
Giá gà tăng gấp đôi
Ngày 26/2, thông tin từ các trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết giá gà công nghiệp đang tăng đáng kể. Cụ thể, hồi đầu tháng 2, giá gà giảm mạnh còn khoảng 10.000 đồng/kg nhưng từ tuần trước đến nay đã tăng dần lên 24.000-25.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo các chủ trại gà, rất ít người bán được với mức giá trên mà hầu hết chỉ bán được khoảng 20.000-21.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi vẫn đang bị lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng/kg do giá thức ăn mới đây tăng đáng kể, ngoài ra thuốc thú y cũng đã tăng giá đến 30% do nguồn cung từ Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Giá gà tăng gấp đôi.
Trước đó, khi giá gà công nghiệp xuống dưới 10.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ nặng đến 15.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Miền Đông, cho biết thời gian qua giá gà xuống thấp, có thời điểm dưới 10.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng. Trước thực trạng đó, các trại chăn nuôi gà đã đồng lòng liên kết với nhau để không bị thương lái ép giá và cũng để tự cứu chính mình.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ngọc, sức tiêu thụ gà hiện nay vẫn rất yếu, khó tìm được mối lái do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; học sinh, sinh viên còn nghỉ; du lịch, dịch vụ ăn uống, thương mại đều gặp khó khăn. Chính vì vậy, người chăn nuôi không thể đưa ra mức giá bán cao hơn để hoàn vốn.
Chưa kể, nguồn cung gà đông lạnh trên thị trường đang rất dồi dào, đa dạng sản phẩm như cánh, đùi, chân, ức... với giá khá mềm, chỉ từ 40.000-60.000 đồng/kg, cũng ảnh hưởng đáng kể đến thịt gà trong nước.
Tôm hùm bất ngờ tăng giá gấp đôi
Ghi nhận trong sáng (28/2), tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giá tôm hùm bán lẻ tăng trung bình từ 10.000 – 150.000 đồng/kg so với tuần trước.
“Trước khi được giải cứu tôm hùm có giá 1,35 triệu đồng/kg 2 con, 1,25 triệu đồng/kg 3 con. Sau đó, tôm hùm rớt giá xuống còn 950.000 - 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên từ hôm qua (27/2) và hôm nay (28/2), giá tôm hùm tăng trở lại khoảng 1,1 triệu đồng/kg loại 2 con”, chị Quỳnh Như, chủ một cửa hàng hải sản trên đường Phạm Hùng (quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Cũng theo chị Như, nếu như cách đây một tuần, tôm hùm loại nhỏ (hay còn gọi là tôm hùm baby) chỉ bán giá 620.000 - 670.000 đồng/kg (khoảng 4 con), giá "giải cứu" từ 500.000 đồng/kg, thì hiện nay đã tăng giá lên 900.000 đồng/kg (loại 4-5 con).
“Nếu so với thời điểm này được “giải cứu” cách đây một tuần, tôm hùm đã tăng giá gấp đôi. Chủ yếu là do tôm hùm đã xuất sang được Trung Quốc, không còn thừa cung thiếu cầu, nên giá được đẩy lên”, chị Quỳnh Như nói thêm.
Tôm hùm bất ngờ tăng giá gấp đôi.
Anh Hải, chủ một vựa hải sản tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, giá tôm hùm tăng bất ngờ ngay sau khi một số cửa khẩu biên giới với Trung Quốc được thông thương. Cũng vì thế, nguồn hàng trong nước bị hạn chế, hiện cửa hàng của anh Hải không đủ tôm hùm để giao cho khách.
“Chỉ khách quen, khách sỉ tôi mới ưu tiên giao trước, còn lại khách mua lẻ phải đặt hàng trước 1 đến 2 ngày mới có tôm hùm để giao, nhất là tôm hùm loại to đang rất khan hàng”, anh Hải nói.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ tại các chợ dân sinh hay các vựa hải sản, tại nhiều siêu thị Aeon Tân Phú, giá tôm hùm nhích nhẹ. Cụ thể, tôm hùm baby theo giá “giải cứu” vào tuần trước là 890.000 đồng/kg (3-5 con), thì nay có giá 990.000 đồng/kg (loại 3-5 con), giá cũ là 1,35 triệu đồng/kg. Riêng các tôm nhập khẩu như tôm hùm Aslaka (xuất xứ từ Canada và Mỹ) không tăng được bán giá 1,29 triệu đồng/kg (cỡ 0,9 - 1,2kg/con), giá cũ được bán trước đó là 1,39 triệu đồng/kg.
Chia sẻ với PV, chú Bình làm nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hoà cho biết, sau thời gian rớt giá, một hai ngày gần đây rất nhiều thương lái tìm đến hỏi mua tôm hùm số lượng lớn từ 10 tấn trở lên để xuất sang Trung Quốc.
“Thay vì phải bán giá 480.000-500.000 đồng/kg như trước đây, giá tôm hùm xanh đã tăng lên 650.000 đồng/kg cho loại có kích cỡ 3-4 con. Trại nuôi của gia đình tôi vừa xuất 6 tấn với giá 620.000 đồng/kg. Tuy lời ít nhưng còn lấy vốn để gối vụ mới", chú Bình phấn khởi.