Thứ 2, 25/11/2024, 07:55 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến
(Tieudung.vn) - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến.

Bản tin trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến.

 

Giá vàng giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mốc gần 1.570 USD/oz, tăng hơn 3 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tuần qua, giá vàng thế giới phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Giá vàng đã có 3 phiên giảm mạnh đầu tuần và 2 phiên tăng giá cuối tuần. Các phiên giá vàng thế giới có bước điều chỉnh trên dưới 10 USD/oz.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Giá vàng giảm mạnh.

Đầu tuần giá vàng giảm mạnh là do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng y tế toàn cầu dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV-2019. Nhà đầu tư trước đó đã có phiên tăng mạnh trên 20 USD vào cuối tuần trước đã tức thì bán vàng ra để chuyển kênh đầu tư. Họ cho rằng khi WHO đã công bố tình trạng y tế toàn cầu sẽ có những giải pháp tích cực để khống chế dịch bệnh nCoV.

Tuy nhiên, do có đến 3 phiên giảm liên tục, cuối tuần tăng nhưng giá vàng thế chung trong tuần vẫn giảm, mất 12 USD/oz so với giá mở cửa tuần và giảm gần 20 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước.

Giá vàng trong nước đầu tuần đã giảm mạnh khi mở cửa phiên do quốc tế giảm mạnh. Tuy nhiên, cũng ngay trong chiều ngày thứ 2 (3/2 – tức mồng 10 tháng Giêng) các DN đã đẩy mạnh giá vàng lên đến 45,4 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, đến sáng ngày hôm sau 4/2, các đơn vị này đã giảm mạnh và đến chiều có những đơn vị đã giảm đến 800.000 đồng/lượng. Cũng chỉ sau 3 ngày liên tục có những đơn vị giảm đến gần 2 triệu đồng/lượng so với mức giá đỉnh của ngày Vía Thần tài.

Tuần qua, giá vàng SJC đã giảm 550.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần trên thị trường tự do. Tại Doji giá vàng cuối tuần đã giảm 1 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Phú quý đã giảm giá vàng SJC 700.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Nhận định của chuyên gia, giá vàng tăng là do vẫn lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chưa có chiều hướng được kiểm soát. Hàng ngày số lượng người mắc càng gia tăng mạnh ở Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác. GIới đầu tư đã quay lại mua vàng nhằm hạn chế tác động của dịch đến nguồn vốn.

Giá gas tháng 2 giảm 17.000 đồng/bình 12 kg

Theo thông báo của các doanh nghiệp đầu mối tại TP Hồ Chí Minh từ 1/12, giá bán gas giảm 1.417 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương giảm 17.000 đồng/bình 12kg; giá bán lẻ tối đa đến tay khoảng 368.000 - 370.000 đồng/bình 12kg.

Cụ thể, các thương hiệu gas Pacific, EG Gas, City Petro… giảm 71.000 đồng/bình gas 50kg, giảm 64.000 đồng/bình 45kg, giảm 18.000 đồng/bình 12,5 kg, giảm 17.000 đồng/bình 12 kg, giảm 8.500 đồng/bình 6kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Giá gas tháng 2 giảm 17.000 đồng/bình 12 kg.

Như vậy, giá mỗi bình gas 12kg đến tay người tiêu dùng không quá 361.500 đồng, 1.356.000 đồng/bình 45 kg, 1.509.000 đồng/bình 50 kg, 368.000 - 370.000 đồng/bình 12kg.

Theo các doanh nghiệp đầu mối, giá giảm do giá CP bình quân tháng 2 ở mức 525 USD/tấn, giảm 52,5USD/tấn so với tháng 1 nên giá bán lẻ gas trên thị trường cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm.

Như vậy, sau nhiều tháng giá gas liên tục tăng (dịp tết vừa qua, giá bán gas đến hộ gia đình đã tăng đến 406.000 đồng/bình 12kg) thì giá gas đang có chiều hướng giảm trở lại ngay từ đầu năm. Dự kiến, giá gas có thể giảm thêm trong thời gian tới, nếu nguồn cung dồi dào như hiện nay.

Giá dưa hấu, chuối, thanh long... đồng loạt giảm mạnh

Ghi nhận trong sáng (5/2), tại tỉnh Lâm Đồng giá dưa hấu, chuối giảm mạnh. Nếu như trước Tết, dưa hấu được bán ra với giá 20.000-25.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg.

“Trung Quốc ngừng mua là các mặt hàng đồng loạt giảm giá, thấy thương người trồng lắm nhưng biết làm sao được, chúng tôi chỉ là thương lái mua đi bán lại kiếm lời mà thôi, giá cao hay giá thấp là do phía Trung Quốc họ định giá”, chị Như – một thương lái tại chợ Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết.

Cũng theo chị Như, giá dưa hấu đang giảm rất mạnh. Nếu năm ngoái chị có các đơn hàng xuất đi cho thương lái Trung Quốc thì năm nay bạn hàng nước này ngưng mua toàn bộ. Hiện nay, chị Như chỉ thu mua nhỏ lẻ tại vài nhà vườn quen thân để gửi hàng đi các tỉnh lận cận như Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng...

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Dưa hấu rớt giá.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Kon Tum, khi chuối rớt giá chỉ còn 3.000 đồng/kg, dưa hấu hơn 1.000 đồng/kg.

Anh Mạnh, một thương lại chuyên thu mua nông sản xuất sang Trung Quốc cho biết, hơn 15 bạn hàng người Trung Quốc của anh Mạnh đồng loạt thông báo ngưng nhập hàng nông sản Việt Nam.

“Họ nói, dịch viêm phổi Corona bùng phát, người Trung Quốc dồn tiền mua lương thực tích trữ, các vật phẩm y tế…vì vậy nếu có nhập nông sản Việt Nam qua cũng ế. Bởi vậy, họ thông báo ngưng nhập hàng và cũng chưa biết khi nào mới nhập lại, có thể là sau khi hết dịch bệnh hoặc cũng có thể là lâu hơn. Nếu vụ này năm ngoái tôi xuất 5-7 xe sang Trung Quốc thì nay không xuất được xe nào”, anh Mạnh nói.

Mặc dù, thương lái Trung Quốc ngưng nhập hàng nhưng anh Mạnh vẫn cố gắng tìm cách ra hàng cho những nhà vườn mối để giữ chữ tín.

“Hiện tại, tôi đang thu dưa hấu của một vài nhà vườn ở Kon Tum với giá 1.200 đồng/kg, nếu tính cả phí công bốc dỡ lên xe thì giá dao động 1.300-1.500 đồng/kg, tùy loại…Biết là mua với giá thế này nhà vườn sẽ lỗ nặng, nhưng có còn hơn không. Trung Quốc ngưng mua thì đầu ra bị hạn chế rất lớn, biết làm sao được”, anh Mạnh giải thích.

Cùng lúc đó, thanh long tại Long An và Bình Thuận cũng rớt giá mạnh, thậm chí giá rớt 2-6 lần so với cách đây một hai tuần.

Chị Thời, một thương lái tại Long An cho biết, thanh long không có người mua nên giá hàng loại 1 chỉ 8.000 đồng/kg, loại 2 chỉ 4.000-5.000 đồng/kg, giảm 6 lần so với cách đây nửa tháng.

Còn tại Bình Thuận, ghi nhận cho thấy giá thanh long ruột trắng chỉ ở mức 2.000-4.000 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, khoảng 4.000 tấn thanh long đang nằm trong các kho chứa. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 8.000 đến 10.000 ha thanh long đến vụ thu hoạch, sản lượng tương đương khoảng 85.000-100.000 tấn quả. Hàng năm, thanh long của tỉnh này đa phần được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủng mới của virus corona gây ra nên việc thu mua và xuất khẩu gặp khó khăn.

Cùng cảnh ngộ với Thanh Long và dưa hấu, tại Đồng Nai chuối cũng không thể xuất sang Trung Quốc. Nếu như chuối loại 1 hiện được hợp tác xã và các thương lái địa phương thu mua với mức 4.000-5.000 đồng/kg, thì chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ có giá khoảng 1.200-1.500 đồng/kg.

“Ảnh hưởng kinh khủng của dịch virus Corona khiến Trung Quốc ngưng nhập nông sản Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc những nhà nông trồng nông sản như chúng tôi đang gặp khó khăn lớn. Nếu tình hình này kéo dài không biết sẽ thế nào nữa…”, ông Hùng – một hộ trồng chuối tại Đồng Nai cho biết.

Tương tự, anh Hồ - một chủ vựa thu mua mít Thái ở Hậu Giang - cho biết, giá mít Thái thu mua tại vườn đang giảm mạnh do không thể xuất khẩu đi Trung Quốc.

Theo anh Hồ, bình thường vựa mít của anh vẫn thu mua khoảng 15-20 tấn mít Thái của các nhà vườn ở Hậu Giang để xuất bán qua Trung Quốc. Thế nhưng, từ Tết đến giờ, do dịch bệnh viêm phổi cấp, phía Trung Quốc đã tạm ngừng mua hàng khiến giá loại trái cây này giảm “chạm đáy”.

Trước Tết Nguyên đán, giá mít thu mua tại các nhà vườn vẫn ở mức 25.000-30.000 đồng/kg tùy loại, còn hiện giờ giá mít loại 1 (quả từ 9 kg trở lên) giá chỉ 7.000 đồng/kg, loại 2 (quả từ 7-9 kg) giá 5.000 đồng/kg, loại 3 (quả dưới 7kg) giá chỉ 4.000 đồng/kg. Nếu mua xô thời điểm này giá cũng chỉ dao động trong khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.

“Giá rẻ nhưng lượng mít tiêu thụ vẫn rất chậm. Một số nhà vườn đến ngày thu hoạch mít, thấy giá rẻ quá, gọi thương lái đến mua không được đành phải tự cắt đem gửi cho người nhà ở các tỉnh lân cận bán lẻ”. Anh Hồ nói và cho biết, với giá mít như hiện nay, những nhà vườn đang phải thuê đất trồng thì lỗ nặng.

Trong khi đó, Lê Văn Nam, một đầu mối thu mua mít Thái ở Hậu Giang, cũng thừa nhận giá mít đang giảm rất mạnh do dư cung.

“Do virus corona nên mít giờ không xuất được sang Trung Quốc, thị trường nội địa cũng chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ nên thương lái chúng tôi chỉ dám thu mua cầm chừng, thậm chí một số người còn dừng hẳn việc thu mua tại các nhà vườn”, anh Nam .

Ở xã Phú Hữu (Châu Thành - Hậu Giang), ông Nguyễn Văn Khánh như ngồi trên đống lửa khi vườn mít Thái 5.000 m2 của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua. "Mít thu hoạch giờ chỉ bán cho các chợ và quầy sạp dọc đường với giá rất thấp; giá ngày 30/1 là 10.000 đồng mỗi kg, nay giảm còn 7.000 nhưng không ai mua", ông Khanh than thở.

Nhiều nông dân khác ở huyện Châu Thành đốn bỏ vườn cây ăn trái đặc sản như măng cụt, chôm chôm, bưởi Năm Roi... để trồng mít Thái cũng đang rất lo lắng vì đầu ra ách tắc.

Cam, chanh tăng giá đột biến

Theo ghi nhận, trong sáng (6/2), tại các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Lottemart, các mặt hàng trái cây giàu vitamin C như thơm, cam, chanh, tắc khá hút hàng. Hiện, các siêu thị cũng liên tục tăng cường nguồn hàng để phục vụ khách.

“So với trước tết, giá cam tăng khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, chanh tăng trong khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Mặc dù giá tăng nhiều, cam và chanh vẫn đang là hai mặt hàng hút khách”, một nhân viên tại siêu thị Big C cho biết.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Chanh tăng giá đột biến.

Tương tự, tại chợ Cây Gõ (quận 6, TP Hồ Chí Minh), chanh, cam, tắc, thơm… là những loại trái cây được người tiêu dùng chuộng mua trong những ngày gần đây. Bất chấp việc giá tăng cao chanh và cam vẫn là hai loại trái cây bán chạy nhất.

“Nói chung, sau khi có thông tin dịch virus Corona xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh thì người dân quan tâm đến nhiều hơn. Cứ 10 người khách thì 9 người hỏi mua cam, chanh, họ nói tăng cường uống trái cây nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, phòng chống dịch”, chị Tâm - một thương lái chuyên cung cấp trái cây tại Chợ Cây Gõ cho biết.

Cũng theo chị Tâm, bên cạnh các mặt hàng trái cây giàu vitamin C thì các sản phẩm được chế biến sẵn như chanh đào mật ong, nước chanh sả cũng được khách hàng đặt mua rầm rộ.

“Mỗi ngày tôi bán ra cả trăm hũ chanh đào, sức mua tăng gấp chục lần so với trước đây. Nhiều khách hỏi mua mà thậm chí chẳng quan tâm đến giá, nói bao nhiêu họ đưa bấy nhiêu. Chưa bao giờ việc mua bán lại trở nên vui vẻ, dễ dàng đến thế”, chị Tâm nói.

Anh Sơn, một đầu nậu chuyên cung cấp trái cây tại chợ quận 10 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù nhu cầu rất nhiều, song số lượng cam, chanh về chợ giảm mạnh so với trước tết. Theo anh Sơn, nhu cầu tăng cao trong khi nguồn hàng ít cũng là một trong những khiến giá cam, chanh tăng mạnh. Hiện, canh sành Vĩnh Long tăng từ 12.000 đồng lên 16.000 đồng/kg, tăng 33% so với tuần trước đó. Chanh, tắc cũng tăng thêm 10-20% so với trước tết.

“Khách mua chủ yếu để trữ, phần thì lo dịch bùng phát, phần thì lo sức đề kháng yếu phải bổ sung nhiều vitamin C, phần thì lo mua sớm chứ không lái giá tăng…Nhưng khách không hiểu vì họ trữ giá mới tăng. Thú thật, rất nhiều khách đặt hàng tôi để mua cam sành với giá 50.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với trước tết), nhận đơn hàng xong, giờ nhà vườn lại báo tăng giá. Không còn cách nào khác, tôi lại phải báo giá với khách lên 55.000 đồng/kg, may là họ hiểu và không trách mình”, anh Sơn bộc bạch.

Cùng với việc cam, chanh tăng giá, trái tắc và trái thơm cũng bắt đầu tăng giá và đắt hàng. Theo tiểu thương tại chợ Tân Định (Quận 1), mấy ngày nay bán được nhiều gấp đôi ngày thường. Giá chanh, tắc cũng đã thêm 5.000 đồng một kg so với tuần trước đó. Cụ thể, chanh đang được bán với giá 25.000 đồng/kg, tắc 30.000 đồng/kg.

Chia sẻ với PV, chị Huệ (chủ một vườn chuyên trồng cam ở Tiền Giang) cho biết, khi dịch virus Corona bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thì vườn cam nhà chị Huệ trở nên đắt khách. Một ngày trung bình có hàng chục thương lái đến hỏi mua cam tại vườn với giá cao.

“Vườn nhà tôi cắt cam liên tục cả tuần nay, các nhà vườn xung quanh cũng vậy. Thương lái đến hỏi mua liên tục, người này đi người khác lại đến. Họ mua để bán đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, may mắn nhất là chúng tôi bán được với giá rất tốt. Mỗi ngày tôi xuất cả tấn cam cho thương lái với giá tại vườn 20.000-25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước tết”, chị Huệ nói.

Xác nhận cam tăng giá liên tục, chị Thư (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, lo lắng cho cả gia đình trước dịch bệnh virus Corona, chị Thư chú trọng việc chăm sóc sức khoẻ. Từ việc hạn chế ra ngoài đến việc tăng cường bổ sung vitamin C cho cơ thể.

Theo chị Thư, 3 ngày vừa qua (4/2,5/2,6/2), giá cam liên tục tăng từ  2.000 -10.000 đồng/kg, tùy loại to nhỏ khác nhau. “Mình mua rất nhiều cam để cả nhà cùng ăn, rồi cả chanh để pha nước uống. Dù giá cam tăng cao, mình vẫn mua, vì mình tin không gì quý hơn sức khoẻ trong những lúc như thế này”, chi Thư nói.

Giá rau Đà lạt tăng mạnh

Ghi nhận trong chiều ngày 7/2, nhiều chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang bán các loại rau xanh Đà Lạt với giá rất cao. Cụ thể, xà lách xoăn 35.000 - 40.000 đồng/kg, rau bó xôi 30.000 đồng/kg, rau tần ô 25.000 - 30.000 đồng/kg, bắp sú tim 12.000 - 15.000 đồng/kg… Các loại khác như đậu cô ve, hành lá, bí ngòi giá cũng tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với trước Tết.

Ngoài rau ăn lá, giá nhóm rau ăn củ như khoai tây, hành tây cũng tăng mạnh lên 28.000 đồng/kg, trong khi mọi năm chỉ 3.500 - 6.000 đồng.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Giá rau Đà lạt tăng mạnh.

Chị Nhung, thương lái chuyên thu mua các loại rau ăn lá ở Đà Lạt tại chợ Cây Gõ (quận 6) cho biết, vốn rất sợ những ngày sau tết vì giá thường rẻ do nguồn cung cả nước dồi dào. Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác vì dịch virus Corona khiến nhu cầu mua tăng bất ngờ, giá rau vì thế cũng tăng mạnh.

“Chưa năm nào sau tết mà giá rau lại cao như năm nay, cứ hàng về là hết, hàng về là hết. Rất nhiều chị em nội trợ , họ mua rau để sẵng đó vì lo sợ dịch virus Corona lan rộng không đủ có nguồn cho gia đình”, chị Nhung nói.

Trao đổi với PV, anh Nhàn, một hộ trồng rau tại Đà Lạt cho biết, vì số lượng rau xanh đang không đủ để cung cấp cho các thương lái, nên gia đình anh Nhàn phải hối hả đặt cây giống cho các vườn ươm để tận dụng cơ hội, đặc biệt với rau ăn lá - loại có thời gian canh tác chỉ 35-40 ngày.

“Trung bình mỗi ngày có hàng chục thương lái đến hỏi mua rau, nhưng tôi chỉ đủ rau cung cấp cho những bạn hàng thân thiết. Nói chung là rau được các thương lái mua lại với giá cao, tuy nhiên cũng còn tuỳ thuộc vào việc loại đó được trồng nhà kính hay ngoài trời. Ví dụ, 1kg xà lách xoăn (lô lô) trồng ngoài trời có giá khoảng 22.000-28.000 đồng, trồng nhà kính có giá khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg..tương tự các loại rau khác cũng thế” anh Nhàn nói.

Lý giải về việc rau xanh Đà Lạt tăng giá, anh Nhàn cho rằng rau Đà Lạt là mặt hàng vốn dễ bị ảnh hưởng do nguồn cung từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn. Chưa kể, hiện chưa phải cao điểm thu hoạch loại củ quả này ở Lâm Đồng.

“Giá rau cao vì tác động từ dịch virus Corona, người dân khắp cả nước có tâm lý tích trữ thực phẩm. Thêm vào đó, nhiều vùng trồng rau miền bắc thiếu rau sau đợt mưa đá dịp Tết Nguyên Đán, và lý do chính nhất là nguồn cung từ Trung Quốc gần như không có”, anh Nhàn nhận định.

Giá cua biển giảm mạnh

Vào dịp cuối năm và những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, giá cua biển trên thị trường Cà Mau liên tục "nhảy múa". Song, ngày 3/2, theo ghi nhận, giá cua biển trên địa bàn tỉnh này giảm trên, dưới 250.000 đồng/kg (tùy loại). Hiện, cua gạch tại Năm Căn - cua biển ngon nhất Cà Mau - được thương lái thu mua với giá 320.000 đồng/kg; cua y loại 1 giá 250.000 đồng/kg; cua y tứ giá 150.000 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas và trái cây giảm mạnh, trong khi giá rau tăng đột biến

Giá cua biển giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Út (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết trước Tết cua biển thương phẩm được thương lái thu mua tận nhà với giá cao ngất ngưởng nhưng từ mùng 4 Tết tới nay, thương lái ở nhiều vùng trên địa bàn bất ngờ ngưng thu mua.

"Họ ngưng thu mua, tôi và nhiều hộ nuôi lân cận đứng ngồi không yên vì cua nuôi đến thời điểm thu hoạch" - ông Út nói trong ngán ngẩm.

Tương tự trường họp của ông Út, là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đảo (ngụ huyện Cái Nước), anh Đảo chia sẻ: "Đêm mùng 3 Tết, tôi đặt rập được khoảng 20 kg cua thương phẩm, lúc này cua gạch được thu mua với giá 650.000 đồng/kg và cua y là 340.000 đồng/kg nhưng sau đó phải thả lại vì không ai thu mua". Đến nay, thương lái đã thu mua trở lại nhưng giá giảm mạnh khiến ông Đảo và nhiều hộ nuôi khác giảm một phần lợi nhuận.

Theo lý giải của các thương lái và chủ vựa cua trên địa bàn Cà Mau, việc ngưng thu mua cua trong người dân vào những ngày gần đây do không thể xuất hàng sang Trung Quốc vì nước này đang bị virus corona hoành hành.

"Để giảm bớt thua lỗ, tôi đã ngưng thu mua cua 5 ngày để theo dõi thị trường. Hiện, tôi đang hợp tác với một số cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn Cà Mau, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… để bán khi cua biển trong thời gian ngừng xuất sang Trung Quốc" - một chủ vựa cua cho hay.

Tags:
4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Tài chính - Ngân hàng

Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD sẽ vượt ngưỡng 108 điểm?
(Tieudung.vn) Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức...
 
Giá vàng ngày 25/11/2024: Sẽ tiếp tục tăng cao trong tuần mới?
(Tieudung.vn) Giá vàng ngày 25/11/2024, tuần qua, giá vàng SJC tăng 5 triệu đồng ở chiều mua, vàng nhẫn...
 
Giá ngoại tệ ngày 24/11/2024: USD tiếp đà tăng, trụ vững trên mốc 107
(Tieudung.vn) Giá ngoại tệ ngày 24/11/2024, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 3...

Giá - Sản phẩm

Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp đà tăng, hồ tiêu ổn định
(Tieudung.vn) Giá nông sản ngày 25/11/2024, cà phê tiếp chuỗi tăng giá so với phiên giao dịch trước cường...
 
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc tiếp tục giảm, miền Nam tăng nhẹ
(Tieudung.vn) Giá heo hơi ngày 25/11/2024, tiếp tục điều chỉnh trái chiều giữa các miền, dao động từ 59.000...
 
Giá nông sản ngày 24/11/2024: Cà phê và hồ tiêu cùng tăng
(Tieudung.vn) Giá nông sản ngày 24/11/2024, cà phê tiếp chuỗi ngày tăng giá mạnh so với phiên giao dịch...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.94980 sec| 929.844 kb