Thứ 6, 22/11/2024, 11:41 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá
(Tieudung.vn) - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, rau xanh, trái cây tăng mạnh, trong khi tôm và thịt gà rớt giá thê thảm.

Bản tin trong tuần: Giá vàng, rau xanh, trái cây tăng mạnh, trong khi tôm và thịt gà rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại châu Á giao dịch quanh mốc trên 1.643 USD/oz, tăng 35 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và tăng 23 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.

Theo nhận định của chuyên gia, giá vàng thế giới tăng mạnh là do lo ngại dịch bệnh Covid-19 gia tăng mạnh ở nhiều khu vực ngoài Trung Quốc, như: Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Đặc biệt, có những người rời khỏi tàu ở Nhật Bản về nước mới bắt đầu phát bệnh, WHO cảnh báo Covid-19 có thể lan nhanh toàn cầu. Lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát diện rộng đã khiến đẩy mạnh mua vàng nhằm bảo toàn dòng vốn.

Tuần qua, thị trường vàng phụ thuộc phần lớn vào diễn biến dịch bệnh Covid. Chỉ có phiên đầu tuần giá vàng đi ngang, sau đó các phiên đều tăng và tăng mạnh do thông tin dịch bệnh kém khả quan ở khu vực nước ngoài. 3 phiên cuối tuần giá vàng tăng mạnh nhất, với mức tăng từ hơn 10 USD đến trên 30 USD/oz mỗi phiên, đẩy giá vàng lên trên mốc 1.640 USD vào sáng nay. Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới đã tăng 60 USD/oz so với giá mở cửa tuần.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá

Giá vàng tăng mạnh.

Do hiệu ứng từ thế giới, giá vàng trong nước tuần qua đã tăng vọt từ 44 triệu đồng/lượng lên 45,8 triệu đồng/lượng (tương đương hơn 4%). Nếu so với mức giá đóng cửa khoảng 42 triệu đồng/lượng vào ngày 31/12/2019, giá vàng hiện tăng gần 9%. Mức lợi nhuận 9% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng khiến nhiều nhà đầu tư tiếc đứt ruột.

“Ngày vía Thần Tài năm nay giá vàng khoảng 44 triệu đồng/lượng. Khi đó tôi cứ sợ cao quá không dám mua nhiều. Không ngờ giờ đã lên gần 46 triệu đồng/lượng rồi”, bác Nguyễn Thị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) tiếc rẻ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến vàng tăng phi mã do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Mỹ vì lo ngại sự bùng phát của Covid-19 sẽ làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu. “Dịch bệnh từ Covid-19 đang bắt đầu gây ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã giảm lần đầu tiên vào tháng 2 kể từ năm 2013”, ông Nick Nicky Shiels, một "chiến lược gia" tại Bank of Nova Scotia (Canada) cho biết.

Sự bùng phát của dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc, trong đó Hàn Quốc đã vượt qua con số 200, Nhật Bản 105, Singapore là 85 người nhiễm bệnh. Theo một khảo sát của Bloomberg về kinh tế, khoảng 10/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà phân tích hiện đang mong đợi ngân sách được nới lỏng hơn. Ngân hàng Commonwealth Úc dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm hai lần lãi suất trong nửa cuối năm 2020 do Covid-19 đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Các tổ chức, quỹ đầu tư lớn trên thế giới dự báo về tiềm năng thực sự của vàng trong nhiều tháng. Phân tích kỹ thuật cho thấy vàng sẽ tăng trên 1.650 USD/ounce khá nhanh, sau đó có thể điều chỉnh một chút trước khi tiếp tục tiến đến mục tiêu cao hơn 1.750 USD/ounce.

Trái cây tăng giá trở lại

Theo các hộ trồng thanh long ở huyện Xuyên Mộc - địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hơn một tuần nay, giá thanh long bắt đầu tăng trở lại. Thương lái đến tận vườn mua thanh long của bà con nông dân từ 15.000 - 17.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, 28.000 - 30.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ (trước đó các nhà vườn trồng thanh long chỉ bán được với giá 3.000-5.000 đồng/kg).

Ông Trần Quang Hải, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc xác nhận, hơn 1 tuần nay, thương lái trong vùng đã bắt đầu đến các vườn thanh long tìm hàng mua trở lại. Việc mở cửa khẩu thông thương trở lại giúp giá thanh long tăng mạnh. Bà con trồng thanh long trên địa bàn xã rất vui mừng vì đã có lãi.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá

Thanh Long tăng giá trở lại.

Gắn bó nhiều năm với loại cây trồng này, gia đình chị Hồ Thị Dung, ở ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc cho biết, gần 1.800 trụ thanh long ruột đỏ; trong đó, 750 trụ đang cho thu hoạch của chị chuẩn bị vào vụ chín rộ và nay thương lái đã đến thu mua trở lại với giá 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, chị Dung thu lãi hơn 100 triệu đồng. 

Không riêng thanh long tăng giá, mặt hàng mít Thái ở các địa phương tại Bà Rịa-Vũng Tàu giá cũng đã tăng trở lại. Cách đây khoảng 2 tuần, giá mít Thái chỉ khoảng 5.000 - 7.000 ngàn đồng/kg nhưng cũng rất khó tìm thương lái. Hiện tại, giá loại nông sản này đã tăng lên 14.000 - 15.000 đồng/kg. Đây là mức giá không được cao như kỳ trước Tết Nguyên đán (dao động từ 18 đến 45.000 đồng/kg mít Thái) nhưng với giá này được cho là nông dân đã có lãi. Theo các nhà vườn, giá mít Thái có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Văn Kỷ, có vườn mít Thái tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức cho biết, cách đây khoảng hơn 1 tuần thương lái đã thu mua mít Thái trở lại. Trước đây, giá chỉ 7.000 đồng/kg thì nay thương lái mua với giá 14.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, giá mít tăng trở lại đó là tín hiệu đáng mừng cho người nông dân.

Trước đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các mặt hàng nông sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như: thanh long, mít Thái thương lái không thu mua. Điều này khiến giá cả giảm thấp, nhiều vườn thanh long, mít Thái đã không thể bán được gây tổn thất về kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, sau khi mở các cửa khẩu, hàng hóa được thông quan đã giúp giá nông sản tăng giá đáng kể.

Giá thịt gà, đồng loạt giảm

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá gà lông trắng dao động từ 24 - 26.000 đồng/kg, thời điểm hiện tại giảm chỉ còn một nửa; thậm chí qua khảo sát một số trang trại tại Đồng Nai trong ngày 17/2, giá gà xuống mức dưới 10.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa chi phí sản xuất mỗi ki-lô-gam gà lông trắng. Có nơi, giá gà thả vườn trước Tết từ 55 - 65.000 đồng/kg, nay giảm mạnh còn từ 25 - 28.000 đồng/kg; còn giá vịt tại các trại chăn nuôi từ 45 - 50.000 đồng/kg, giảm xuống còn từ 18 - 20.000 đồng/kg. Giá trứng gà còn 1.200 đồng/quả, trứng vịt 1.700 đồng/quả. Cả hai loại trứng này đều giảm 400 đồng/quả so với trước Tết. Với mức giá nêu trên, người chăn nuôi đang bị lỗ nặng.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá

Giá thịt gà giảm.

Ông Nguyễn Văn Khánh, chủ trang trại nhiều năm nuôi gà lông trắng quy mô lớn ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự lo lắng, chưa bao giờ giá gà lại bấp bênh như thời điểm hiện tại, nếu gà xuất bán 23.500 đồng/kg thì người chăn nuôi mới hòa vốn, trong khi từ cuối năm 2019 đến nay giá bán liên tục giảm, khiến những hộ chăn nuôi khốn đốn. “Tôi đã lỗ hơn 500 triệu đồng nên từ đầu năm 2020 đã quyết định ngưng nuôi gà để chờ xem thị trường thế nào. Bởi lẽ, càng nuôi càng lỗ, không thể chịu nổi”, ông Khánh cho biết thêm.

Ở hoàn cảnh khác, theo ông Nguyễn Văn Thân ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), sau khi phải tiêu hủy hết đàn lợn (khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra), đã chuyển sang đầu tư nuôi gà thả vườn. Lứa gà đầu bán được giá, ông quyết định tăng gấp đôi đàn lên 2.000 con gà. Tuy nhiên, giá gà thời điểm hiện tại giảm, cộng với lo sợ ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm khiến ông đứng ngồi không yên: “Hiện nay, giá gà mái tôi bán tại vườn dao động từ 52 - 55.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng so với 15 ngày trước. Với mức giá bán này, chỉ mong hòa vốn. Thế nhưng một tuần gần đây rất ít thương lái đến mua, cộng với dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giáp với huyện Cẩm Mỹ khiến tôi đứng ngồi không yên”, ông Thân lo lắng.

Trong khi đó, theo ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy, lượng tiêu thụ thịt gà giảm hẳn. Chị Nguyễn Đức Ân, tiểu thương bán gà ở chợ Phúc Nhạc, huyện Thống Nhất cho biết, từ khi học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay, người dân ít đi chợ mua : Chợ rất vắng khách, có ngày tôi chỉ bán được hai con gà trong khi đó giá nhiều loại gà lại giảm sâu như: Gà lông trắng chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với 15 ngày trước. Tại nhiều chợ ở TP Biên Hòa, giá gà thả vườn dao động từ 70 - 90.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, gặp chúng tôi, chị Cấn Thị Quy, chủ trại nuôi 8.000 con gà mía ở thôn Cam Thịnh, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây cho biết: “Hai tuần nay, giá gà mía bán tại trại cũng giảm nhiều so với trước Tết, hiện đang dao động từ 70 - 80.000 đồng/kg (giảm khoảng 30 - 40.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán). Với tình hình này, gia đình tôi sẽ giảm lứa nuôi”.

Trước thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Lê Văn Quyết cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá gà giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì gà lông trắng chủ yếu phục vụ bếp ăn tập thể lớn ở trường học, khu công nghiệp, điểm du lịch. Để phòng dịch bệnh, học sinh, sinh viên tạm thời phải nghỉ học, nhiều bếp ăn tập thể trong nhà trường và một số nhà máy, xí nghiệp ngưng hoạt động, khiến lượng tiêu thụ gà giảm sâu.

Tương tự thịt gà, sau khiến nghị của Bộ NN&PTNT, giá thịt heo tại các công ty chăn nuôi đã giảm mạnh so với trước Tết Nguyên đán, nhưng giá thịt heo thành phẩm ở các chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh có nơi đứng yên, nơi chỉ giảm nhẹ.

Các mặt hàng từ thịt heo đang có xu hướng so với những ngày trước nhưng không nhiều. Theo các tiểu thương thì nguồn cung hiện đang ổn định, nhu cầu lại không tăng; một số cơ sở sản xuất và trường học cũng đang ngừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19 nên ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Chị Võ Thị Liên, tiểu thương tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh cho biết, sức mua giảm sút nên tiểu thương đã hạ giá để tranh thủ xả hàng nhằm tránh tồn đọng.

"Giá giảm nhiều, vì chợ bán không có được nên tiểu thương tự giảm. Giá thịt ba rọi là 150.000 đồng/kg, giá sườn là 120.000 - 180.000 đồng/kg, còn đùi là 110.000 - 120.000 đồng/kg, ế quá nên bán đại", chị Liên nói.

Tại chuỗi cửa hàng của hệ thống Vissan, giá thịt heo không có nhiều biến động so với ngày hôm qua. Cụ thể, loại sườn non cao nhất với 250.000 đồng/kg; thịt ba rọi dao động từ 179.000 - 250.000 đồng/kg; thịt đùi có giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg; xương giò, cốt lết thấp nhất cũng lần lượt là 128.000 đồng/kg và 138.000 đồng/kg.

Còn tại hệ thống siêu thị Co.op, giá thịt lợn của thương hiệu Meat Deli cũng không nhiều chênh lệch so với Vissan. Khi giá thịt cốt lết ở đây được bán ra với giá trên thị trường là 119.900 đồng/kg; thịt đùi rơi vào giá 149.900 đồng/kg và ba rọi ở mức 214.900 đồng/kg.

Chị Lưu Kim Tú, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho hay: do thịt được lấy từ nguồn của Vissan về bán lẻ lại cho khách mua nên theo giá chung của thị trường. Một số quầy hàng bán chậm đang có xu hướng giảm giá khoảng 3%.

Giá tôm giảm mạnh

Theo ghi nhận, có cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bán được cả tấn tôm hùm trong một ngày và liên tục cháy hàng. Tại một cửa hàng, 120kg tôm hùm loại nhỏ và 60kg tôm hùm lớn đã được bán hết chỉ sau 10 phút. Thông thường, giá tôm loại 1 xuất đi có giá gần 2 triệu đồng/kg nhưng hiện đã giảm còn hơn 1 triệu đồng; tôm hùm baby giá 900.000 đồng/kg, hiện chỉ còn từ 600.000 đồng. Nhiều gia đình chưa ăn tôm hùm do ngại chi phí cao nay đã mạnh dạn mua số lượng nhiều do giá đã giảm tới gần một nửa.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá

Giá tôm giảm mạnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, tôm hùm trở thành một trong những mặt hàng bán chạy. Chỉ trong 5 ngày qua, một hệ thống siêu thị đã tiêu thụ lượng tôm gấp hơn 100 lần ở miền Nam, còn ở miền Bắc cũng đã bán gần 1 tấn tôm đông lạnh. Hệ thống này cam kết hỗ trợ tiêu thụ cho đến khi hộ sản xuất hết hàng hoặc không cần hỗ trợ nữa.

Không chỉ ở hệ thống siêu thị, nhiều chủ shop online cũng tranh thủ nhập tôm để giải cứu. Chỉ trong giờ đăng bán, chủ một shop trực tuyến đã nhận đặt hàng hơn 300kg tôm hùm.

từ Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, người nuôi đang được hỗ trợ một phần vì lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chỉ như "muối bỏ bể" do trước đây 70% lượng tôm hùm được xuất đi Trung Quốc, do đó, chỉ khi nào các doanh nghiệp được xuất khẩu trở lại mới giải quyết được căn bản khó khăn.

Rau xanh tăng giá

Chị Trần Thị An, bán rau xanh tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy cho biết sau trận mưa đá dữ dội đêm 30 và ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, từ mùng 2 Tết khi một số chợ họp rải rác trở lại, giá rau xanh bất ngờ tăng mạnh.

“Tôi đi chợ đầu năm lấy hàng để bán lấy hên, mà giá một cây súp lơ xanh lên đến 25.000-30.000 đồng đối với cây bé chỉ như nắm tay trẻ em. Với giá này, phải bán 50.000 đồng mới bõ công lọ mọ chợ búa từ mùng 2 Tết. Thế nhưng, vẫn chỉ dám bán ra 35.000 đồng mà vẫn bị khách hàng kêu quá trời đất”-chị Hà .

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau và trái cây tăng mạnh, trong khi tôm rớt giá

Rau xanh tăng giá.

Còn theo chị Nguyễn Thị Nga, kinh doanh rau xanh tại chợ Cửa Đông (Vinh, Nghệ An), rau xanh tại Nghệ An gần 1 tháng nay cũng có giá rất cao và chất lượng rau không tốt.

“Bình thường chúng tôi vẫn lấy rau từ Hà Nội về bán, nhưng nay rau ở Hà Nội rất đắt, xe chạy đường dài dễ bị dập, hỏng nên tôi không dám ôm vào, đành quanh quẩn bán các loại rau lấy từ đầu mối chợ địa phương nên không ngon mắt, khách hàng không ưng ý” - chị Hà cho hay.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), tổng hợp của các địa phương tại các tỉnh phía Bắc cho thấy vụ đông 2019 - 2020, tổng diện tích rau đậu các loại ước đạt khoảng 180.000ha, giảm khoảng 5.000ha so với vụ đông năm 2018-2019. Tuy nhiên, mức giảm này không có nhiều tác động tới nguồn cung rau trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Nguyên do bởi, hầu hết diện tích rau vụ đông trên chân đất lúa đã được thu hoạch dứt điểm từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Điều này lí giải tại sao trước tết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ rau các loại tăng mạnh, nhưng giá rau vẫn ổn định.

Tuy nhiên, kể từ sau tết, do nguồn cung rau (đã giải phóng đất để đổ ải) giảm mạnh, đa số chỉ còn lại trên chân đất chuyên màu, nên nguồn cung rau nhìn chung đã giảm mạnh ở giai đoạn chuyển giao mùa vụ, nhất là các loại rau ăn lá ưa lạnh như rau cải các loại, xà lách, rau gia vị, hành tỏi, cải bắp, su hào… nên giá rau có xu hướng tăng.

Dự báo, khoảng 2-3 tuần nữa, khi thời tiết ấm hơn, rau phát triển tốt sẽ tăng nguồn cung trên thị trường, kéo giá rau xuống thấp.

Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Tài chính - Ngân hàng

Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD tăng mạnh, ở mức 107,05
(Tieudung.vn) - Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng, ở mức 107,05.
 
Giá vàng ngày 22/11/2024: Vàng tăng đến 1 triệu đồng/lượng
(Tieudung.vn) Giá vàng ngày 22/11/2024, trên thế giới giá vàng phục hồi ấn tượng nhờ căng thẳng địa chính...
 
HDBANK đạt ba giải thưởng tại cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024
(Tieudung.vn) HDBank đã xuất sắc đạt ba giải thưởng danh giá tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết...

Giá - Sản phẩm

Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Ổn định trên cả nước
(Tieudung.vn) - Giá heo hơi ngày 22/11/2024, ổn định trên cả nước, dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
 
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê và hồ tiêu cùng bật tăng mạnh
(Tieudung.vn) Giá nông sản ngày 22/11/2024, cà phê tăng mạnh trở lại, mức tăng từ 1.700 1.800 đồng/kg....
 
Giá xăng giảm nhẹ, RON 95 giảm về 20.528 đồng/lít
(Tieudung.vn) Chiều 21/11, liên Bộ Công Thương-Tài chính thông báo về điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.53065 sec| 930.906 kb