Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng, thực phẩm và trái cây giảm mạnh, trong khi giá tôm hùm tăng trở lại.
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh mốc 1.499 USD/oz, tăng hơn 19 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua giá vàng thế giới biến động mạnh cả chiều tăng và chiều giảm. Nguyên nhân là do Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã đưa ra hàng loạt chính sách, gói nhằm hỗ trợ thúc đẩy kinh tế phát triển và hạn chế dịch bệnh Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu.
Giá vàng giảm mạnh.
Đầu tuần (ngày 16/3), giá vàng thế giới mở cửa tăng mạnh hơn 20 USD/oz, nhưng cũng chỉ hơn 1 giờ giao dịch giá vàng lại giảm mất hơn 20 USD/oz, sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đột ngột cắt giảm lãi suất đồng USD còn 0-0,25%. Chỉ chưa đầy 2 tuần Fed 2 lần giảm lãi suất đột ngột đã khiến cho nhà đầu tư suy đoán rằng kinh tế Mỹ đang giảm mạnh. Nhà đầu tư đã bán tháo liên tục cả cổ phiếu và vàng chuyển sang những tài sàn dễ thanh khoản là tiền và trái phiếu.
Trong tuần có phiên ngày 18/3, giá vàng thế giới đảo chiều tăng khi Mỹ và Anh tung ra lượng tiền khủng để kích thích kinh tế và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đó là hàng loạt các nước khác tại châu Âu như Pháp, Đức, Italia … cũng đưa ra hàng loạt gói kích thích kinh tế, trị giá khoảng 1.500 tỷ USD cho kích thích kinh tế và chống dịch bệnh.
Thế nhưng, tuần qua vàng thế giới đã có lúc giảm giá về mốc 1.457 USD/oz. Đến cuối tuần, giá vàng thế giới tăng nhưng vẫn chưa lấy lại được mốc 1.500 USD/oz. Tính chung, cả tuần giá vàng thế giới giảm 59 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, mặc dù giá vàng thế giới có nhiều phiên biến động mạnh, trong đó chủ yếu là giảm, nhưng vàng trong nước vẫn tăng là chủ yếu. Phiên ngày 17/3, khi vàng thế giới giảm mạnh đến trên 50 USD/oz thì vàng SJC chỉ giảm từ 100.000 – 200.000 đồng/lượng. Trong tuần, vàng trong nước có 2 phiên đi ngược xu hướng thế giới. Tính đến cuối tuần, giá vàng thế giới thấp hơn vàng trong nước trên 4 triệu đồng/lượng.
Tính chung, tuần qua giá vàng SJC trên thị trường tự do chỉ giảm 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần, trong khi đó vàng thế giới giảm 59 USD/oz.
Riêng tập đoàn Doji, giá vàng SJC đi ngang so với đầu tuần. Còn Công ty Phú Quý tăng giá 100.000 đồng/lượng vàng miếng SJC so với đầu tuần và Công ty Phú Nhuận tăng giá 500.000 đồng/lượng vàng miếng SJC so với giám mở cửa tuần.
Theo phân tích của giới chuyên gia, giá vàng trong nước đang diễn biến bất thường, không theo xu hướng thế giới. Trong khi vàng thế giới giảm giá mạnh, nhưng vàng SJC biến động không đáng kể, thậm chí còn tăng giá và cao hơn giá vàng thế giới từ 4-5 triệu đồng/lượng. Chuyên gia khuyến cáo, có thể là vàng trong nước đang bị găm giá, làm giá khiến thị trường bất thường, do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua vào tại thời điểm giá cao nhằm tránh rủi ro. Việt Nam dự kiến đỉnh dịch bệnh Covid-19 vàng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Qua đi thời điểm đỉnh của dịch bệnh thì hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại, giá vàng sẽ giảm về đúng giá trị của nó, đúng thế thì vàng SJC có thể sẽ mất khoảng từ 3-4 triệu đồng/lượng so với giá hiện tại.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh
Ngày 15/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu.
Theo đó, Liên Bộ quyết định trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 800 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 100 đồng/kg.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.750 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.1353 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 16.056 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 16.812 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 13.035 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 11.846 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 10.501 đồng/kg.
Rau quả, thực phẩm đồng loạt giảm giá
Qua khảo sát một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như AEON Mall, VinMart, Big C, Metro… các loại hàng hóa, thực phẩm tươi sống đều khá phong phú về chủng loại và số lượng. Hiện các siêu thị đã tăng lượng hàng hóa dự trữ tại kho lên từ 30 - 50%. Không những vậy, ngoài bán hàng bình ổn giá, nhiều siêu thị còn liên tục đưa ra hàng loạt ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng.
Giá rau xanh giảm.
Cụ thể, tại siêu thị Big C đang có chương trình giảm giá các loại trái cây tăng sức đề kháng mùa dịch. Theo đó, cam sành giảm từ 32.900 đồng/kg xuống còn 29.900 đồng/kg; xoài giống Australia giảm từ 44.900 đồng/kg xống còn 39.900 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc giảm từ 72.900 đồng/kg xuống còn 59.900 đồng/kg… Bên cạnh đó, các loại rau xanh tại Big C cũng giảm mạnh, như bắp cải từ 20.900 đồng/kg giảm xuống còn 17.900 đồng/kg; bí ngòi xanh từ 22.500 đồng/kg giảm còn 18.500 đồng/kg… Các loại thực phẩm tươi sống cũng giảm mạnh, thịt đùi lợn giảm từ 140.000 đồng/kg xuống còn 129.900 đồng/kg; đùi gà giảm từ 59.900 đồng/kg xuống còn 49.900 đồng/kg…
Còn tại Hệ thống siêu thị AEON Mall, chuối Fohla có giá 28.000 đồng/kg; táo organic Juliet Pháp có giá 110.000 đồng/kg; táo Envy Mỹ có giá 220.000 đồng/kg… Giá thịt lợn nạc dăm có giá 60.000 đồng/300gr; thịt đùi có giá 50.000 đồng/300gr; nạc vai có giá 45.000 đồng/300gr…
Không chỉ giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá gạo cũng đang được các siêu thị khuyến mại mạnh. Tại VinMart, gạo Thái hồng số 1 Phú Hải túi 5kg giảm còn 120.000 đồng; gạo thơm thượng hạng Neptune Vinh Phát 5kg còn 95.000 đồng; gạo tám xoan Hải Hậu gói 5kg giảm còn 151.000 đồng… Ngoài ra các loại sữa cũng có nhiều khuyến mãi. Tại siêu thị Vinmart, sữa tiệt trùng Dutch Lady có đường túi 220ml giảm từ 6.400 còn 5.400 đồng/túi; sữa chua từ 100% sữa chua lên men tự nhiên Vinamilk giảm từ 6.400 đồng xuống còn 5.700 đồng/hộp…
Dưa hấu rớt giá thê thảm
Thời gian qua, do hưởng dịch bệnh Covid-19, việc lưu thông hàng hóa với thị trường Trung Quốc gặp khó khiến nhiều nông sản của nông dân ùn ứ. Tại Quảng Ngãi, dưa hấu là loại nông sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dưa hấu đang vào thời kỳ chín rộ, tuy nhiên không có người thu mua khiến người bà con đứng ngồi không yên.
Dưa hấu rớt giá thê thảm.
Tại xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 120 ha dưa hấu. Đa số diện tích trồng dưa hấu đạt năng suất cao, nhưng người trồng dưa như “ngồi trên đống lửa” vì thương lái không thu mua. Hiện có khoảng 20 ha dưa đã quá kỳ thu hoạch mà vẫn nằm ngoài đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Trà (thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp) thuê 3 sào đất trồng dưa. Năm nay, ruộng dưa của bà Trà có thể đạt sản lượng trên 2 tấn/sào. Dù vậy, bà Trà không thấy vui mà chỉ thấy lo. “Dưa quá thời điểm thu hoạch 10 ngày rồi mà không ai mua. Những quả to nhất bắt đầu hư hỏng, nhìn mà xót”, bà Trà nói.
Theo bà Trà, tối đa khoảng 7 ngày nữa toàn bộ số dưa này sẽ hư hỏng. hương lái họ chỉ lựa mấy ruộng dưa sát đường giao thông để mua một ít, với giá khoảng từ 700 - 900 đồng/kg. Những ruộng dưa ở xa mà bán giá đó thì không đủ chi phí tiền thuê người và xe vận chuyển, vì vậy nhiều người đành bỏ dưa hấu nằm ngoài đồng, mặc cho hư hỏng.
Còn ông Nguyễn Thanh Mạnh (thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp) cũng trồng 5 sào dưa. Ông vừa bán được 1 sào với giá 800 đồng/kg. Với giá này, mỗi sào dưa chỉ thu về chưa đến 2 triệu đồng. “Công sức mấy tháng trời không lẽ bỏ. Tôi đã tranh thủ hái, chở ra đường bán cho họ. Bán lấy ít tiền trả nợ phân, thuốc. Mà họ có mua được bao nhiều đâu nhiều đâu”, ông Mạnh than thở nói.
Ngoài ra, không chỉ ở huyện Sơn Tịnh, người nông dân ở huyện Bình Sơn, Mộ Đức, TP. Quảng Ngãi... cũng đang rơi vào tình cảnh phải nhìn dưa chín rục ngoài đồng.
Ông Đỗ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp cho biết, xã Tịnh Hiệp hiện có khoảng 20 ha dưa hấu vụ Đông - Xuân đã quá kỳ thu hoạch nhưng vẫn còn nằm ngoài đồng.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, thương lái không thu mua dưa thì diện tích còn lại cũng sẽ rơi vào cảnh chín rục ngoài đồng. Ngoài ra, UBND xã cũng kêu gọi các doanh nghiệp, huy động các hội đoàn thể, đoàn thanh niên giúp người dân thu mua dưa hấu nhưng lượng tiêu thụ cũng không bao nhiêu.
Giá tôm hùm tăng mạnh
Bà Nguyễn Thị Bé, 42 tuổi có 400 trăm lồng nuôi tôm hùm bông và xanh ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Trong đó, hơn 100 lồng tôm hùm bông, mỗi lồng 50-70 con đạt kích cỡ từ 700 gram đến một kg, sau gần năm thả nuôi.
Giá tôm hùm tăng mạnh.
Gần đây, thương lái đến hỏi mua tôm hùm bông, giá 1,5 triệu đồng/kg cho loại một kg mỗi con thay vì 1,2 triệu đồng như hồi tháng 2. Tuy nhiên, bà Bé không bán mà chờ qua Covid-19 và chờ đến tháng 6-7, khi tôm đủ trọng lượng mới xuất ra thị trường.
Tương tự, tôm hùm xanh loại ba con một kg được thương lái mua giá 700.000-750.000 đồng (cao hơn một tháng trước từ 120.000 đến 200.000 đồng).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng ở thị xã Sông Cầu cho hay, hai tháng trước người nuôi tôm hùm ở địa phương lao đao khi tôm hùm bị dịch bệnh rồi chết. Gia đình ông cùng nhiều hộ lo sợ tôm chết hàng loạt đã bán gỡ vốn làm ảnh hưởng đến sản lượng tôm.
Ngày 17/3, bà Lê Thị Hằng Nga (Phó chi cục thủy sản Phú Yên) cho hay, ảnh hưởng dịch bệnh khiến người nuôi tôm lo lắng nên đã bán tháo khiến giá giảm. Đến nay việc thương lái tìm mua và giá tôm tăng trở lại khiến họ phấn khởi hơn. "Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng lượt khách đến tỉnh gần đây tăng cao, giúp tôm hùm tăng giá", bà Nga nói.
Ốc hương, tôm mũ ni rớt giá
Theo một số thương lái, giá thu mua nhiều mặt hàng thuỷ hải sản hiện giảm 40-70%. Cụ thể, giá mua các loại ốc đỏ, ốc gai từ ngư dân trước đây trên 200.000 đồng/kg, nay chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg. Cá mặt quỷ trước dịch Covid-19 được bán với giá 900.000 đồng/kg, nay chỉ 350.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tôm mũ ni giảm từ 600.000 đồng/kg còn 350.000 đồng, bọ biển giảm từ 2 triệu đồng/kg còn 1,2 triệu đồng/kg. Giá ốc hương nay cũng quanh mức 180.000 đồng/kg, trong khi trước đây dao động 250.000-300.000 đồng/kg.
Ốc hương rớt giá.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa chia sẻ, đây là các loài hải sản vốn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi trồng và đánh bắt. Tuy nhiên, hiện nay, sức tiêu thụ chậm do thị trường tiêu thụ nội địa và Trung Quốc giảm mạnh khiến ngư dân lâm vào cảnh khó khăn.
Dù giá giảm sâu, anh Thiện - một chủ vựa hải sản tại TP.HCM cho biết không dám ôm hàng, do nhu cầu tiêu thụ quá thấp. "Trước đây tôi bán 200-300 kg mỗi ngày, giờ chỉ còn 20-30 kg, có khi còn không được vậy", anh nói.
Tình trạng này khiến nhiều hộ nuôi quyết định chỉ nuôi cầm chừng sản lượng đang có, cắt giảm diện tích nuôi trồng để giảm thiểu tối đa rủi ro. Trong khi đó, một số ngư dân cho biết tạm ngừng đánh bắt, đợi khi dịch bệnh qua đi, thị trường ổn định mới hoạt động trở lại.
Giá cá tra giảm mạnh
Sau năm 2019 khá ảm đạm, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL kỳ vọng năm 2020, cá tra khởi sắc trở lại để gỡ nợ. Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng đầu năm, hàng loạt hộ nuôi cá lâm vào cảnh khốn đốn hơn bởi giá sụt giảm thê thảm và khó tiêu thụ.
Giá cá tra giảm mạnh.
Ông Cao Lương Tri, hộ nuôi cá tra hàng chục năm ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang), chua chát nói: "Chưa bao giờ cá tra lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay, khi giá sụt giảm rất mạnh trong thời gian dài và tiêu thụ khó khăn. Nhiều hầm cá quá ngày thu hoạch mà muốn bán cũng rất gian nan".
Ông Tri kể: "Gần 3ha mặt nước của gia đình tôi, nuôi trên dưới khoảng 1.000 tấn cá tra, đến nay cũng 8-9 tháng. Đúng ra là xuất hầm bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu từ trước Tết Nguyên đán 2020. Song, giá cá không cao nên đành neo lại, hy vọng sau Tết bán được giá. Nào ngờ, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá cá giảm không phanh. Hiện giá cá chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg, nhưng các nhà máy lại áp dụng mua thiếu, mua nợ 1-3 tháng mới thanh toán. Tình cảnh này khiến người nuôi lỗ đủ đường".
Cùng nỗi lo trên, ông Lê Quang Vinh, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho biết, hơn 2ha cá của gia đình ông nuôi kéo dài khoảng 10 tháng rồi, khiến cá quá lứa tới 1,8 kg/con. Cuối cùng, phải chạy đôn chạy đáo ông mới bán được cho nhà máy với giá 17.700-18.000 đồng/kg, nhưng bán thiếu, sau 3 tháng mới thanh toán tiền. "Năm 2019, giá cá thấp nên gia đình tôi bị thua lỗ mấy tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá cá lại tuột dốc đẩy hàng loạt hộ nuôi rơi vào cảnh khó. Như đợt bán vừa rồi tôi lỗ bình quân 5.000-6.500 đồng/kg, do nuôi kéo dài khiến chi phí giá thành tăng rất cao, rồi bán giá thấp nên lãnh đủ"- ông Vinh lắc đầu than.
Ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, trăn trở: "Hơn 200 tấn cá thương phẩm của gia đình tôi đạt trọng lượng hơn 700g/con và thời gian thu hoạch đã đến gần. Thế nhưng, các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản hiện thời chỉ mua với giá 18.000-19.000 đồng/kg trở lại (tùy loại). Với giá này, người nuôi tốt và bán đúng trọng lượng thì lỗ 3.000-4.000 đồng/kg, còn nuôi không đạt, sẽ lỗ nhiều hơn. Chưa kể, thời điểm này, rất nhiều nhà máy mua "nợ" chứ không chịu trả tiền mặt".
Bên cạnh những khó khăn trên, nhiều hộ nuôi cá tra ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… còn đối mặt với xâm nhập mặn tấn công, gây bất lợi cho cá tra. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), chia sẻ: "Mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4-25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm; trong khi ngoài sông toàn là nước mặn. Vì vậy, khi bơm vào là cá bị ảnh hưởng…".
Theo UBND tỉnh Bến Tre, nước mặn tấn công làm 22ha nuôi cá tra ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, bị thiệt hại 3 - 4%; ngoài ra, còn có 214ha cá tra ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị ảnh hưởng.