Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, trứng giảm, trong khi giá gà và trái cây tăng mạnh.
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á lại lao dốc xuống ở quanh mốc 1.529 USD/oz, giảm hơn 47 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua, nhưng so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ thì giá vàng đã mất 148 USD/oz. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp giá vàng lao dốc, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ các chuyến bay từ các nước châu Âu đến Mỹ (trừ nước Anh) trong vòng 30 ngày.
Giá vàng giảm mạnh.
Tuần qua, giá vàng chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Ngay khi mở cửa đầu tuần, giá vàng thế giới đã vọt tăng lên trên mốc 1.700 USD/oz. Nhưng cũng chỉ sau phiên đó, giá vàng thế giới lại lao dốc mất hơn 30 USD/oz. 2 phiên sau đó Mỹ tung gói hỗ trợ thuế cá nhân, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu vàng vẫn đi xuống. Đặc biệt phiên cuối tuần khi ông Trump cấm các chuyến bay từ châu Âu (trừ Anh) như một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế, cụ thể là ngành hàng không và dịch vụ du lịch.
Theo phân tích của một số chuyên gia, mỗi năm ước tính người Mỹ bay 3 chuyến bay và bỏ ra khoảng 19 tỷ USD đi du lịch. Dù chỉ thời gian dự kiến là một tháng cấm bay với châu Âu, nhưng nếu Mỹ và các nước khu vực châu Âu không chủ động phòng dịch bệnh Covid-19 thì có thể thời gian cấm bay dài hơn. Sự thiệt hại của nền kinh tế là không nhỏ. Nếu nhìn ở góc độ này thì nhà đầu tư đúng ra phải tăng mua vàng để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, nhà đầu tư lại có góc nhìn khác, đó là: Chính phủ Mỹ cũng đã chi khoản tiền nhất định trong việc phòng dịch, cùng với việc cấm nhập cảnh kể trên sẽ giúp tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Như vậy, vàng không còn nhiều cơ hội trong vai trò trú ẩn dòng vốn. Đây chính là lý do mà 2 phiên cuối tuần nhà đầu tư đã bán tháo, mỗi phiên vàng thế giới mất trên dưới 50 USD.
Tính chung, cả tuần giá vàng thế giới đã giảm trên 170 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Đây là một tuần giá vàng thế giới lao dốc mạnh nhất từ trước đến nay. Bước giá điều chỉnh trong phiên cũng khá rộng từ trên 20 USD đến trên 50 USD/oz mỗi phiên.
Trên thị trường trong nước, tính chung tuần qua, vàng SJC trên thị trường tự do đã mất gần 1,8 triệu đồng/lượng; tại các DN đã mất 2,2 – 2,3 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi các diễn biến của dịch bệnh, cũng như các chính sách của các nước trong hạn chế dịch bệnh ra sao. Nếu dịch bệnh sớm được đẩy lùi thì vàng tiếp tục còn giảm mạnh.
Giá cà công nghiệp tăng mạnh, trong khi trứng rớt giá thê thảm
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thuỷ sản, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, giá gà công nghiệp đã tăng mạnh trở lại trên địa bàn tỉnh. Hiện, giá gà công nghiệp đang được bà con chăn nuôi bán ra ở mức 28.000 – 31.000 đồng/kg tuỳ loại, tăng gần 3 lần so với giá 1 tháng trước đó.
Giá cà tăng mạnh.
Tương tự, sau nhiều tuần giảm mạnh, giá gà thả vườn cũng có dấu hiệu tăng trở lại. Hiện, thương lái mua gà tại trang trại với giá 55.000 - 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000-8.000 đồng so với 3 tuần trước.
Trong khi đó, với những người nuôi gà đẻ trứng thì đang rất buồn, nguyên nhân do giá trứng gà công nghiệp chỉ còn 750 đồng/trứng, thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Với giá này, người chăn nuôi lỗ tới 600 – 700 đồng/trứng do nguồn cung dồi dào nhưng sức tiêu thụ kém.
Theo các thương lái thu mua gà tại Đức Trọng, giá gà tăng cao do thời gian gần đây nguồn cung đã giảm nhiều trong khi nhu cầu tăng. Hiện, đàn gà toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 5 triệu con, tập trung chủ yếu tại TP. Bảo Lộc và các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh…
Cam Cao Phong tăng giá
Cách đây 1 tuần, giá cam Cao Phong (Hòa Bình) còn ở mức 25.000đ/kg bán tại vườn, nay giá cam đã vọt lên đến 35.000-40.000đ/1kg. Các nhà vườn trồng cam muộn (cam V2 - cam Valencia) đang vô cùng phấn khởi vì giá cam muộn tăng từng ngày.
Cam Cao Phong tăng giá.
Chị Bùi Thị Quỳnh, một hộ trồng cam ở xã Đông Phong, huyện Cao Phong đang tất bật hái cam bán cho khách. Lâu lắm rồi, chị mới có niềm vui vào vườn cắt cam, vì giá cam tăng vù vù.
"Mấy ngày nay tôi liên tục nghe, theo dõi các ca nhiễm Covid-19 mới. Nhưng điện thoại tôi cũng reo liên tục. Thương lái ở khắp nơi gọi hỏi mua cam. Giá cam tăng, nên tôi cũng chỉ bán hạn chế. Có thể cuối tháng này, giá còn lên tiếp. Không ai nghĩ trong thời điểm dịch Covid-19 đang khiến các mặt hàng ế ẩm thì cam lại được giá. Bà con trồng cam bảo nhau, người ta mua cam nhiều để ăn nhiều cho có vitamin C nâng cao sức đề kháng...", chị Quỳnh cho biết.
Theo ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong: Mấy ngày gần đây cam tăng giá từng ngày. Do giống cam muộn hay còn gọi là cam V2 trồng ở Cao Phong chiếm diện tích ít. Sản lượng không nhiều như cam lòng vàng và cam Xã Đoài. Hơn nữa, chất lượng cam V2 ăn rất ngon, thơm lại không có hạt. Do vậy, giá cam tăng cao không có gì là bất thường.
Các thương lái lại có lý giải rằng, do thời gian vừa qua, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhà nhà mua cam cất trữ ăn dần rất mạnh. Nhu cầu tiêu thụ cam trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus corona tăng hơn nhiều so với những ngày trước Tết.
Giá chôm chôm tăng mạnh trở lại
Sau một thời gian ở mức thấp, giá nhiều loại chôm chôm tại các địa phương vùng ĐBSCL: Bến Tre, Vĩnh Long... tăng mạnh trở lại từ 8.000-17.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 3 tuần.
Giá chôm chôm tăng mạnh trở lại.
Cụ thể, chôm chôm Java từ 8.000 đồng/kg, nay tăng lên 16.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn (chôm chôm đường) từ 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 30.000 đồng/kg. Riêng giá chôm chôm Thái đang ở mức khá cao với từ 45.000-47.000 đồng/kg do được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, trong khi trước đó giá chỉ 28.000-30.000 đồng/kg.
Giá chôm chôm tăng do gần đây tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Theo tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh trái cây, nhiều khả năng giá chôm chôm còn tăng do năm nay nguồn cung hạn chế, nhiều vườn chôm chôm cho trái ít vì ảnh hưởng hạn mặn, trong khi đầu ra xuất khẩu gần đây có nhiều khởi sắc trở lại. Hiện trái chôm chôm không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà còn tiêu thụ tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ trái chôm chôm tại thị trường trong nước cũng đang rất lớn, nhất là khi đang bước vào nghịch mùa của nhiều loại trái cây.
Giá sầu riêng bất ngờ tăng
Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng thuộc thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), giá sầu riêng giống Ri 6 đang được thương lái thu mua dao động ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước.
Giá sầu riêng bất ngờ tăng.
Ông Đỗ Thành Nam có khoảng 3.000 m2 trồng sầu riêng Ri 6 tại thị trấn Cái Tàu Hạ cho biết: Thời điểm đầu tháng 2/2002, giá sầu riêng chỉ khoảng 37.000 - 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng sầu riêng đã có lãi từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Do đó, khi giá sầu riêng tại vườn tăng lên 60.000 đồng/kg, bà con càng thu lãi nhiều hơn. Giá tăng trở lại là do sầu riêng đang vào thời điểm cuối vụ, sản lượng thấp, khan hàng.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó có trái sầu riêng. Đầu tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số cửa khẩu sang Trung Quốc tạm ngừng cho phương tiện qua lại khiến sầu riêng rớt giá thê thảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu sang rất nhiều nước. Vì vậy, giá sầu riêng đã bắt đầu tăng trở lại.