Bản tin tiêu dùng trong tuần qua: Giá vàng, giảm mạnh, trong khi vải và nhiều loại thực phẩm đồng loạt tăng giá.
Giá vàng giảm mạnh
Tuần qua, thị trường vàng thế giới xác lập các mức thấp mới trong 6 tháng, với bốn phiên đi xuống liên tiếp.
Trong phiên đầu tuần (25/6), giá vàng giao dịch gần mức thấp nhất của sáu tháng do nhà đầu tư chuyển sang trái phiếu chính phủ Mỹ giữa lúc những lo ngại về chiến tranh thương mại tăng cao sau báo cáo cho thấy Mỹ có kế hoạch hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các công ty công nghệ của Mỹ.
Giá vàng giảm mạnh.
Sang phiên giao dịch ngày 26/6, giá vàng chạm mức thấp nhất trong hơn sáu tháng, giữa bối cảnh hoạt động bán ra các tài sản rủi ro trên toàn cầu dịu xuống. Các chuyên gia nhận định phiên này, sự tăng giá của đồng USD đã gây sức ép đối với vàng.
Tới phiên giao dịch ngày 27/6, giá vàng giảm xuống mức thấp mới trong sáu tháng qua trong lúc đồng USD vẫn vững mạnh. Dù là tài sản thường được xem là kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong các thời kỳ bất ổn, nhưng tình hình căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc lại không thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.
Phiên giao dịch ngày 28/6, giá vàng tiếp tục xác lập mức thấp mới trong hơn sáu tháng qua, trước sức ép gia tăng từ tranh chấp thương mại và triển vọng nâng lãi suất tại Mỹ.
Trong phiên cuối tuần (29/6), giá vàng lấy lại đà tăng, nhờ sự yếu đi của đồng USD và hoạt động mua vào khi giá hạ của giới đầu tư. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng Tám tăng 3,5 USD (0,3%) lên 1.254,50 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này ước giảm 1,2%, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Tính chung cả tháng, giá vàng giao ngay ước giảm 3,4%, mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.
Diễn biến thị trường vàng trong nước tuần qua cho thấy, giá vàng giảm là chủ yếu, theo diễn biến của giá thế giới. Từ mức giá cao nhất 36,80 triệu đồng/lượng-36,90 triệu đồng/lượng đầu phiên, giá vàng giảm dần qua các phiên, có thời điểm chạm ngưỡng thấp nhất 36,60 triệu đồng/lượng-36,70 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá kim loại quý giảm 220.000 đồng mỗi lượng. Vào thời điểm này tuần trước, giá vàng được giao dịch phổ biến là 36,80 triệu đồng/lượng-36,95 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài thị trường do e ngại về điểm dừng tiếp theo không rõ ràng của giá vàng. Trong khi đó, một bộ phận nhà đầu tư khác thiên về bán vàng ra trước những động thái không mấy sáng sủa của giá vàng thế giới.
Giá gạo tấm xuất khẩu tăng mạnh
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,66 triệu tấn, giá trị đạt 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo tấm xuất khẩu tăng mạnh.
Bên cạnh tăng trưởng về lượng, điểm đáng chú ý nhất là giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458-462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5. Đây là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao hơn gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ là 404-408 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 435 - 440 USD/tấn.
Theo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%. Dự báo đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo trở lại sang Philippines.
Vải thiều tăng giá
Khảo sát thực tế tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội ngày 26/6 cho thấy so với 10 ngày trước đây hiện giá bán vải thiều loại thường đã tăng giá từ 5.000 đồng/kg, vải đạt tiêu chuẩn VietGap giá bán tăng đến 9.000 đồng/kg. Hiện giá vải thiều ở mức 20.000 - 24.000 đồng/kg, nhưng giảm so với mức giá 30.000 đồng/kg so với trong cùng kỳ năm 2017.
Vải thiều tăng giá.
Các hộ tiểu thương kinh doanh mặt hàng hoa quả cho biết: Nguyên nhân khiến giá bán vải thiều tăng mạnh trong những ngày gần đây là bởi đang vào cuối mùa thu hoạch nên nguồn cung trên thị trường khan hiếm đẩy giá vải thiều tăng.
Nhiều mặt hàng thực phẩm đồng loạt tăng giá
Khảo sát tại các chợ TP Hồ Chí Minh cho thấy, tuần qua cùng với thịt, trứng thì nhiều mặt hàng thiết yếu đua nhau tăng giá.
Cô Mai, ở chợ Hòa Bình cho hay, từ giữa tháng 6, nhiều mặt hàng đã được tính mức giá mới, trong đó tăng mạnh nhất là các mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước tẩy rửa, giấy vệ sinh, giấy ăn... tăng 5 - 10%. Mặt khác, thời điểm này các sản phẩm khuyến mại đi kèm cũng bị cắt giảm.
"Còn nếu tính tổng cộng tăng từ đầu năm đến nay, có mặt hàng tăng đến 20% như bột ngọt, hạt nêm... chỉ có mặt hàng sữa bột và đường là không tăng", cô Mai cho biết.
Theo các tiểu thương, hiện nay thị trường đang bước vào "mùa trũng" nhất trong năm, sức mua thấp nên doanh nghiệp không dám tăng giá mạnh, vì vậy để tránh các biến động thông báo giá mới, doanh nghiệp chọn phương án cắt chiết khấu, khuyến mãi.
Nhiều mặt hàng thực phẩm đồng loạt tăng giá.
Với hàng thực phẩm tươi sống, giá nhiều mặt hàng còn biến động mạnh hơn.
Chị Hồng tiểu thương tại chợ Gò Vấp cho biết, giá trứng gà loại một bán lẻ đã lên 35.000 đồng một chục, trứng vịt là 40.000 đồng. Với thịt heo, mỗi kg tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng. Gạo cũng tăng 2.000 - 5.000 đồng một kg tùy loại, ngay như sữa nước dạng bịch trước đây khoảng 55.000 đồng/10 bịch thì bây giờ lên 58.000 đồng, dầu ăn cũng nhích lên hơn 1.000 đồng/chai...
Là người chuyên bán rau củ quả tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), bà Tám cho hay, giá cà rốt, khoai tây và một số loại rau xanh cũng tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng một kg. Nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều, khiến rau xanh dễ bị hỏng đẩy lên cao.
Cùng với thực phẩm tươi sống, giá thủy hải sản cũng tăng 5.000 - 50.000 đồng (tùy loại), trong đó cá bớp và cá nục tăng mạnh nhất. Riêng với các loại tôm, cua giá cũng tăng thêm 5.000 - 20.000 đồng một kg.
Tương tự, giá nhiều loại hải sản bán ra tại chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) gần đây cũng tăng nhiều đáng kể so với tháng trước.
Hiện cá thu, cá bớp (Kiên Giang) đã lên 170.000-210.000 đồng/kg, tăng 40.000-50.000 đồng/kg; cá nục hiện 33.000-48.0000 đồng/kg, tăng mức 5.000-15.000 đồng/kg, cá chẽm 70.000-78.000 đồng/kg tùy loại.
Theo các tiểu thương, giá hải sản có xu hướng tăng đều thời gian qua là do thời tiết không thuận lợi, lượng hải sản đánh bắt giảm.
Không chỉ các chợ tăng giá, tại siêu thị giá thịt heo cũng thường xuyên được điều chỉnh, giò heo 90.000 - 95.000 đồng một kg, ba rọi từ 110.000 - 120.000 đồng một kg, ba rọi rút sườn 150.000 - 155.000 đồng, sườn non 180.000 - 185.000 đồng một kg, lần lượt tăng 5.000 - 20.000 đồng so với trước đây. Còn với trứng, mức điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng với sản phẩm bình ổn thị trường.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ tháng 3 đến nay giá thức ăn cho heo đã trải qua 6 lần tăng giá. Hiện giá thành cám nuôi heo phổ biến ở mức khoảng 10.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với 3 tháng trước. Cám là chi phí chính trong chăn nuôi nên giá cám tăng khiến giá heo hơi bán ra tăng theo.
Còn theo lý giải của các nhà sản xuất, giá xăng chiếm 1 - 3% giá thành, nên khi xăng tăng giá, giá các mặt hàng sẽ tăng theo.