Người tiêu dùng tham khảo sản phẩm có bán trả góp tại cửa hàng Thế giới di động. Ảnh: Phạm Hùng |
Hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Thời gian qua, hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ cũng là một điều kiện khiến tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển. NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng; Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định riêng về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng;
Hiện tại, FE Credit đang đưa vào thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt và kiểm tra chất lượng hình ảnh, giúp nhận dạng khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit Nguyễn Thiện Tâm |
Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng. Các quy định pháp lý ngày càng hoàn thiện về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng này nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất cho vay của TCTD đối với khách hàng.
Ngoài ra, hiện Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đang mở rộng nguồn dữ liệu, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế. “CIC đã tiến hành thu thập các thông tin ngoài ngành ngân hàng từ Trung tâm Đăng ký DN (Bộ KH&ĐT) đang triển khai kết nối với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) và lên kế hoạch thu thập thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, CIC hỗ trợ thông tin nhưng các công ty tài chính cần rà soát quy trình nội bộ nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro” – Tổng Giám đốc CIC Đỗ Hoàng Phong cho biết.
|
Nhân viên FECredit tư vấn cho khách hàng vay tiêu dùng. Ảnh: Nha Trang |
Chuẩn hóa quy trình cho vay bằng công nghệ
Một trong những hạn chế của thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua là vẫn còn tình trạng làm phiền khách hàng khi đòi nợ. Phía NHNN cũng thừa nhận, dù các công ty tài chính minh bạch hợp đồng, quy trình chuẩn nhưng trước sức ép cạnh tranh, thị phần, có việc quản trị nhân sự, nhân viên chịu sức ép về doanh số nên chưa tuân thủ quy trình đặt ra. Vì thế, việc chuẩn hóa quy trình quản lý cho vay là cần thiết để giảm thiểu tối đa phiền hà cho khách hàng vay tiêu dùng.
Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit Nguyễn Thiện Tâm cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, việc các công ty tài chính đẩy mạnh đầu tư công nghệ tự động hóa quy trình, nâng cấp và sáng tạo các dịch vụ, sản phẩm mới là mấu chốt để tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng. “Việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay sẽ giúp công ty tài chính gia tăng sức cạnh tranh...” - ông Tâm nói.
Thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng đang cao hơn đáng kể so với lãi suất cho vay truyền thống tại các ngân hàng do sự chênh lệch từ chi phí đầu vào cao, chi phí vận hành và tính rủi ro từ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình - thấp. Muốn giảm lãi suất tiêu dùng, theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều giải pháp, nhưng cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người dùng và khai thác sử dụng công nghệ hiệu quả cho tất cả các bên, giảm gánh nặng đối với người vay và chi phí vận hành của DN.