Lãi gấp 7-8 lần kinh doanh ngân hàng, tài chính tiêu dùng đang trở thành thỏi nam châm "hút" các nhà đầu tư mới. Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay ước khoảng 800.000 tỷ đồng (số liệu của Ngân hàng Nhà nước - NHNN). Các công ty tài chính tuy chỉ mới chiếm tỷ trọng 1%, song lại có tốc độ phát triển rất mạnh. Đây là lý do khiến các ngân hàng, DN nườm nượp đổ vốn vào đầu tư.
Không phải công ty nào cũng nhanh chóng gặt hái được thành công trên thị trường béo bở mà cũng đầy cạm bẫy này... |
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nhanh chóng gặt hái được thành công trên thị trường béo bở mà cũng đầy cạm bẫy này. Bằng chứng là cả nước có tới 16 công ty tài chính, nhưng hơn 80% thị phần nằm trọn trong tay 4 công ty lớn: FE Credit, Home Credit, HD Saison, Prudential Finance.
Mới đây, NHNN đã chấp thuận cho Công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance) được phép cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, thay vì chỉ cấp tín dụng cho DN, cá nhân trong ngành điện như trước. EVN Finance là "tân binh" mới nhất tham gia thị trường tài chính tiêu dùng.
Không kể EVN Finance, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, thị trường đã có thêm sự nhập cuộc của 3 nhà đầu tư mới thông qua các thương vụ M&A, gồm SeABank và hai "đại gia" đến từ Hàn Quốc là: Lotte Card và Shinhan Card.
Cụ thể, SeABank "rót" 710 tỷ đồng mua lại Công ty Tài chính Bưu điện, Lotte Card chi hơn 1.700 tỷ đồng mua lại 100% vốn Công ty Tài chính Techcombank, Techcombank đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Techcom Finance cho Lotte Card (Hàn Quốc). Mcredit của MB chính thức chuyển từ 1 thành viên sang liên doanh 2 thành viên trở lên, MB nắm 50% vốn, Shinsei giữ 49% và Công ty Xuân Thành sở hữu 1%. HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của HDFinance cho Credit Saison (Nhật Bản) và đổi tên thành HD Saison hiện nay.
Trong khi đó, dù đã có thâm niên hoạt động hơn 10 năm tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, Prudential Finance vẫn quyết định bán lại cho Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc), với giá gần 151 triệu USD.
...và phải chấp nhận quy luật thị trường "cá lớn nuốt cá bé"! |
Dù số lượng công ty tài chính không tăng, song việc liên tiếp xuất hiện nhà đầu tư mới cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2017, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã tăng tới 65%. Con số này đang gây tranh cãi, song không thể phủ nhận là người tiêu dùng Việt ngày càng "bạo" vay tiền để chi tiêu.
Song khi tăng trưởng quá nóng, dự báo sẽ có những hệ lụy xảy ra, nhất là rủi ro về nợ xấu. Vì vậy, NHNN vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Theo các chuyên gia ngân hàng, dù tài chính tiêu dùng là lĩnh vực béo bở, tỷ suất sinh lời cao, song rủi ro nợ xấu lại rất lớn. Nếu không quản trị tốt, công ty tài chính thậm chí còn khiến uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng, nợ xấu phình to.
Theo đó, tổ chức tín dụng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống trong từng thời kỳ, gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay theo quy định của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN.