SJC duy trì ổn định
Giá vàng miếng trong nước tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, ổn định so với hôm qua. Sáng 15/7, vàng các thương hiệu như DOJI, SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đang mua vào 119,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 121,5 triệu đồng/lượng, không đổi so với hôm qua.
Riêng vàng thương hiệu Phú Quý SJC đang mua vào thấp hơn 700.000 đồng so với các thương hiệu khác, niêm yết ở mức 118,8 triệu đồng/lượng mua vào và 121,5 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với hôm qua.
Tương tự, vàng nhẫn các thương hiệu cơ bản giữ nguyên mức giá như hôm qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở mức 115 triệu đồng/lượng mua vào và 117,5 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với hôm qua.
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi ngang so với hôm qua, giao dịch ở mức 116 - 119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu mua vào 116,2 triệu đồng/lượng, bán ra 119,2 triệu đồng/lượng, đi ngang so với hôm qua.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 115,3 triệu đồng/lượng và bán ra 118,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ mua vào ở mức 115,2 triệu đồng/lượng và bán ra 118,2 triệu đồng/lượng, ổn định ở cả hai chiều.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ ngày 15/7 theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3342,16 USD/ounce. Giá vàng hôm nay giảm 15,79 USD/Ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank (26.290 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 109,39 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế 12,11 triệu đồng/lượng.
Theo các nhà phân tích kim loại quý tại Heraeus, mặc dù giá vàng gần đây có dấu hiệu chững lại, nhưng đồng USD suy yếu có thể đủ để thúc đẩy đà tăng giá tiếp theo, trong khi bạc đang được hưởng lợi từ nhu cầu bán dẫn phá kỷ lục và bạch kim chứng kiến sản lượng trang sức tăng vọt.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trong bản cập nhật mới nhất về kim loại quý, các nhà phân tích tại Heraeus viết rằng, những dự báo yếu hơn gần đây về đồng USD có thể giúp khởi động lại đợt tăng giá vàng. “Trên toàn cầu, các nhà phân tích đã giảm đáng kể dự báo về đồng USD vào cuối năm 2025. Dự báo đồng thuận cho quý IV năm 2025 đã giảm từ 107,25 vào giữa tháng 1-2025 xuống còn 96,8 vào thứ Sáu tuần trước, so với mức hiện tại của Chỉ số DXY là 97,80. Dự báo trung bình cho thấy, đồng USD sẽ giảm 1% vào cuối năm và giảm thêm 4% vào năm 2026”, các nhà phân tích nêu rõ.
Heraeus cho biết, ngay cả khi giá vàng chững lại dưới mức cao nhất hồi tháng 4 là 3.500 USD/ounce, kim loại quý này vẫn có ngưỡng hỗ trợ ở mức 3.240 USD. Nếu đồng USD suy yếu như dự đoán và nhu cầu đầu tư đối với kim loại quý này vẫn ở mức cao, giá vàng sẽ tiếp tục tăng sau đợt củng cố này. Tuy nhiên, nếu giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ, bất kỳ đợt tăng giá nào tiếp theo có thể bị trì hoãn cho đến cuối năm nay.
Trong khi đó, Joe Cavatoni - chiến lược gia thị trường trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Hội đồng Vàng thế giới - cho rằng, giá vàng tiếp tục ổn định quanh ngưỡng 3.300 USD/ounce cho thấy thị trường vẫn đang chờ đợi sự rõ ràng về lãi suất và thương mại, và thông báo đột ngột của Tổng thống Mỹ về việc áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu vào tuần trước là lời nhắc nhở rằng các nhà đầu tư không thể chắc chắn rằng điều tương tự sẽ không xảy ra với vàng.
Chiến lược gia Cavatoni nhận định, việc giá vàng biến động quanh ngưỡng 3.300 USD/ounce là dấu hiệu cho thấy những người tham gia thị trường đang thiếu rõ ràng về một số động lực chính của vàng. “Về mặt chiến thuật, yếu tố tác động đến giá vàng chính là động lực và chi phí cơ hội. Nếu chúng ta thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất vào cuối năm, chi phí cơ hội đó sẽ có lợi cho vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ hành động nhanh chóng để cố gắng đánh giá xem động lực trên có tác động đến giá vàng hay không’’, ông Cavatoni giải thích.