Giá heo hơi miền Bắc
Theo cập nhật từ bản đồ giá heo hơi toàn quốc sáng nay, thị trường heo hơi tại miền Bắ đang trải qua một đợt điều chỉnh mạnh nhất trong tháng.
Cụ thể, mức giảm rơi vào khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg:
Giảm 2.000 đồng/kg gồm: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Hà Giang – đưa giá thu mua về mức 65.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong tháng.
Giảm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa – phổ biến ở 65.000 – 66.000 đồng/kg.
Áp lực từ sức mua yếu, kết hợp với nguồn cung duy trì ổn định khiến giá heo tại miền Bắc điều chỉnh nhanh hơn dự báo.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung – Tây Nguyên
Tại miền Trung – Tây Nguyên, tình hình cũng không khả quan hơn:
Các tỉnh giảm 1.000 đồng/kg gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk.
Gia Lai là tỉnh ghi nhận mức giảm mạnh nhất nước, tới 2.000 đồng/kg, hiện giá chỉ còn 62.000 đồng/kg.
Toàn khu vực này hiện đang thu mua ở mức 62.000 – 66.000 đồng/kg, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá ở các vùng còn lại, cho thấy sự suy yếu cả về tiêu thụ nội địa lẫn sức mua từ các lò mổ công nghiệp.
Giá heo hơi miền Nam
Trái ngược hoàn toàn với diễn biến ở hai miền còn lại, miền Nam tiếp tục giữ vững mức giá heo hơi tốt và không ghi nhận bất kỳ sự sụt giảm nào trong ngày 16/7.
Các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Lâm Đồng, Vĩnh Long duy trì ổn định ở ngưỡng 66.000 – 67.000 đồng/kg.
Sức tiêu thụ thịt heo trong khu vực phía Nam được duy trì nhờ hệ thống siêu thị, chế biến thực phẩm công nghiệp và nhu cầu từ thị trường xuất khẩu đông lạnh. Đây là yếu tố giữ giá không bị biến động theo xu hướng cả nước.
Theo thông tin tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ về các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi lây lan diễn ra chiều 15/7, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 514 ổ dịch tả heo châu Phi tại 27 tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập; số heo mắc bệnh là hơn 29.642 con, số heo chết và buộc tiêu huỷ là 30.462 con. Trong đó, còn 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, theo Báo Chính phủ.
Các ổ dịch tả heo châu Phi chủ yếu là các ổ dịch cũ tái phát, phát sinh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và không đảm bảo an toàn sinh học... Một trong những nguyên nhân chính là do công tác chủ động giám sát phát hiện và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn một số nơi còn chủ quan, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Mặc dù đã có vắc xin dịch tả heo châu Phi, nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ vắc xin của Nhà nước.
Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, vẫn còn hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho cơ quan chuyên môn thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ mà bán chạy heo, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng.
"Cục Chăn nuôi và Thú y cũng như các Chi cục ở địa phương thành lập các đoàn kiểm tra kết quả cho thấy, tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh diễn ra phổ biến làm lây lan dịch bệnh, gây nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch. Tình trạng giấu dịch biểu hiện dưới nhiều hình thức như: bán chạy, giết mổ không đúng quy định, vứt xác heo bệnh ra môi trường", ông Minh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh và kịp thời tiêu huỷ heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và địa phương tăng cường quản lý chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ và tăng cường kiểm dịch động vật tại các chốt kiểm dịch, cửa khẩu, bến cảng; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán heo và sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt là heo bệnh.
Cùng với đó cần thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, đặc biệt là sử dụng vắc xin phòng bệnh và các chế tài xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ Cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo cho các Chi cục vùng và vùng phải nắm được tình hình ở các tỉnh và các tỉnh phải nắm đến các xã. Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương vào cuộc tăng cường kiểm soát dịch bệnh và kiểm tra các cơ sở giết mổ, tuy nhiên nếu không quyết liệt phòng chống dịch sẽ rất khó ngăn chặn dịch lây lan.
"So với năm ngoái, số ổ dịch và số heo tiêu hủy mặc dù giảm nhưng dịch bệnh hiện nay rất khó lường, dịch tả heo châu Phi lây nhiễm rất nhanh, độc lực cao, vì vậy trong phòng chống dịch cần chủ động hơn. Bên cạnh đó, tăng cường tiêm phòng vắc xin, tập trung vào chăn nuôi nhỏ lẻ, ở những địa bàn có nguy cơ cao như: miền núi, miền Trung", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.