Giảm can thiệp hành chính
Tại Công điện 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024 và tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn mức (room tín dụng).
Lâu nay, room tín dụng là công cụ hiệu quả giúp NHNN dễ dàng kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã áp dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng được 14 năm. Trước khi áp dụng cơ chế room tín dụng vào năm 2011, bình quân tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng lên tới 30%, thậm chí, có những năm lên tới 53,8%. Lượng tiền lưu thông lớn trong khi lượng sản phẩm trong nước không gia tăng tương ứng dẫn đến lạm phát cao.
Sau khi thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, lạm phát những năm sau đó giảm mạnh. Từ năm 2020 đến nay, lạm phát được duy trì ở mức thấp và ổn định: từ 1,84 - 3,24%.
Song, cơ chế cấp room tín dụng giai đoạn này vẫn còn một số vướng mắc. Việc cấp room thường diễn ra theo từng đợt trong năm, tạo ra tình trạng "chạy chọt", “xin – cho”, chờ đợi hạn mức được phân bổ, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng, gây ra những nghi ngại về tính minh bạch, công bằng trong toàn hệ thống. Doanh nghiệp vì thế cũng phải "đi vòng", tìm đến những ngân hàng còn dư room để vay vốn, khiến chi phí giao dịch bị đội lên, mất thêm thời gian và công sức.
Ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT VietinBank cho rằng: “NHNN đang sửa đổi một số quy định để các ngân hàng thương mại (NHTM) tiệm cận tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế như Basel III, buộc các NHTM phải tăng vốn tương ứng nếu muốn tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng sẵn sàng tuân thủ quy định mới”. Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Phương cũng chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế cần bứt phá, cần nhiều vốn để đầu tư và tiêu dùng thì tín dụng phải tăng mạnh hơn. Việc bỏ room tín dụng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, giúp ngân hàng chủ động hơn và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.
Việc loại bỏ room tín dụng được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách tiền tệ của Việt Nam. Việc xóa bỏ cơ chế room tín dụng sẽ mang lại cho các ngân hàng sự tự chủ lớn hơn trong việc quản lý rủi ro và triển khai các hoạt động cho vay. Không còn bị ràng buộc bởi hạn mức tín dụng, các ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng khả năng cung cấp tín dụng, từ đó tăng trưởng thu nhập lãi thuần và đẩy mạnh lợi nhuận. Song, để tránh lặp lại những hệ lụy tiêu cực trong quá khứ khi không có room tín dụng, việc loại bỏ công cụ này phải đi theo lộ trình nhất định.
Bộ tiêu chí kiểm soát an toàn
Khi bỏ room, các quy định về an toàn vốn và quản trị rủi ro cần được siết chặt. NHNN cần ban hành quy định liên quan tới phân loại các nhóm tài sản có rủi ro và hệ số rủi ro cho từng loại tài sản một cách rõ ràng, chi tiết, minh bạch. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của NHNN và tăng cường hiệu quả giám sát. NHNN nên tính tới việc tích hợp cơ sở dữ liệu của các NHTM về NHNN. Khi đó, việc thanh tra, giám sát không chỉ thực hiện định kỳ tại cơ sở mà NHNN có thể theo dõi hoạt động hàng ngày của các NHTM, phát hiện sớm các sai sót và điều chỉnh kịp thời. (TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) |
TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam lưu ý, tỉ lệ tín dụng/GDP hiện đã ở mức 134%, thuộc nhóm cao trong khu vực và nếu tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường vốn. "Việc loại bỏ room tín dụng không có nghĩa là cho phép tăng tổng nợ của nền kinh tế một cách thoải mái. Cần phải đảm bảo kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, tránh gây lạm phát hoặc bất ổn vĩ mô"- ông Bình nói.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước khi bỏ hoàn toàn room tín dụng, NHNN nên sử dụng song song cả room tín dụng và công cụ thị trường.
Những chỉ số then chốt như tỷ lệ an toàn vốn (CAR), chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, mức độ trích lập dự phòng rủi ro và khả năng thanh khoản là các yếu tố không thể thiếu. Những ngân hàng có hệ số an toàn cao, kiểm soát tốt nợ xấu và có hệ thống quản trị rủi ro bài bản cần được trao quyền tự chủ lớn hơn trong hoạt động cho vay. “Bộ tiêu chí cũng nên tính tới mức độ minh bạch thông tin, khả năng đáp ứng các chuẩn mực về báo cáo, kiểm toán, cũng như năng lực công nghệ trong giám sát, kiểm soát các hoạt động tín dụng”- ông Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.
Khi các công cụ thị trường phát huy tối đa hiệu quả của mình, vai trò của room tín dụng sẽ trở nên mờ nhạt và đó chính là thời điểm lý tưởng để từ bỏ hoàn toàn một công cụ hành chính như room tín dụng.
NHNN cho biết, sẽ tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
“Trong nửa đầu năm 2025, lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế lớn nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, song chúng tôi không chủ quan. Trong trường hợp cần thiết, khi lạm phát đạt khả năng kiểm soát, tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên, nợ xấu trong tầm kiểm soát, tổ chức tín dụng kiểm soát được khả năng thanh khoản của mình, thì NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng”- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang nhấn mạnh mục tiêu điều hành.
Thay vì áp room, Chính phủ yêu cầu NHNN áp dụng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng. Theo các chuyên gia, việc dỡ bỏ room tín dụng không đồng nghĩa với việc cung tiền sẽ tăng mạnh và gây lạm phát nếu đi kèm với các công cụ điều tiết mang tính thị trường như tỉ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất điều hành và công cụ thị trường mở. Việc gỡ bỏ room sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng. Các nhà băng có nền tảng vốn vững và quản trị tốt sẽ có cơ hội mở rộng nhanh hơn, tạo động lực cải thiện hiệu quả hoạt động toàn hệ thống.
Bỏ room tín dụng buộc các NHTM phải tăng trách nhiệm và năng lực tự chủ. Theo đó, thay vì ‘xin room’, NHTM phải tự quyết việc tăng tín dụng dựa trên sức khỏe tài chính và khả năng quản trị rủi ro. (TS Lê Duy Bình giám đốc Economica Việt Nam) |