Đối với các mặt hàng tiêu dùng, Tết là mùa “vô địch” về mua sắm. Điều này không cần phải bàn cãi gì, tất nhiên. Dù nhà giàu, trung lưu hay hộ nghèo, thì đều giành ra một khoản tiền cho nhu cầu mua sắm tết. Và đó chính là cơ hội để chúng ta kiếm lời thông qua việc kết nối nguồn hàng với khách hàng.
Những người kinh doanh chuyên nghiệp có sự chuẩn bị rất tốt và họ sẽ chiếm lĩnh thị trường cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thị trường ngách cho dân buôn bán amater.
Thường thì trong số mối quan hệ sẵn có của chúng ta, ai cũng có nhu cầu mua sắm chuẩn bị đón tết. Một lợi thế để dân kinh doanh thời vụ gặp “hên” là nhiều người vẫn thích “mua ủng hộ”. “Thôi thì mua đâu cũng phải tốn tiền, mua ủng hộ người quen, than coi như giúp nhau”.
Bưởi là một loại trái cây bán rất chạy trong dịp Tết. |
Tết năm ngoái, anh Đỗ Việt Sơn (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) kiếm được bộn tiền từ việc bán bia. Do có mối quen trong ngành xuất nhập khẩu, Sơn lấy về một lô hàng bia vại từ Đan Mạch. Sơn chất lên xe bán tải, cứ thế đi đâu cũng chở theo để bán. Hầu hết bạn bè, người thân đều ủng hộ và chỉ trong hơn một tuần là Sơn “đi” hết hàng. “Giá có hơi cao chút, nhưng tết mà. Uống bia của các thương hiệu quen thuộc thì cũng không thú vị bằng các loại nhập khẩu có chất lượng, mùi vị và kiểu dáng khác lạ hơn. Có vại bia sang đặt ở phòng tiếp khách cũng thêm hương vị cho ngày tết”, Sơn nói.
Một sản phẩm phục vụ quý ông ngày tết bán khá chạy khác là rượu cần Tây Nguyên. Sẵn có bạn thân chuyên doanh rượu cần ở Đà Lạt, anh Nguyễn Đức Tăng (Bình Dương) tích cực tiếp thị tiêu thụ ở khu vực Thành phố Thủ Dầu Một. Theo anh Tăng, với mức giá mỗi ché rượu chỉ nhỉnh một thùng bia lon đôi chút, rất nhiều bạn bè anh đã lựa chọn món lạ này để đãi khách ngày tết.
Bạn Trần Thị Thùy Trang (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thì thường chọn trái cây ở vùng Hậu Giang quê hương để bán tại Sài Gòn. Là người bản địa miệt vườn, Trang biết vườn nào trái ngon, chăm tốt, tạo hình đẹp…, để thửa trước. Cách Tết chừng 2 tuần, Trang bắt đầu mở sổ nhận đặt hàng. Khách mua là người quen thân, họ rất an tâm và vui khi mua được nguồn hàng chính gốc, giá gốc và lại còn được nghĩa cử ủng hộ người trẻ lập nghiệp. Thu nhập mùa tết của cô gái vì vậy mà rủng rỉnh, cao hơn lương nguyên full time tháng ở công ty.
Các bạn quê ở các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa… cũng bán được rất nhiều sản vật địa phương trong vụ tết. Người Huế bán nem, tré; người Quảng bán chả bò; người Khánh Hòa bán chả cá… Những món hàng thực phẩm đậm hương vị vùng miền luôn được ưu tiên chọn mua để gia chủ dùng và tiếp đãi khách.
Do bán cho người quen thân là chủ yếu, nên các “thương nhân thời vụ” rất ngại nói về chuyện kiếm lời. Tuy nhiên, theo ông Nguyên Thái Duy, một nhà đào tạo kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, trung bình một người buôn bán thời vụ Tết có thể thu về từ 20 đến 50 triệu đồng lợi nhuận chỉ trong 10 ngày đến 2 tuần trước Tết.