Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kinh doanh trực tuyến được xem là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp hiện nay và đó cũng là xu hướng mà ngành hàng xuất khẩu cần thực hiện.
Thương hiệu Việt trên sàn điện tử Amazon. Ảnh: Chụp màn hình.
Lướt một vòng trên Amazon, người tiêu dùng có thể tìm ra hàng trăm mặt hàng xuất xứ tại Việt Nam được chào bán trên sàn thương mại điện tử này với giá cao ngất ngưỡng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy cơ hội để Việt Nam phát triển kinh doanh trên toàn cầu và xây dựng các thương hiệu mang tầm quốc tế.
Phần lớn các mặt hàng của người Việt tạo tiếng vang trên Amazon chủ yếu là hàng nông sản, gồm có cà phê, trà, nước mắm, bún và phở. Bên cạnh đó, một số mặt hàng handmade, thủ công mỹ nghệ, dầu gió, kềm cắt da, cả vòng phong thủy cũng được người Việt tại nước ngoài săn mua.
Nhiều mặt hàng của những thương hiệu lớn tại Việt Nam được người dùng đánh giá 4-5 sao trên Amazon. Ảnh: Chụp màn hình.
Theo đó, các mặt hàng này được bán trên Amazon với giá cao gấp 10-15 lần giá bán ở trong nước.
Trên trang web Amazon Mỹ, mỗi một gói cà phê Trung Nguyên có giá không dưới 400.000 đồng, thậm chí có loại hơn 1 triệu đồng/gói, trong khi tại Việt Nam giá bán chỉ dao động vài chục ngàn đồng. Bên cạnh đó, thương hiệu này còn chào bán các loại máy xay hoặc phin pha cà phê từ bình dân đến cao cấp.
Một gói cà phê Trung Nguyên được bán trên Amazon có giá hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Chụp màn hình.
Hiện “gã khổng lồ” của sàn thương mại điện tử có hệ thống tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ và danh mục hàng hóa hết sức đa dạng. Đồng thời, Amazon còn sở hữu hạ tầng giao vận lớn nhất toàn cầu với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, 100.000 robot và 40 máy bay tham gia giao hàng, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.
So với mì, phở là mặt hàng được bày bán trên kệ Amazon nhiều nhất. Ảnh: Chụp màn hình.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mẫu mã như đã cam kết với sàn. Đồng thời, các đơn vị hợp tác với Amazon cũng phải chấp nhận sự cạnh tranh công bằng từ các mặt hàng cùng loại ngay trên một nền tảng bán hàng.
Amazon là giải pháp tiếp cận thị trường thế giới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hơn 200 doanh nghiệp Việt đã tham gia bán hàng trên chợ điện tử Amazon. Các mặt hàng được chào bán chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống Việt. Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới thông qua nền tảng thương mại điện tử, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử. Trong đó, Amazon là giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với thời gian, chi phí thấp nhất. Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết, thông qua khuyến nghị thương chiến Mỹ - Trung và Covid-19 là cơ hội cho doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường Mỹ. Do phải chuyển thị trường sang Việt Nam và Đông Nam Á, bản thân người đi mua hàng của Mỹ cũng bị áp lực tìm nguồn hàng nên họ sẽ nhượng bộ nhất định cho hàng Việt Nam. Mỹ là một thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người 65.760 USD/người/năm, cao hàng đầu thế giới. Do đó, thị trường này còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. |