Giá heo miền Bắc
Theo ghi nhận, giá heo hơi ở miền Bắc đứng yên tại các địa phương.
Trong đó, heo hơi tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình tiếp tục được giao dịch với giá thấp nhất là 68.000 đồng/kg.
Ngoại trừ Hưng Yên và Vĩnh Phúc đang neo ở mốc 70.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại duy trì giao dịch với giá 69.000 đồng/kg.
Giá giao dịch hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo miền Trung, Tây Nguyên
Thị trường heo hơi miền Trung, Tây Nguyên không ghi nhận biến động mới về giá.
Cụ thể, thương lái tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị tiếp tục giao dịch heo hơi với giá thấp nhất là 66.000 đồng/kg.
Các tỉnh còn lại vẫn giao dịch heo hơi ổn định trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Giá heo miền Nam
Tại khu vực miền Nam, giá thu mua heo hơi cũng không có thay đổi mới theo xu hướng chung của thị trường.
Hiện tại, giá giao dịch được ghi nhận tại Long An là 70.000 đồng/kg - cao nhất khu vực.
Các địa phương còn lại duy trì thu mua ổn định từ 67.000 đồng/kg đến 69.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá heo hơi lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết vài năm trước đây, dịch tả heo Châu Phi lan mạnh nhất ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo việc an toàn sinh học. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh dịch này cũng đã lan mạnh tại cả những trang trại của các doanh nghiệp lớn.
“Bệnh dịch kèm theo người dân bỏ chuồng do năm ngoái thua lỗ đã ảnh hưởng năng suất của tổng đàn đàn heo trên địa bàn tỉnh và gây ra tình trạng thiếu hụt heo. Tôi ước tính đàn heo tại Đồng Nai giảm khoảng 30%”, ông Nguyễn Trí Công nhận định.
Đồng Nai hiện là địa phương có quy mô đàn heo lớn nhất cả nước, đạt 2,1 triệu con (tính đến cuối tháng 5/2024), tương đương khoảng 8% tổng đàn cả nước.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Tôi có trao đổi với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, trong đó có một số doanh nghiệp FDI, được biết họ đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện tại, họ ưu tiên sử dụng con giống để nuôi trong nội bộ và hạn chế bán ra ngoài. Thậm chí một số doanh nghiệp ghi nhận lượng đàn nái chết 50%”.
Ông Nguyễn Văn Trọng và ông Nguyễn Trí Công cùng chung nhận định xu thế mất cân đối cung - cầu sẽ còn diễn ra trong những tháng tới bởi để đàn heo nái phục hồi phải mất ít nhất 1,5 năm.
Trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2024 xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, giá heo hơi theo đó giảm chỉ còn khoảng 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm.
Bên cạnh đó, chênh lệch giá heo tại miền Bắc của Việt Nam và các địa phương của Trung Quốc giáp biên giới ở mức thấp, khiến dòng lưu chuyển heo hơi giữa 2 nước vẫn “đóng băng”.
Đồng thời, tại miền Trung và miền Nam, trái với diễn biến thông thường mọi năm, nguồn cung heo từ Campuchia và Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chủ yếu do cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát đối với hoạt động nhập lậu heo từ Campuchia và Thái Lan do Thái Lan ghi nhận dịch nhiệt thán bùng phát trên gia súc.
Các chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp chăn nuôi hiện nhận định giá heo hơi có thể duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến cuối năm 2024 do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mới bắt đầu tái đàn trở lại sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.
Dữ liệu lịch sử cho thấy, thông thường chu kỳ tăng giá của ngành chăn nuôi heo diễn ra trong khoảng 2 năm. Như vậy chu kỳ tăng giá hiện nay có thể kéo dài trong giai đoạn 2024 - 2025.