Giá heo miền Bắc
Theo ghi nhận, giá heo hơi ở miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg tại Hưng Yên, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, hiện ghi nhận trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg, tùy khu vực.
Các địa phương còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá.
Giá giao dịch hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo miền Trung, Tây Nguyên
Thị trường heo hơi miền Trung, Tây Nguyên đi ngang trên diện rộng.
Theo đó, heo hơi tại Lâm Đồng và Bình Thuận vẫn đang được thu mua với giá cao nhất khu vực là 69.000 đồng/kg.
Thương lái tại các địa phương còn lại tiếp tục giao dịch heo hơi trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg.
Giá heo miền Nam
Tại khu vực miền Nam, giá thu mua heo hơi tăng 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, hai tỉnh Hậu Giang và Long An lần lượt nâng giao dịch lên mức tương ứng là 68.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg.
Heo hơi tại các địa phương khác vẫn được thu mua với giá ổn định trong hôm nay.
Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg.
Mùa Hè thường là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ thịt heo. Giá heo hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, trong một tháng qua, giá thịt lợn đã tăng 1,94% so với tháng trước đó. Nguyên nhân được cho là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi diễn ra vào cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, "Thời gian tới, giá heo hơi có thể sẽ giảm vì vào hè nắng nóng, học sinh nghỉ nên các bếp ăn trường học không hoạt động". Tuy nhiên, giá mặt hàng vẫn sẽ duy trì ở mức cao, người chăn nuôi đảm bảo mức lãi khá.
Các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo, thời gian tới, giá thịt heo sẽ neo ở mức cao. Bởi, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương khiến nông hộ chăn nuôi và các trang trại giảm số lượng đàn.
Trong khi đó, phía doanh nghiệp cũng khá thận trọng kế hoạch tăng đàn do lo ngại dịch bệnh hoành hành vào thời điểm cuối năm, VTV đưa tin.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra tại 316 xã, 137 huyện của 37 tỉnh, thành phố; hiện còn 18 tỉnh, thành phố dịch chưa qua 21 ngày.
Tại Hải Phòng, sau 24 tháng bệnh ASF được khống chế trên địa bàn thành phố, đến ngày 30/5/2024 dịch tái phát trên đàn heo tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (ổ dịch cũ có heo mắc bệnh ASF phải tiêu hủy năm 2019); số heo tiêu hủy bắt buộc 11 con, trọng lượng 446kg. Kết quả giám sát sự lưu hành virus gây bệnh ASF năm 2023 tại một số chợ kinh doanh thịt heo và sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn thành phố đã phát hiện 3,96% mẫu dương tính với virus gây bệnh ASF; đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ninh giáp ranh Hải Phòng đang có ổ dịch bệnh ASF chưa qua 21 ngày… tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng trên địa bàn thành phố, báo Bảo vệ và Pháp luật đưa tin.
Theo đó, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện tổ chức giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ heo, chợ buôn bán thực phẩm có nguồn gốc từ lợn trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm từ heo trên địa bàn; căn cứ diễn biến dịch bệnh, xem xét thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông tiếp giáp với các địa phương đang có dịch; bố trí kinh phí, nguồn lực, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch để chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra…