Giá heo miền Bắc
Heo hơi tại miền Bắc trong tuần qua được điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, thương lái tại các khu vực Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nội và Tuyên Quang thu mua heo hơi trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg - cùng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg.
Với mức tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai gia heo hơi ở mức cao nhất 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo miền Trung - Tây Nguyên
Thị trường heo hơi miền Trung - Tây Nguyên tuần qua cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế, nâng gia thu mua lên mức 67.000 - 68.000 đồng/kg, tùy khu vực.
Thương lái tại những địa phương khác tiếp tục thu mua heo hơi với giá ổn định.
Hiện tại, giá heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg.
Giá heo miền Nam
Giá heo hơi miền Nam trái chiều 1.000 - 2.000 đồng/kg tại nhiều địa phương.
Cụ thể, khu vực 4 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang và Sóc Trăng cùng triển khai mức giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống còn 68.000 - 69.000 đồng/kg, tùy khu vực.
Cùng lúc, mức giá 67.000 đồng/kg được ghi nhận tại Kiên Giang sau khi điều chỉnh giảm mạnh đến 2.000 đồng/kg trong tuần qua.
Riêng Bạc Liêu lại xoay chiều tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, nâng giá heo hơi lên mức 68.000 đồng/kg.
Heo hơi tại các tỉnh, thành còn lại không có sự thay đổi mới về giá.
Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi chạm mốc 70.000 đồng/kg vào mùa hè này, mức giá cao nhất trong 2 năm qua. Đà tăng của giá heo hơi kéo dài từ đầu tháng 4 và rõ nét nhất là từ tháng 5/2024 đến nay. Với mức hiện nay, giá heo hơi đã tăng 36% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Theo thông lệ, giá heo hơi thường giảm vào mùa hè nên người chăn nuôi có doanh thu ít nhất. Tuy nhiên, năm nay thị trường thịt heo hơi diễn biến trái quy luật khi giá tăng cao. Giá tăng cao nhất trong thời điểm tiêu thụ thấp nhất.
Nguyên nhân chính được cho là nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi. Điều này vừa là cơ hội cũng là thách thức, người chăn nuôi vẫn lo lắng với bài toán chất lượng và rủi ro tái đàn.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) cho biết, chu kỳ tăng giá của ngành heo thường diễn ra trong 2 năm và chu kỳ trước mắt dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.
Các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng sẽ “ăn trọn” lợi nhuận mảng heo trong năm tới giữa bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ có các doanh nghiệp lớn đã đáp ứng điều kiện an toàn dịch bệnh mới có thể yên tâm tái đàn.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước phải ngưng hoạt động.
Các chuyên gia đánh giá, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hình thành một nền chăn nuôi lớn, hiện đại, có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất thực phẩm của thế giới.