Sớm nở tối tàn
"Sinh ra nhanh - chết cũng nhanh", câu này hoàn toàn đúng để nói về hiện trạng của các mạng xã hội nói trên. Phần lớn trong số 455 mạng xã hội này đều đã ngừng hoạt động, có thể kể đến như tieudiemviet.vn hay webkheotay.vn... Còn với những địa chỉ vẫn hoạt động, đa phần là tồn tại với mô hình một trang tin tức tổng hợp, tiêu biểu là mạng xã hội về văn hóa du lịch lanhmanh.vn hoặc mạng xã hội cho người chơi golfinfok.vn.
Sau một thời gian ra mắt, mạng xã hội Gapo vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Ảnh: Phạm Hùng |
Và tình trạng phát triển "nóng" nói trên dường như đang lặp lại khi chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có tới 4 mạng xã hội thuần Việt đáng chú ý được ra mắt. Đó là mạng xã hội chuyên về du lịch Hahalolo, mạng xã hội dành cho giới trẻ Gapo, mạng xã hội nội dung Lotus hay mới đây nhất là Astra - mạng xã hội chuyên về du lịch.
Nếu vẫn giữ nguyên hiện trạng và không có thay đổi mang tính đột phá trong thời gian tới, những mạng xã hội Gapo hay Lotus sẽ không thể thoát khỏi kết cục thất bại của những đàn anh đi trước. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Thành Đoàn |
Hầu hết những mạng xã hội mới này là đều nhận được sự đầu tư rất mạnh tay từ phía các DN đứng sau. Gapo được Quỹ đầu tư G-Capital hậu thuẫn với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cùng mục tiêu 50 triệu người dùng sau 2 năm ra mắt. Đứng sau Lotus, VCCorp sẵn sàng đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng nhằm tạo sức bật cho "con cưng" của mình. Còn về Astra, mạng xã hội này đã nhận được khoản đầu tư lên tới 1 triệu USD của Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup Phạm Thanh Hưng thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn tài chính dồi dào không phải lúc nào cũng mang tới thành công, đặc biệt là đối với việc phát triển mạng xã hội thuần Việt. Điển hình là trường hợp mạng xã hội Go.vn do VTC phát triển vào giai đoạn 2010. Không chỉ được hậu thuẫn bằng nguồn tài chính mạnh mẽ, đội ngũ kỹ thuật được đánh giá hàng đầu Việt Nam tại thời điểm đó mà còn được phủ sóng truyền thông bởi hàng loạt các phương tiện báo điện tử, truyền hình của chính VTC. Nhưng những năm sau đó, bởi nhiều nguyên nhân do chủ quan, Go.vn càng ngày càng đi xuống và dần biến mất khỏi bản đồ số Việt Nam.
Những trường hợp tương tự như Go.vn không phải là hiếm, có thể kể đến như Zing Me của VNG hay Banbe.net của FPT Online. Đây đều là sản phẩm do những DN nội dung số nhiều kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính mạnh của Việt Nam đứng sau, nhưng rồi cũng phải cay đắng từ bỏ cuộc ganh đua mạng xã hội đầy khắc nghiệt. Điều này cho thấy khả năng thành công đang hết sức mờ mịt với các "tân binh" như Gapo hay Lotus.
Đánh giá về tương lai của các mạng xã hội thuần Việt mới như Gapo, Lotus, chuyên gia truyền thông Nguyễn Thành Đoàn nhận định khả năng thành công là rất thấp. Thực tế đã chứng minh, chưa có bất kỳ mạng xã hội nào của Việt Nam đủ xứng đáng để làm đối thủ của Facebook chứ đừng nói đến khả năng cạnh tranh thu hút người dùng. Ngay cả những mạng xã hội mới ra mắt cũng đang lặp lại lối mòn của các sản phẩm cũ khi không có đặc tính nào là mới về sáng tạo mà hoàn toàn bị che phủ bởi Facebook.
Mạng xã hội Việt Lotus. Ảnh: Chiến Công |
Lách qua "người khổng lồ"
Mặc dù không lạc quan về tương lai của những mạng xã hội Việt vừa ra mắt nhưng chuyên gia Nguyễn Thành Đoàn cho rằng "cửa sống" vẫn là có nếu những sản phẩm này thay vì đối đầu trực tiếp mà mà lách qua "người khổng lồ" Facebook. Điều này đồng nghĩa với việc khai thác thật tốt các thị trường ngách, điều mà với quy mô quá lớn của mình Facebook sẽ không tập trung mạnh được. "Có thể kể đến các tập người dùng chuyên biệt như về du lịch, tin tức, ẩm thực, sức khỏe... Cố gắng tập trung vào một mảng và làm cho thật tốt, giải quyết được các nhu cầu của người Việt cũng như nhấn mạnh tính địa phương trong dịch vụ của mình. Hãy đặt mục tiêu toàn cầu ra sau và hướng vào chinh phục thị trường bản địa trước, đó mới là hướng đi khả thi" - chuyên gia Nguyễn Thành Đoàn nói.
Cần phải khẳng định số lượng người dùng chính là thước đo đánh giá sự thành công của mạng xã hội Việt. Để nhiều người dùng truy cập vào một mạng xã hội Việt là không hề đơn giản nhưng nếu chia nhỏ ra nhiều mạng xã hội Việt khác thì vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều. Với các mạng xã hội phục vụ từng nhóm người dùng có nhu cầu khác nhau, tổng số người dùng có thể đạt con số lớn. Do vậy mạng xã hội Việt cần liên kết, chia sẻ nhu cầu cũng như người dùng với nhau thì mới có thể đạt được thành công. Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên |
Ví dụ như trường hợp của mạng xã hội chuyên về video TikTok của Trung Quốc. Thay vì đối đầu trực tiếp với Youtube, TikTok chỉ tập trung vào giới trẻ với các video có độ dài dưới 15 giây cũng như chủ yếu xoay quanh các chủ đề vui nhộn, giải trí. Nhờ làm cực tốt hướng đi của mình nên hiện tại TikTok đang có cộng đồng người dùng trên thế giới lên tới con số 500 triệu.
Có cùng quan điểm, Giám đốc Viettel Media Võ Thanh Hải khẳng định, làm giống Facebook rồi quay ra đánh bại họ là điều không thể thực hiện được. Mạng xã hội Việt có lợi thế hơn Facebook là tính bản địa cao hơn, do đó cần tập trung phục vụ các tập khách hàng chuyên biệt. Phải có sự khác biệt mới có thể tồn tại được. Sản phẩm mạng xã hội Mocha của Viettel Media cũng đang được ông Võ Thanh Hải định hướng theo đúng lối tư duy trên. Thay vì chỉ là ứng dụng có chức năng gọi điện, nhắn tin như trước đây, bước sang 2019, Mocha đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi thay đổi thành một mạng xã hội chuyên dành cho giới trẻ. Trong đó các nội dung video, trò chơi, ca nhạc... được tập trung đẩy mạnh nhằm phục vụ cho khách hàng có lứa tuổi từ 13 - 25.
Chính sự thay đổi mang tính bước ngoặt này đã mang lại thành công ban đầu cho Mocha khi mạng xã hội này có mức tăng trưởng tới 58% sau 6 tháng đầu năm và cán mốc 7 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng. Từ giờ tới hết 2020, Mocha vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng nội dung và công nghệ nhằm phủ kín tập khách hàng trẻ của Việt Nam. "Chỉ khi hoàn thành được mục tiêu 20 triệu người dùng thường xuyên, Mocha mới bắt đầu triển khai các tập khách hàng ngách khác" - ông Võ Thanh Hải chia sẻ.
Những mạng xã hội Việt hiện nay đang phải đối mặt vấn đề lớn là lượng người dùng. Về lượng người dùng thì đây là vấn đề rất khó khăn bởi mạng xã hội Việt không thể cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Twitter... Trong khi đó một số mạng xã hội Việt mới ra mắt cố gắng tạo ra sự khác biệt để thu hút người dùng, đây là hướng đi đúng nhưng thành công hay không vẫn cần phải có thời gian. CEO MOG Việt Nam Trần Anh Dũng |