Hoàn tất chuyển đổi SIM 11 số về 10 số
Vào rạng sáng ngày 7/10, Viettel đã hoàn tất đợt chuyển đổi đầu số thứ 9 của mình, qua đó chính thức trở thành nhà mạng cuối cùng chuyển đổi xong sim 11 số về 10 số. Trước đó, 2 nhà mạng lớn khác là Vinaphone và MobiFone cũng đã chuyển đổi xong sim 11 số của mình vào các ngày 27/9 và 2/10.
|
|
Theo số liệu thống kê được công bố, trong khoảng thời gian 23 ngày từ ngày 15/9, 5 nhà mạng của Việt Nam đã chuyển đầu số cho hơn 80 triệu thuê bao. Trong đó, Viettel là nhà mạng chiếm nhiều đầu số nhất với 52 triệu thuê bao, tiếp sau là VinaPhone (17 triệu thuê bao) và MobiFone (14 triệu thuê bao).
Người dùng nên chủ động cập nhật danh bạ, thay đổi/cập nhật lại số điện thoại đăng ký ngân hàng và các dịch vụ khác để để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh những rắc rối không đáng có.
Hiện 4 nhà mạng là Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đều đã có tính năng chuyển đổi danh bạ trên ứng dụng di động. Đó là các ứng dụng My Viettel, My MobiFone, My VNPT và MyVietnamobile.
Trong số này, ứng dụng của 3 nhà mạng là Viettel, VinaPhone và MobiFone có thể cập nhật danh bạ cho tất cả người dùng, không phân biệt nội hay ngoại mạng. Người dùng có thể tải về các ứng dụng này để đồng bộ danh bạ tự động theo đầu số mới và không cần đăng nhập.
Như vậy, sau khi chính sách quy hoạch kho số di động được Bộ TT&TT đưa ra, kể từ thời điểm này, tất cả các thuê bao di động tại Việt Nam đều sẽ có dạng 10 số.
Người dùng sẽ vẫn có khoảng thời gian hơn 1 tháng để dùng song song cả 2 đầu số cũ và mới. Sau ngày 14/11, việc liên lạc bằng số cũ sẽ bị xóa bỏ, và khi gọi đến số máy cũ, người dùng sẽ nhận được âm thông báo số thuê bao đã chuyển đổi. Được biết, âm thông báo này sẽ duy trì đến hết ngày 30/6/2019.
Bộ TT&TT sắp chuyển quyền đại diện sở hữu VNPT, MobiFone
Mới đây, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với VNPT, MobiFone chuẩn bị quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
|
|
Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, việc sáp nhập về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là thuận lợi lớn để VNPT trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản trị từ 18 Tập đoàn, Tổng công ty khác. Vì khi các Tập đoàn, Tổng công ty về chung một Ủy ban thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là tổ chức chuyên về giám sát và bảo tồn hoạt động vốn tại doanh nghiệp nên tính chuyên nghiệp sẽ rất cao, vì vậy việc áp dụng các cơ chế, thể chế quản lý nhà nước về doanh nghiệp sẽ thực tế hơn.
Lãnh đạo VNPT cũng kỳ vọng, là thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT sẽ ngày càng rút ngắn được thời gian đưa ra thị trường những sản phẩm mới, rút ngắn được quá trình đầu tư công nghệ mới để thực hiện thắng lợi chiến lược VNPT 4.0 trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước đó ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước với số vốn chủ sở hữu là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết Ủy ban đã làm việc và ký biên bản hợp tác với các đối tác từ Singapore, Trung Quốc để trao đổi thông tin nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý vốn hiện tại, theo cơ chế thị trường.
Theo Nghị định mới ban hành, ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.
Được biết, 19 doanh nghiệp được chuyển giao về Ủy ban bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng 18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài.
Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Bkav công bố smartphone màn hình tràn đáy
Chiếc Bphone thế hệ thứ ba được Bkav khẳng định là smartphone Android đầu tiên trên thế giới có thiết kế tràn đáy và có tính năng chống trộm đặc biệt. Trong buổi ra mắt ngày 10/10, phía Bkav cho biết smartphone này có hai phiên bản là Bphone 3 và Bphone 3 Pro.
|
|
Bphone 3 có hai màu Black Titan và White Silver. Bản Black Titan có mặt lưng màu đen và khung viền màu titan. Bản White Silver có mặt lưng màu trắng và khung viền màu trắng bạc.
Chiếc smartphone này có màn hình Full HD+, Camera 12Mp, F1.8, Dual PDAF, Chip Qualcomm Snapdragon 636, Ram 3GB, Bộ nhớ trong 32GB, 2 SIM 2 sóng. Giá bán của sản phẩm là 6,99 triệu đồng.
Trong khi đó, Bphone 3 Pro có hai màu Black Gold và White Gold. Bản Black Gold có mặt lưng màu đen và khung viền màu vàng. Bản White Gold có mặt lưng màu trắng và khung viền màu vàng.
Bphone 3 Pro có màn hình Full HD+, Camera 12Mp, F1.8, Dual PDAF, Chip Qualcomm Snapdragon 660, Ram 4GB, Bộ nhớ trong 64GB, 2 SIM 2 sóng, giá 9,99 triệu đồng. Cả hai phiên bản đều có thiết kế tràn đáy, khả năng chống nước theo tiêu chuẩn IP86 - có thể quay, chụp dưới nước.
Về camera, phía Bkav cho hay, ngoài phần cứng, đơn vị này còn đầu tư nghiên cứu về công nghệ, thuật toán để camera trên Bphone 3 xuất sắc hơn. Với công nghệ chụp đêm sNight, camera Bphone 3 có khả năng chụp đêm khá sắc nét và dù là camera đơn nhưng khả năng xóa phông khá tốt nhờ kết hợp giữa công nghệ phân loại hình ảnh DeepLab của Google và công nghệ Nature Bokeh Dual Pixel của Bkav.
Điểm đáng chú ý của smartphone này là khả năng chống trộm. Với Bphone 3, ngay cả khi máy đã bị khôi phục cài đặt gốc (factory reset), chủ nhân vẫn có thể từ xa thực hiện các thao tác như định vị điện thoại, chụp ảnh bằng camera trước, camera sau để biết người đang sử dụng máy, ra lệnh khóa máy…
Cùng lúc, Bphone 3 được bảo vệ bởi phần mềm diệt virus Bkav Mobile Security phiên bản đặc biệt, tích hợp sâu trong nhân hệ điều hành BOS. Và, Bkav khẳng định đây sẽ là chiếc điện thoại không virus, không tin nhắn rác.
Phía Bkav cũng khẳng định, sử dụng hơn 90% linh kiện cao cấp từ các nhà cung cấp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm này.
Google Translate đã hỗ trợ tiếng Việt cho tính năng dịch qua camera
Ngày 11/10, tính năng dịch qua máy ảnh của ứng dụng Google Translate sẽ hỗ trợ thêm 13 ngôn ngữ mới, trong đó có tiếng Việt.
|
|
Tính năng dịch trực quan này cho phép người dùng trỏ điện thoại của mình vào bất kỳ văn bản nào để dịch mà không cần phải nhập liệu như bình thường. Khi hình ảnh đã được phân tích, bạn có thể chọn bất kỳ phần nào của văn bản để xem bản dịch dưới dạng cửa sổ bật lên.
Bản cập nhật ngày hôm nay bổ sung các ngôn ngữ mới cho tính năng dịch qua máy ảnh, bao gồm tiếng Ả Rập, tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Hindi, tiếng Bengali, tiếng Gujarati, tiếng Kannada, tiếng Malayalam, tiếng Marathi, tiếng Nepali, tiếng Punjabi, tiếng Tamil và tiếng Telugu. Bản dịch qua lại giữa các ngôn ngữ này cũng được hỗ trợ.
Tận dụng dịch máy thần kinh, 13 ngôn ngữ mới này tham gia vào 26 ngôn ngữ khác hỗ trợ tính năng dịch qua camera. Trước đây, tiếng Anh có thể được dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào, nhưng ngược lại thì không.
Hiển nhiên với Google Lens, tìm kiếm bằng hình ảnh và dịch thuật đặc biệt hữu ích để tìm hiểu thêm về các đối tượng trong thế giới thực. Một ví dụ phổ biến là khi bạn du lịch nước ngoài có các biển báo và chỉ dẫn mà không có bản dịch.
Các ngôn ngữ mới cho tính năng dịch qua camera của Google Translate ra mắt từ hôm nay và sẽ khả dụng trên Android và iOS trong vài ngày tới.