Thứ 4, 18/09/2024, 11:39 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vụ thai phụ “tố” Bệnh viện FV “tắc trách”: Giám đốc Y khoa - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh lên tiếng!

Vụ thai phụ “tố” Bệnh viện FV “tắc trách”: Giám đốc Y khoa - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh lên tiếng!
(Tieudung.vn) - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh - Giám Đốc Y khoa tại Bệnh viện FV vừa đại diện bệnh viện này phản hồi báo Kinh tế & Đô thị về các vấn đề chuyên môn trong thăm khám và điều trị cho chị H.A.H. và con trai 7 tháng tuổi của chị.

Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, ngày 14/5/2021, khi đang  ở tuần thứ 39, chị H.A.H. (SN 1990, tạm trú tại phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh) được gia đình đưa đến  FV (số 6, Nguyễn Lương Bằng, quận 7) để đặt thuốc giục sinh theo ngả âm đạo. Đến 19 giờ tối, bác sĩ sản khoa đặt thuốc và yêu cầu chị H. nằm chờ theo dõi. Và đến 21 giờ tối cùng ngày, chị H. được bác sĩ cho về phòng nghỉ ngơi, chờ sinh.

Vụ thai phụ “tố” Bệnh viện FV “tắc trách”: Giám đốc Y khoa - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh lên tiếng!

Hình ảnh tay con trai của chị H. khi đang cấp cứu vì bị bỏng tại Bệnh viện FV. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong khoảng thời gian này, chị H. thấy đau, cơ thể run rẩy, và bị chảy máu không ngớt. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra nữ hộ sinh kết luận chỉ H. bị đau đẻ như những sản phụ khác: “ Đến 1 giờ sáng ngày 15/5/2021, bác sĩ Võ Triều Đạt thăm khám thấy tình hình nguy cấp vì tim thai giảm, họ đã đưa tôi đi mổ cấp cứu bắt con” – chị H. kể lại.

Hai ngày sau đó chị H. bất tỉnh và được điều trị tại phòng ICU của Bệnh viện FV. Khi tỉnh lại, chị H. được thông báo đã sinh con, nhưng vì băng huyết sau sinh nên phải truyền 4,5 lít máu. Đến ngày 24/5, trước khi xuất viện, một bác sĩ đến khám và khẳng định chị H. bị đau là do bị viêm đài bể thận. Đồng thời, đề nghị chị ở lại bệnh viện thêm 15 ngày để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, khi chị yêu cầu đại diện bệnh viện giải đáp khiếu nại về việc chị bị băng huyết và bị viêm đài bể thận sau sinh thì lại không được hồi đáp. 

Phải đến ngày 17/6/2021, sau nhiều lần khiếu nại, Bệnh viện FV phúc đáp chị H. rằng bệnh viện không có sai sót trong các dịch vụ cung cấp. 

Sự việc chưa dừng lại, khi ngày 31/12/2021, con trai chị H. được 7 tháng tuổi, vì một tai nạn bất ngờ khiến bàn tay trái của bé bị bỏng. Do nhà rất gần Bệnh viện FV, gia đình chị H. quyết định đưa con đến Phòng cấp cứu của bệnh viện này với hy vọng điều trị bỏng kịp thời. Tuy nhiên, sau điều trị, chị H. tố bác sĩ Diệu của Bệnh viện FV đã kê sai đơn thuốc dẫn đến vết bỏng của con trai chị trở nặng, phá hủy bàn tay trái của bé.

Vụ thai phụ “tố” Bệnh viện FV “tắc trách”: Giám đốc Y khoa - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh lên tiếng!

Hình ảnh tay con trai của chị H. sau khi cấp cứu tại Bệnh viện FV. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đáp lại những phản ánh của chị H., ngày 10/3, Bệnh viện FV đã chính thức có Thông cáo báo chí về vụ việc, theo đó phía bệnh viện khẳng định không có sai sót chuyên môn.

Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh - Giám Đốc Y khoa tại Bệnh viện FV để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên: Trong Thông cáo báo chí ngày 10/3, Bệnh viện FV cho rằng thuốc Alphachymotrypsine được dùng ở Việt Nam để điều trị giảm viêm, giảm sưng nề sau bỏng và không có chống chỉ định ở trẻ em. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, một dược sĩ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, liều dùng ở trẻ em trong việc sử dụng thuốc Alpha chymotrypsin chưa được nghiên cứu và quyết định. Bệnh viện FV phản hồi như thế nào về thông tin này?

- Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh: Bác sĩ Diệu đã kê đơn Alphachymotrypsin 25đv/tab, 1 viên x 2 lần / ngày. Đây là liều dùng hoàn toàn không gây hại cho bé. Việc này cũng được các chuyên gia Nhi tại cuộc họp Hội Đồng chuyên môn khẳng định. Liều dùng Chymotrypsine cho trẻ sẽ được quyết định bởi bác sĩ Nhi khoa khi kê toa. tham khảo từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng TP, liều dùng Chymotrypsine cho trẻ nhỏ là 1v x 2- 3 lần/ngày là liều an toàn.

“Bệnh viện FV khẳng định thuốc Alphachymotrypsine được kê toa để giảm viêm vì vậy việc kê toa thuốc này để điều trị vết bỏng độ 2 không phải là một sai sót, mặc dù hiệu quả của nó có thể thấp”. Vậy trong trường hợp của con chị H., liệu rằng có thể thay thế bằng 1 loại thuốc khác với tương tự nhưng hiệu quả cao hơn hay không? Theo Bệnh viện FV với 1 bệnh nhi 7 tháng tuổi, việc kê thuốc uống có cần thiết phải thận trọng hơn so với bệnh nhân lớn tuổi hay không, vì cơ thể trẻ sơ sinh còn non nớt?

Vụ thai phụ “tố” Bệnh viện FV “tắc trách”: Giám đốc Y khoa - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh lên tiếng!Khác với Bệnh viện FV, Bệnh viện Nhi Đồng 2 không kê thuốc uống khi trị bỏng cho con trai chị H. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Đơn thuốc được kê cho con của chị H. đã được Hội Đồng chuyên môn thẩm định là hoàn toàn phù hợp với bệnh và không có sai sót chuyên môn. Việc kê thuốc uống cho trẻ em khi cấp cứu tại FV, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi phải được bác sĩ chuyên khoa Nhi thực hiện, toa thuốc sẽ được dược sĩ lâm sàng kiểm tra lần cuối trước khi phát thuốc cho bệnh nhân. Thuốc kháng viêm có tác dụng mạnh hơn bao gồm kháng viêm non-steroid (Ibuprofen) hoặc Corticoid. Tuy nhiên, tác dụng phụ các loại thuốc này rất nhiều. Các bác sĩ Nhi tại Bệnh viện FV hạn chế sử dụng ngoại trú cho trẻ dưới 2 tuổi khi chưa thực sự cần thiết.

Theo phản ánh của chị H., khi chị mang con trai 7 tháng tuổi vào Bệnh viện FV trị bỏng, tay bé chỉ bị ửng đỏ. Tuy nhiên, sau khi bị nhúng vào dung dịch Natrichloride isotonic 0.9% da tay của bé bắt đầu bị bong tróc, gây đau đớn, các ngón tay không thể duỗi thẳng, và phải tập vật lý trị liệu. Bệnh viện FV phản hồi gì về những thông tin này? Liệu rằng, với vết bỏng kín (không hở) có cần thiết phải làm sạch bằng dung dịch Natrichloride isotonic 0.9% hay không?

- Việc làm sạch vết bỏng và vết thương bằng Nước muối sinh lý là cần thiết để loại bỏ các chất bẩn trên bề mặt trước khi các bước điều trị tiếp theo. Việc rửa bằng nước muối đẳng trương (sinh lý) hoàn toàn không gây ra bong tróc và các biến chứng như mẹ bé than phiền.

Cũng theo chị H., khi điều trị bỏng cho con chị, bác sĩ Diệu phải tham khảo cẩm nang y khoa. Điều này cũng đã được Bệnh viện FV xác nhận trong 1 số ghi âm mà chị Diệu cung cấp. Vậy theo bệnh viện, việc bác sĩ vừa điều trị, vừa tham khảo sách là do chuyên môn không đủ, hay còn có lý do nào khác?

- Việc bác sĩ thực hành tham khảo cẩm nang hoặc sổ tay là việc hoàn toàn bình thường và thậm chí còn giúp cho việc chẩn đoán và điều trị tăng thêm độ an toàn cho người bệnh. Ở các nước phát triển, hầu hết các bác sĩ/điều dưỡng đều được khuyến cáo thực hành như vậy.

Vụ thai phụ “tố” Bệnh viện FV “tắc trách”: Giám đốc Y khoa - Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh lên tiếng!

Một phần trong Thông cáo báo chí của Bệnh viện FV về vụ việc của mẹ con chị H., ngày 10/3/2021. (Ảnh: Bệnh viện FV cung cấp)

Theo ghi nhận, Bệnh viện FV có đề cập: “Trong quá trình thăm khám, quả thực bác sĩ Bình lo ngại bà H. có thể bị viêm bể thận cấp nên có đề nghị bà H. tiếp tục nằm viện để điều trị thêm một đợt kháng sinh trong 14 ngày. Việc bác sĩ Bình lo ngại xuất phát từ tiền sử là bà Hậu đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu tương tự với vi khuẩn đa kháng vào khoảng 4 tháng trước đó và đã phải dùng ống thông tiểu khi nằm tại phòng ICU trong đợt nhập viện này. Tuy nhiên, bà H. đã từ chối kế hoạch điều trị này và xuất viện vào ngày hôm sau”. Liên quan đến nội dung này, xin được hỏi, vì sao bác sĩ Bình không chỉ định làm kiểm tra để xác định chính xác chị H. có bị viêm bể thận cấp hay không, mà lại đưa ra phán đoán bằng quan sát chủ quan, rồi yêu cầu bệnh nhân ở lại 14 ngày? việc của bác sĩ Bình cũng chính là quy trình khám chữa bệnh của FV?

- Trước khi bệnh nhân H. xuất viện, vào ngày 24/5, bác sĩ Đạt đã đề nghị hội chẩn với bác sĩ Bình về vấn đề bệnh lý thận của bệnh nhân. Khi xem xét hồ sơ và khám cho bệnh nhân H., bác sĩ Bình nhận định và nghi ngờ có khả năng/nguy cơ chị này có thể có viêm đài bể thận. Việc nghi ngờ và lo lắng này xuất phát từ việc chị H. đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu tương tự với vi khuẩn đa kháng vào khoảng 4 tháng trước đó và đã phải dùng ống thông tiểu khi nằm tại phòng ICU trong đợt nhập viện này. Bên cạnh chỉ định kháng sinh điều trị, bác sĩ Bình cũng đã đề nghị cấy máu trước khi truyền kháng sinh để xác định chẩn đoán lần này. Ngoài ra, bác sĩ Bình cũng có e ngại việc điều trị kháng sinh trước đó trong giai đoạn chuyển dạ (do chị H. nhiễm liên cầu) và giai đoạn sau mổ sẽ làm kết quả cấy máu/nước tiểu sẽ bị âm tính giả. Nếu bỏ sót chẩn đoán viêm đài bể thận trên bệnh nhân là một nguy cơ rất cao nên bác sĩ Bình đã có thái độ xử trí mạnh tay.

Được biết, liên quan đến những phản ánh của chị H., Bệnh viện FV đã tổ chức Hội đồng chuyên môn để đánh giá về quá trình điều trị cho mẹ con chị H. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là quy trình để bệnh viện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Vậy, theo FV có nên tổ chức 1 buổi họp Hội đồng chuyên môn theo đúng quy trình do Sở Y tế tổ chức với đầy đủ các thành phần tham gia, nhằm đưa ra 1 kết luận cuối cùng chính xác, khách quan, vừa bảo vệ uy tín của bệnh viện, vừa xoa dịu được những ngờ vực của gia đình bệnh nhân hay không?

- Việc lập hội đồng chuyên môn được quy định tại Điều 74 trong Luật Khám Chữa Bệnh. Theo đó, thành lập Hội đồng chuyên môn là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Biên bản và kết luận của Hội đồng sẽ là căn cứ báo cáo quá trình giải quyết khiếu nại phàn nàn đến các cơ quan quản lý như Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vào cuộc

Chiều ngày 15/3, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến vụ việc chị H.A.H khiếu nại Bệnh viện FV chậm trễ trong thăm khám, điều trị khiến chị và con trai bị ảnh hưởng sức khỏe, hiện Sở Y tế đã chuyển vụ việc qua thanh tra Sở và yêu cầu Bệnh viện FV báo cáo kết quả về Hội đồng chuyên môn của bệnh viện, báo cáo cách xử lý của bệnh viện về vụ việc của chị H. Sau đó, thanh tra Sở Y tế sẽ xem xét tổng quan toàn bộ vụ việc. Nếu người khiếu nại vẫn không hài lòng với cách giải quyết của Bệnh viện FV thì sẽ lập Hội đồng chuyên môn cao hơn là cấp Bộ Y tế để xem xét lại một lần nữa.

Trước đó, ngày 11/3, chị H.A.H. cũng đã có đơn cầu cứu gửi đến Sở Y tế, theo đó, chị H. cho rằng, Bệnh viện FV “tắc trách” khiến chị bị băng huyết trước và trong quá trình sinh nở; cấp cứu chậm trễ, kê sai đơn thuốc khiến làm tay con trai chị trở nặng, bị viêm dạ dày cấp…

Thực tế, đến nay, thông tin từ phía bệnh nhân và Bệnh viện FV đều từ hai phía tự đưa ra, Sở Y tế chưa có bất cứ kết luận nào về vấn đề đúng sai trong câu chuyện này.

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.06259 sec| 840.016 kb