Các biện pháp được triển khai nhưng "chưa đủ thấm"
Trong bản tin phát đi lúc 18 giờ 30 ngày 8/8, Bộ Y tế ghi nhận, cả nước có thêm 9.690 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, TP Hồ Chí Minh 3.898 ca, Bình Dương 3.210 ca. Đến 6 giờ sáng ngày 9/8 Bình Dương có thêm 1.725 ca. Như vậy chỉ trong 2 ngày 8 và 9/8 tổng số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 5.623 ca - con số "kỷ lục" về số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn tỉnh này.
Đáng nói là, số ca mắc mới đã "lập đỉnh" trong bối cảnh tỉnh Bình Dương đang nỗ lực tối đa nhằm đưa vào vận hành nhiều bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô lớn từ 1.500 giường với mong muốn đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới vào cuối tháng 8 này.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi kiểm tra tiến độ xây dựng của Bệnh viện dã chiến số 4 Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương)
Lý giải về điều này, Tiến sĩ Huỳnh Minh Chính - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng cho rằng, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của Bình Dương đã rất nỗ lực, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, cùng nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai đến tận cấp xã, phường, thậm chí đến từng khu phố, từng người dân, nhưng "chưa đủ thấm”, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp.
"Tại huyện Bàu Bàng, số ca nhiễm mới chỉ tập trung vào nhóm doanh nghiệp. Được sự hỗ trợ, chi viện của tỉnh, địa phương đang tập trung bóc tách F0 đưa vào cách ly điều trị. Chúng tôi đang kiểm soát và hướng đến đẩy lùi dịch bệnh theo kế hoạch của tỉnh" - ông Chính nói.
Gần như đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm LyWAyWay Việt Nam (KCN Việt Nam – Singapore, TP. Thuận An) Vương Sĩ Kính thẳng thắn chia sẻ: Là công ty chuyên về thực phẩm, nên người lao động của chúng tôi có tính chuyên nghiệp và ý thức giữ gìn vệ sinh rất cao. Trong thực hiện “3 tại chỗ”, dù đã được tập huấn rất kỹ về công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng cứ hết giờ hay nghỉ giải lao là công nhân tập trung lại nói chuyện. Về đến nơi nghỉ ngơi, cũng nói chuyện, ăn chung, trao đổi qua lại... "Từ thực tế đó, tôi cho rằng trong công tác tuyên truyền cần nói mạnh hơn nữa về tác hại, hậu quả thực tế của dịch bệnh để người lao động hiểu và chủ động phòng tránh" - ông Kính nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi kiểm tra máy thở tại Bệnh viện Dã chiến số 4 Bàu Bàng
Quyết tâm đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị sáng 9/8, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết: Số ca mắc mới chủ yếu được phát hiện tại TX Tân Uyên và trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. “Chúng ta phát hiện từ việc quét virus lần 2 để phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đưa đi đều trị” - ông Nguyễn Hồng Chương nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, bên cạnh các nỗ lực dập dịch, triển khai tiêm vaccine cho toàn dân, tỉnh Bình Dương còn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác hỗ trợ phòng, chống dịch như: Triển khai Trung tâm Chỉ huy tác chiến do Chủ tịch UBND tỉnh làm chỉ huy trưởng; Triển khai hoạt động của tổng đài 1022 hỗ trợ người dân, người trong khu cách ly, người đang ở trọ gặp khó khăn về y tế, lương thực, thực phẩm...
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, hiện tại tỉnh Bình Dương đang tích cực triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện này được trang bị đầy đủ trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo đủ điều kiện để điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Tập trung tối đa nhân lực, vật lực, ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật trong công tác điều trị, và cùng với đó là những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, Bình Dương quyết tâm cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Lợi nói.