Thứ 6, 30/08/2024, 11:15 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

TP Hồ Chí Minh đảm bảo 100% trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh sởi

TP Hồ Chí Minh đảm bảo 100% trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh sởi
(Tieudung.vn) - Ngay khi UBND TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi trên địa bàn, nhiều quận, huyện tổ chức họp khẩn nhằm đưa ra phương án triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, đảm bảo không bỏ sót trẻ nào, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine sởi đạt 100%, tuyệt đối không để dịch chồng dịch.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - cho biết, ngay khi số ca mắc sởi tăng, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, tăng cường thực hiện 2 biện pháp chính là tiêm bù, tiêm vét vaccine cho trẻ 1-5 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ mắc; chủ động rà soát nhóm trẻ có nguy cơ để có biện pháp bảo vệ. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động dự phòng.

"Theo số liệu từ các bệnh viện trên địa bàn về, do các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến cuối nên có hơn 50% trẻ điều trị sởi tại TP Hồ Chí Minh tới từ các tỉnh lân cận. Vậy nên, để dập dịch được vòng trong thì cần phải tiêm vaccine bảo vệ vòng ngoài. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp giảm áp lực cho các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh", Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - cho biết, số ca tại TP Hồ Chí Minh đang tăng lên từng ngày. Số ca mắc dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ lớn (73,2% ), tuy nhiên, đang có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn.

Tính từ ngày 23/5-27/8, TP Hồ Chí Minh đã có 432 ca mắc sởi và 3 ca tử vong. Số bệnh nhân mắc sởi điều trị tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu từ các tỉnh lân cận chuyển lên (55,8%).

TP Hồ Chí Minh đảm bảo 100% trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Liên quan tới thuốc điều trị, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Nhi đồng 1 cho biết: "Hiện bệnh viện vẫn đảm bảo đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân sởi. Lô thuốc Dopamine (thuốc cấp cứu bệnh sởi, sốt xuất huyết…) vừa hết hạn ngày 15/8. Đầu tháng 9, bệnh viện sẽ nhập lô thuốc mới. Trong thời gian chờ đợi, bệnh viện sẽ dùng thuốc khác để điều trị thay thế. Theo đó, bệnh nhân mắc sởi vẫn sẽ được điều trị kịp thời, hiệu quả và an toàn".

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) - cho biết, sau khi TP Hồ Chí Minh công bố , Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về việc mua sắm vaccine phòng bệnh sởi – rubella và phân công HCDC khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine mở rộng. Vaccine đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Dự kiến cuối ngày hôm nay 30/8 vaccine sẽ về kho của HCDC. Vaccine sẽ được phân bổ cho các quận, huyện ngay sau đó.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh - cho biết, số ca mắc sởi tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung tại các quận, huyện vùng ven. Do vậy, thành phố nên phối hợp với các khu công nghiệp/khu chế xuất ở các quận huyện vùng ven, tạo điều kiện thuận lợi cho các cha mẹ là công nhân đưa con đi tiêm vaccine sởi nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine của thành phố, hạn chế ca mắc.

Ngày 29/8, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế - làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, WHO đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng đột biến ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát tại nhiều khu vực đặc biệt là nhóm người chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Tính riêng 3 tháng đầu năm đã có gần 57.000 ca mắc. Một số quốc gia như Anh, Pháp…đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với dịch sởi.

Theo Thứ trưởng Hương, trên thế giới có rất nhiều loại vắc-xin sởi khác nhau, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, trường hợp cần thiết được cấp phép tiêm mũi bổ sung, nên tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, loại vaccne chúng ta đang dùng chỉ cấp phép 2 mũi tiêm. Vậy nên, trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi rồi thì không cần tiêm thêm mũi thứ 3”.

“Các bệnh viện thường xuyên trao đổi, thông báo thông tin các trường hợp bệnh với CDC và các tỉnh, thành phố, nơi bệnh nhân sinh sống để kiểm tra dịch tễ. Ngay khi tiếp nhận các ca bệnh, các cơ sở y tế cần trao đổi thông tin với địa phương liên quan để phòng chống dịch”, Thứ trưởng Hương chỉ đạo.

Đồng thời, đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xem xét điều phối, cung cấp vitamin A cho các cơ sở y tế để cơ sở điều trị bệnh. Tiếp tục đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch. Đặc biệt cần chủ động liên hệ và báo cáo kịp thời với Sở Y tế, Cục Quản lý Dược trong trường hợp cần các thông tin liên quan đến các loại thuốc được cấp phép hoặc trường hợp cần cung cấp thuốc kịp thời để điều trị cho bệnh nhân.

“TP Hồ Chí Minh tiếp tục công tác truyền thông cho người dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống dịch; phối hợp với bệnh viện phòng chống dịch. Tăng cường đào tạo cho các tỉnh, các cơ sở tuyến dưới đặc biệt là các phòng khám tư nhân trong công tác điều trị, đảm bảo điều trị tốt, chuyển viện phù hợp, an toàn, không để xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện”, Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, và điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết, để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tags:
4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.79855 sec| 789.328 kb