Trái cây và rau
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trái cây và rau phải được làm sạch dưới vòi nước chảy và bảo quản trong tủ lạnh sạch ở nhiệt độ 40 độ F (tương đương 4,4 độ C) trở xuống.
Nên ăn trái cây để lạnh trong vòng 1 - 3 ngày để có được hương vị và độ tươi tối đa. Khoai tây đã nấu chín và các loại rau khác có thể được bảo quản an toàn trong tủ lạnh từ 3 - 4 ngày.
Một số loại quả khi chín tạo ra ethylene như táo, một loại khí làm thực phẩm khác chín sớm hơn hoặc thối rữa nhanh hơn nếu bảo quản cùng. Ví dụ như táo làm cho các loại trái cây khác chín nhanh hơn vì chúng tạo ra ethylene với lượng cao. Vì vậy không nên đặt táo cùng hộp bảo quản với các loại trái cây khác.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại trái cây và rau quả đều nhạy cảm với ethylene. Anh đào, dứa, tỏi, bưởi... có thể được bảo quản an toàn cùng nhau hoặc bên cạnh những thứ tạo ra khí này.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bánh mì
Bánh mì tự làm có thể để được khoảng 3 ngày ở nhiệt độ phòng, trong khi bánh mì mua ở cửa hàng sẽ an toàn để ăn trong khoảng 5 - 7 ngày.
Nếu bạn cho bánh mì vào tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của chúng thêm khoảng 3 - 5 ngày. Nhưng cách làm này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng của bánh đấy nhé!
Thịt và gia cầm
Theo một số nghiên cứu, thịt xay và thịt gia cầm đã được nấu chín đến nhiệt độ an toàn có thể để trong tủ lạnh khoảng 1 - 2 ngày. Nhiệt độ an toàn và hợp lý nhất là dưới 41 °F (5 °C).
Các loại thịt tươi khác như steak, phi lê, sườn có thể để được trong tủ lạnh từ 3 - 4 ngày. Nếu chúng được cấp đông thì bạn cần rã đông chúng trước khi nấu. Và tuyệt đối không được cấp đông lại lần nữa đối với lượng thịt không dùng hết.
Đối với thịt đóng hộp, bạn nên tiêu thụ trong vòng 3 - 5 ngày kể từ khi mở nắp. Những món salad nguội có trộn với thịt hoặc thịt gia cầm cũng nên được tiêu thụ trong vòng 3 - 5 ngày.
Động vật có vỏ, trứng
Trứng là một loại thực phẩm có nguy cơ hư hỏng cao hơn, vì chúng có thể truyền vi khuẩn Salmonella. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trứng sống có thể được bảo quản an toàn từ 3 - 5 tuần kể từ khi cho vào tủ lạnh. Trứng luộc chín có thể được bảo quản trong một tuần. Bạn nên bảo quản trứng và các sản phẩm từ sữa ở nhiệt độ 40 độ F hoặc thấp hơn một chút.
Động vật có vỏ và cá cũng có nguy cơ hỏng nhanh hơn, vì chúng có thể chứa nhiều mầm bệnh hoặc chất độc như histamine có thể gây bệnh cho bạn.
Sản phẩm liên quan tới sữa
Các sản phẩm từ sữa có thời gian sử dụng khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm. Sữa chua có thể bảo quản được từ 1 - 2 tuần; Các loại phô mai mềm và phô mai tươi có thể bảo quản được trong một tuần; Các loại phô mai cứng có thể bảo quản được từ 3 - 4 tuần sau khi mở gói.
Các món ăn khác
Món nướng có chứa trứng để trong tủ lạnh từ 3 đến 5 ngày. Thịt đã chế biến để được 3-5 ngày. Thời gian để trong tủ lạnh của cá nấu chín là 3-4 ngày, cá hun khói là 14 ngày. Các loại hải sản có vỏ cứng đã chế biến để 2 ngày.
Bánh mì nướng cất tủ lạnh vẫn ăn được trong vòng 1-2 tuần. Cơm để trong 3-5 ngày; súp, canh, các món hầm (3-4 ngày).
Tuổi thọ của các món tráng miệng trong tủ lạnh khác nhau. Bánh quy để được đến 2 tháng trong tủ lạnh còn các món tráng miệng có độ ẩm như bánh phô mai dùng trong một tuần.
Mẹo bảo quản thức ăn thừa đúng cách
- Để đảm bảo an toàn khi ăn thực phẩm đã nấu chín, cần bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh trong vòng hai giờ sau khi nấu và tiêu thụ trong vòng 3-4 ngày.
- Thực phẩm phải được bảo quản trong hộp kín hoặc túi có khóa kéo.
- Đặt tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp (4°C hoặc thấp hơn) để tránh làm hỏng thực phẩm.
- Các vùng khác nhau trong tủ lạnh nên được sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau. Thịt và các sản phẩm từ sữa nên được bảo quản ở kệ trên cùng, trong khi nông sản và thực phẩm nấu chín nên để ở kệ thấp hơn.
- Dán nhãn ghi tên thực phẩm và ngày nấu trực tiếp lên hộp hoặc túi và đảm bảo loại bỏ mọi thức ăn thừa chưa sử dụng khỏi tủ lạnh nếu quá thời hạn sử dụng an toàn.