Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiến mô, tạng là món quà cao quý nhất của một người trao tặng cho người khác. Hàng ngàn người đã được cứu sống từ tấm lòng cao cả ấy.
Thủ tướng cho hay, Việt Nam tự hào khi dù đi sau nhiều nước trong khu vực về ghép tạng, nhưng đến nay đã trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á. Ông đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não. Các đơn vị cũng cần nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. (Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc)
"Tôi kêu gọi mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng.
Thủ tướng cũng chia sẻ ông đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để "cho đi là còn mãi".
Tại lễ phát động, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Y tế, gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình, người thân người hiến tạng đã đồng ý trao tặng sự sống cho người bệnh cần ghép tạng.
Sau 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào năm 1992, đến nay ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng.
Hiện trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam trở thành nước có số ca ghép tạng hàng đầu Đông Nam Á.
Trong những năm qua, Việt Nam có những tiến bộ trong việc vận động hiến tạng. Năm 2023, tỉ lệ người chết não hiến mô tạng tăng 15% so với năm trước. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng hằng năm.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người bệnh khi hơn 94% số tạng ghép đến từ nguồn hiến sống. Hiện nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.
Theo Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện cả nước có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.