Không ít người trong chúng ta từng bị hoặc thấy người khác có những đốm trắng nhỏ với hình dạng không giống nhau trên móng tay, móng chân. Trông thì chẳng có vẻ gì to tát và thậm chí rất nhiều người bỏ qua. Nhưng bạn có biết đây có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang đi xuống.
Đốm trắng móng tay phản ảnh tình trạng dinh dưỡng trong cơ thể. |
Móng tay có xu hướng phát triển nhanh, dài trung bình 3,5mm mỗi tháng. Cấu tạo bộ móng gồm rất nhiều phần: lớp sừng (nail plate) là phần cứng nhất bên ngoài cùng của móng với tác dụng bảo vệ; lớp da bao quanh móng; lớp da bên dưới lớp sừng, lớp biểu bì...
Với những ngón tay, chân khỏe mạnh, chúng ta thường thấy phần móng có màu hồng nhạt (do được cung cấp máu thường xuyên), phía dưới là khoảng trắng nhỏ. Nhưng nếu khi thấy các đốm trắng xuất hiện dù không bị va chạm dù là nhẹ trước đó, có thể bạn đã mắc phải hiện tượng mà khoa học gọi là “đốm Leukonychia”.
Phản ánh tình trạng dinh dưỡng của cơ thể
Hằng ngày khi cơ thể chúng ta ăn với chế độ cân đối đầy đủ chất dinh dưỡng thì móng tay, móng chân chắc khoẻ. Những dinh dưỡng cần thiết giúp móng khoẻ mạnh cũng là những dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể bao gồm: axit béo omega 3, các loại protein và sắt.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện đốm trắng trên móng tay có thể cảnh báo cư thể thiếu hụt một số yếu tố vi lượng như kẽm, calci, vitamin C trầm trọng. Trong khi rất nhiều người thấy đốm trắng trên móng tay của mình thì nghĩ rằng không có vấn đề gì lớn.
Dưới góc nhìn y học thì các biểu hiện trên móng tay có thể phản ánh tình trạng thiếu một số loại dinh dưỡng, chẳng hạn như: chất sắt, biotin và protein.
Các nghiên cứu cho thấy, khi tình hình sức khoẻ yếu, thiếu vitamin biểu hiện dễ nhận thấy trên phần móng đó là sự xuất hiện của các nốt nhỏ màu trắng (leukonychia) trên lớp sừng của móng.
Các dấu hiệu móng tay có các vết, nốt màu trắng trên phần móng có thể là dấu hiệu của bệnh gan; màu nửa trắng, nửa hồng là dấu hiệu của bệnh thận và màu tím là dấu hiệu của nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu như: móng có màu vàng, dày, phát triển chậm có thể là dấu hiệu của chứng bệnh phổi. Do chức năng phổi bị suy kém, nên khiến cho nồng độ ôxy trong máu xuống thấp, dẫn tới sự phát triển bất thường của móng. Ban đầu chúng vô hại, song móng càng mọc dài ra, thì các nốt trắng này cũng lớn dần lên và khiến móng trở nên yếu, dễ gãy.
Tuy nhiên, các đốm trắng trên móng tay có thể chỉ đơn thuần là do những chấn thương nhẹ, do thói quen hay cắt khóe làm tổn thương móng… và cũng có thể các bệnh da liễu như nhiễm nấm.