Vừa đi ngoài nắng về đã cho con tắm ngay
Tất nhiên những hoạt động bên ngoài, hay riêng việc trẻ di chuyển đi lại trong trời nắng nóng đã khiến mồ hôi nhễ nhại. Bố mẹ thường muốn tắm luôn cho con để con hạ nhiệt, mát mẻ hơn. Tuy nhiên, thói quen này lại ẩn chứa rất nhiều điều nguy hiểm.
Thực tế sau khi đi nắng về, cơ thể trẻ nóng nực, nhiều mồ hôi, gặp nước sẽ thấy rất mát mẻ. Nhưng đó cũng là thời điểm mà nếu nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột có thể khiến trẻ bị cảm. Ngoài ra, lúc này các lỗ chân lông cũng đang giãn ra. Nếu tắm ngay, đặc biệt là tắm nước lạnh sẽ làm cái lạnh thấm vào người bé đột ngột, dễ gây sốc, ho, sốt, viêm phổi. Vì vậy sau khi đi nắng về, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi ít phút, lau mặt và tay chân nhẹ nhàng rồi sau đó mới nên đi tắm.
Tắm quá nhiều lần trong một ngày
Vào ngày hè, chỉ cần hoạt động chạy nhảy một chút thôi là trẻ cũng đã đổ nhiều mồ hôi, đầu tóc bết bát khó chịu. Nhiều bố mẹ vì vậy nghĩ cần tắm thường xuyên cho con. Tuy nhiên, bố mẹ không biết, nếu tắm quá nhiều (khoảng trên ba lần mỗi ngày) là cách chăm sóc không hề đúng. Bởi khi ấy, nước và sữa tắm sẽ dần bào mòn một lớp bảo vệ tự nhiên trên da trẻ, gây khô da, làm mất đi những vi khuẩn có ích, thậm chí gây nên những bệnh ngoài da vì viêm nhiễm. Tắm nhiều cũng tăng nguy cơ trẻ bị cảm lạnh.
Vì vậy vào ngày nóng, tắm tối đa hai lần một ngày, vào buổi sáng và chiều tối. Thời gian tắm cũng không nên quá lâu, khoảng 15-20 phút.
Tắm cho bé ở nơi thoáng gió
Việc tắm cho trẻ ở những nơi thoáng gió, đặc biệt là những hôm trời lạnh là sai lầm mà không ít ông bố, bà mẹ mắc phải. Vì làn da của bé còn rất mỏng manh và khả năng điều hòa thân nhiệt kém nên khi tắm ở nơi thoáng gió sẽ dễ bị nhiễm lạnh hoặc mắc một số bệnh về đường hô hấp. Khi đó, bệnh sẽ khó chữa và dễ tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý tắm cho bé bằng nước ấm và sau khi tắm có thể thoa dầu giữ ấm cho con như: Dầu tràm, dầu khuynh diệp và không nên cho bé ra nơi nhiều gió.
Vệ sinh rốn khi tắm cho bé
Khi mới sinh, rốn là bộ phận rất nhạy cảm đối với bé, đặc biệt là từ 1 đến 3 tuần tuổi. Trong thời gian này, bố mẹ nên chú ý không được để nước dính vào cuống rốn của trẻ, dễ gây nhiễm trùng. Trường hợp, nếu không may để dính nước vào thì cần nhanh chóng lau thật kỹ bằng bông hoặc vải sạch. Bên cạnh đó, bố mẹ nên chú ý vệ sinh rốn cho bé mỗi ngày bằng dung dịch riêng biệt, tuyệt đối không kỳ cọ, móc chất bẩn bởi dễ làm tổn thương nghiêm trọng vùng rốn.