Rau má là loại rau mọc ở khu vực bờ đầm, bờ ruộng… chốn làng quê. Loại rau dễ mọc, dễ trồng này tuy dung dị nhưng lại có khả năng giải nhiệt cực tốt. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, theo Đông y, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu, thường được sử dụng để bồi bổ cơ thể, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, mụn nhọt, rôm sảy…
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong rau má có chứa rất nhiều beta caroten, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, Fe, Mg, Mn, P, Kali, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, rau má thường được sử dụng nhiều vào mùa hè với tác dụng chính để giải nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng rau má quá nhiều sẽ gây hại cơ thể.
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Rau má có tính hàn, có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nhẹ. Rau má thường được uống sống nên quá trình chế biến nếu không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người dùng.
- Giảm khả năng mang thai
Phụ nữ nếu dùng rau má lâu ngày có thể làm giảm khả năng mang thai. Loại rau này cũng gây nguy cơ sảy thai nếu sử dụng trong thai kì.
- Làm tăng cholesterol và lượng đường trong máu
Rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.
Không chỉ vậy, đối với người đang có 2 bệnh trên, dùng rau má cùng với uống thuốc điều trị có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.
- Dùng rau má đúng cách
Một ngày mỗi người bình thường chỉ nên dùng một cốc rau má, tương đương với khoảng 40g rau má, không nên uống quá một tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.
Rau má sau khi mua về phải rửa sạch, ngâm rửa kỹ càng, đồng thời khi dùng nên ăn kèm thêm lát gừng để trung hòa tính hàn của rau má.