Công dụng của nhót
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập II, 2004), lá nhót tươi hoặc khô thái nhỏ sao vàng sắc với nước uống được dùng chữa lỵ trực khuẩn và bệnh tiêu chảy.
Lá nhót phơi khô giòn, tán bột, hòa với nước cơm uống còn được dùng để chữa hen suyễn.
Quả nhót cũng có tác dụng như lá nhót. Ngày dùng 5 - 7 quả phơi khô, sắc uống.
Rễ nhót chữa thổ huyết, đau họng, ngày dùng 30 g sắc uống. Ngoài ra rễ nhót còn có thể nấu nước tắm dùng ngoài, chữa mụn nhọt.
Những đối tượng không nên ăn nhót
Theo Zing.vn, dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ đang còn quá non nớt có thể chưa thích nghi được với vị chua của nhót. Do đó, loại quả này không phù hợp với bé dưới một tuổi, những trẻ lớn hơn cũng cần hạn chế.
Ngoài ra người bị đau hoặc viêm loét dạ dày cần thận trọng khi ăn nhót. Tính axit cao của loại quả này có thể làm tăng các cơn đau khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Những người bị hội chứng ruột kích thích (bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, trướng hơi,...) cũng nên kiêng nhót.
Lưu ý khi ăn nhót
Cạo sạch bụi phấn trước khi ăn: Nếu ăn nhót trực tiếp, nên chọn những quả nhót chín mọng và chà sát cho sạch lớp bụi phấn bên ngoài để tránh viêm họng. Nhót càng chín thì lớp bụi phấn càng dễ chà sát hơn.
Không ăn khi đói bụng: Nhót có vị chua và chát, do đó bạn không nên ăn khi đói bụng vì có thể gây kích ứng dạ dày. Tốt nhất là hãy ăn nhót sau bữa cơm khoảng 30 phút.