Nguyên nhân gây đau họng sau khi uống rượu
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Cơ thể mất nước sau khi uống rượu, do rượu có tính chất lợi tiểu và làm bạn đi tiểu nhiều hơn, do đó có khả năng cao bạn bị mất nước nếu không bổ sung nước kịp thời và gây đau rát, khô cổ họng.
Uống rượu làm gia tăng khả năng viêm cơ thể, gây đau và ngứa ngáy cổ họng.
Tăng axit dạ dày cũng là nguyên nhân phổ biến sau khi uống rượu, khiến trào ngược axit lên cổ họng và gây kích ứng, đau rát.
Hệ miễn dịch suy yếu khi uống nhiều rượu, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cổ họng.
Một số người nhạy cảm với rượu và gây các triệu chứng như đau họng, đỏ mắt, nghẹt mũi,...
Để dịu đau họng sau uống rượu
Uống nhiều nước
Rượu có tác dụng lợi tiểu. Đây là lý do tại sao rượu có thể dẫn đến mất nước, gây ra các triệu chứng cổ họng bị kích thích, khát nước, đau họng, khô miệng. Hoặc một vài triệu chứng khác như nôn nao, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu và ngủ kém.
Uống nhiều nước lọc hoặc tiêu thụ các đồ uống, thực phẩm có chứa natri, kali và các khoáng chất thiết yếu khác có thể giúp bổ sung các chất điện giải cho cơ thể.
Các loại rau lá xanh đậm, bơ và bông cải xanh là nguồn cung cấp chất điện giải tốt nhất. Nếu có cảm giác nôn nao, khó nuốt, bạn cũng có thể dùng đồ uống ít đường, bổ sung chất điện giải hoặc dùng cháo, soup. Ngoài ra, các loại trái cây mọng nước như cam, quýt, bưởi, mận, thanh long cũng giúp cung cấp nước và vitamin rất tốt.
Súc miệng bằng nước muối
Nồng độ cồn của rượu có thể làm tổn thương niêm mạc họng và khiến họng đau rát. Tốt nhất, ngay sau mỗi bữa tiệc có dùng thức uống chứa cồn cũng như khi ngủ dậy vào hôm sau, bạn hãy súc họng bằng nước muối sinh lý để làm sạch chất cồn còn bám trên niêm mạc họng miệng, giúp làm dịu cổ họng.
Bạn nên sử dụng nước muối sinh lý pha sẵn theo tiêu chuẩn thay vì tự pha, nếu tự pha nên đảm bảo tối ưu mức độ sạch của nước cũng như nồng độ muối. Một số người quan niệm nước muối súc miệng càng mặn thì càng diệt vi khuẩn tốt; có trường hợp còn ngậm cả muối hột nguyên chất trong thời gian dài. Đây là lầm tưởng tai hại vì dung dịch súc họng quá mặn (ưu trương) sẽ làm viêm loét thêm niêm mạc họng miệng. Điều này có thể hình dung qua hiện tượng sau khi đi tắm biển, da chúng ta có thể bị bong tróc sau đó; niêm mạc họng miệng rất mỏng và dễ bị tổn thương hơn nhiều so với lớp da được cấu tạo bởi các lớp tế bào sừng hóa dày ở bên ngoài.
Tránh khói thuốc
Người vừa uống rượu vừa hút thuốc có khả năng đau họng cao hơn. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng có thể có tác hại tương tự.