Chọn loại dưa hành muối chất lượng
Nếu mua ngoài, nên chọn mua dưa hành muối từ những cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốt nhất là nên tự muối dưa hành tại nhà để có thể điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản. Khi muối nên đảm bảo tiệt trùng bằng nước sôi hoặc phơi nắng dụng cụ muối (lọ thủy tinh, lọ sứ, gốm, lọ inox chuyên dụng)... sẽ bảo vệ các sản phẩm an toàn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Hạn chế lượng ăn
Món dưa hành có chứa một lượng muối không nhỏ vì vậy có thể chứa một làm lượng lớn nitrit. Đặc biệt, khi chúng ta ăn kèm dưa hành cùng các món ăn có chứa nhiều đạm và protein sẽ khiến nitrit trong hành tạo phản ứng với các amin bậc hai có trong thực phẩm và tạo thành hợp chất nitrozamin gây ung thư .
Ngoài ra, nếu bạn dùng nhiều dưa hành muối và uống rượu đồng thời sẽ gây nên tình trạng nóng ruột, khiến tình trạng đau dạ này nặng hơn.
Việc sử dụng nhiều một thực phẩm chứa lượng muối cao như dưa hành có thể gây hại cho tim mạch và tuần hoàn. Thêm vào đó, hàm lượng muối dư thừa trong mạch khiến thành mạch cứng hơn, gây tăng huyết áp.
Nếu muốn thưởng thức món ăn này, hãy ăn với lượng vừa phải, chỉ một vài lát mỗi ngày. Các chuyên gia khuyến cáo mặc dù dưa hành tốt nhưng không ăn quá nhiều và không ăn dưa hành muối quá độ để phòng ngừa những rủi ro đáng tiếc.
Kết hợp với các thực phẩm khác
Khi ăn nên kết hợp dưa hành muối với các món ăn khác để cân bằng hương vị và giảm thiểu tác hại.
Rửa trước khi ăn
Nên rửa dưa hành muối với nước lọc trước khi ăn để loại bỏ bớt muối. Để giảm bớt lượng muối bạn có thể bóc bỏ vài lớp vỏ bên ngoài rồi lấy phần dưa trắng bên trong ngâm với nước trước khi ăn.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa, trước khi ăn nên rửa nhiều lần sẽ giúp giảm độ mặn và độ chua của dưa hành muối. Dưa muối ăn thừa không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong lọ. Dùng muỗng, đũa sạch để gắp dưa hành, đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Không ăn dưa hành muối xổi, dưa bị khú
Dưa hành muối bị váng mốc hay còn gọi là bị khú thì không nên ăn vì những loại này chứa nhiều nitrosamine có nguy cơ gây ung thư. Không được ăn dưa hành muối khi thấy dưa có váng mốc hoặc bị mốc đen bởi vì mốc chính là những loại nấm chứa các loại độc tố có thể gây ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh, tim, phổi...
Ai không nên ăn dưa hành muối?
Theo Đông y, hành vị cay, tính nóng, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, sát trùng. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, hành muối là thực phẩm lên men, nhiều muối nên có một số đối tượng cần tránh ăn nhiều.
Thuộc 4 nhóm người dưới đây, bạn tốt nhất không nên ăn dưa hành ngày Tết:
Người có bệnh về đường tiêu hóa
Người bị viêm đại tràng mạn, người thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn dưa hành muối.
Về bản chất dưa hành muối nhiều lợi khuẩn có thể rất tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, các loại dưa hành muối, nhất là dưa hành muối xổi, ngâm giấm nhanh có thể không đảm bảo loại trừ hoàn toàn được các loại vi sinh vật gây bệnh có sẵn trong thực phẩm, do vậy có thể làm đường tiêu hóa của bạn có vấn đề hơn.
Phụ nữ mang thai
Khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi nghén, trong khi dưa hành chua có thể trở thành thực phẩm kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn.
Hơn nữa, bạn sẽ không chắc chắn về độ an toàn của các thực phẩm và các chất phụ gia có thể thêm vào dưa muối có ảnh hưởng thế nào đến bạn và em bé trong bụng.
Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ bạn cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén cho nên mẹ bầu không nên ăn dưa hành muối.
Người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch
Dưa hành muối chứa hàm lượng natri cao là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, vì thế người bị tăng huyết áp không nên ăn dưa hành muối.
Bệnh thận
Lượng muối trong dưa và hành quá lớn, trong khi người mắc các bệnh này cần ăn giảm muối hơn bình thường. Ăn quá nhiều dưa, hành muối cơ thể bạn nạp một lượng lớn natri, làm tăng nguy cơ gây bệnh huyết áp, thận hoặc khiến tình trạng càng nặng.
Đặc biệt, ở bệnh nhân bị suy thận, khả năng đào thải natri kém, việc ăn dưa muối có thể làm ứ đọng muối trong cơ thể, dẫn tới gây phù, tăng huyết áp.