Quan niệm uống nước dừa để tăng ối
Tại Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8-2020, PGS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết từ trước tới nay bà mẹ Việt khi có bầu ai cũng cố uống thật nhiều nước dừa. Đặc biệt, những mẹ bầu đi siêu âm bị thiểu ối, ối đục là về uống thật nhiều nước dừa, PGS Ánh cho biết nó không có tác dụng gì.
Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Khi nước ối trong là dấu hiệu thai nhi phát triển ổn định và tử cung người mẹ khỏe mạnh.
PGS Ánh cho biết thực chất nước dừa có màu trong giống nước ối nên mọi người nghĩ uống nước dừa sẽ bù ối, ối trong. Nếu những sản phụ nước ối bình thường và coi như một cách uống nước thay cho nước lọc, nước trà thì hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu thiếu nước ối mà mẹ bầu truyền nhau uống nước dừa sẽ tăng lượng nước ối là không đúng.
Ngoài ra, khi siêu âm có tình trạng thiểu ối, bà mẹ truyền đạm, truyền dịch để bù ối cũng chỉ mang tính chất tâm lý và không có tác dụng cải thiện dung dịch ối trong buồng ối.
PGS Ánh cho biết khi bị thiểu ối, cách tốt nhất là truyền ối nhưng chỉ những bệnh viện có thể can thiệp vào buồng tử cung mới thực hiện được.
Nên uống bao nhiêu nước khi mang thai?
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về nước ngày càng tăng của cơ thể trong suốt thời kỳ mang thai, bạn cần uống khoảng 3 lít nước (10 - 12 cốc nước). Thêm một ly nước sau khi tập luyện nhẹ nhàng.
Nếu là mùa hè thì cần uống thêm 1 - 2 ly nữa (11 - 13 cốc) để bù lại lượng nước bị thất thoát qua đường mồ hôi.
Nước quả cũng có thể coi là nước bổ sung nhưng cần nhớ là chúng cũng cung cấp nhiều năng lượng hơn. Tránh các loại đồ uống chứa cafein như cà phê, trà bởi vì chúng rất lợi tiểu, làm cơ thể bạn nhanh mất nước.
Nếu không chắc chắn về lượng nước bạn uống mỗi ngày thì hãy chuẩn bị sẵn các chai nước và cố gắng uống nó hết vào cuối ngày.