Ngày 11/12, thông tin từ bệnh viện Sản nhi Nghệ An, thời gian qua đơn vị tiếp nhận bệnh nhi N.V.H. (31 tháng tuổi), trú ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong tình trạng bỏng nước sôi.
Theo chia sẻ của người nhà trong lúc trêu đùa với anh trai, bé đã bị ngã vào nồi nước sôi mới nấu, theo lời khuyên của hàng xóm gia đình đã vội vàng lấy nước mắm và rượu đổ lên người cho con để làm dịu vết bỏng, tránh phồng rộp và để lại sẹo. Tuy nhiên, sau đó thấy con trai đau đớn và loét nặng hơn gia đình vội đưa bé đến bệnh viện để chữa trị.
Bé trai nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, vết thương nhiễm trùng.
Cháu H. được đưa vào bệnh viện với tình trạng bị bỏng nặng 50% độ II,III thân chi, do bôi nước mắm và rượu vào vết bỏng nên khiến cho tình trạng vết thương bị bào mòn, càng nặng hơn, gây nhiễm trùng và khiến cho việc điều trị mất nhiều thời gian và đau đớn hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng khuyến cáo khi bị bỏng, việc đầu tiên là phải lập tức xả nước lạnh (không dùng nước đá) trong vòng 15-20 phút, để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, ngăn chặn tình trạng vết bỏng trở nên nặng hơn.
Sau đó, đắp chỗ bỏng bằng gạc hoặc khăn bông thấm nước lạnh để bớt đau. Tùy theo tình trạng vết bỏng mà xử lý cho phù hợp.
Nếu vết bỏng nhẹ, bỏng phần bề mặt, có thể mua thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tự điều trị ở nhà. Trong trường hợp vết bỏng nặng, sưng rộp, nóng rát, tổn thương sâu dưới da thì bạn phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.
Nếu vết bỏng nặng, sưng rộp, nóng rát, tổn thương sâu dưới da thì phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.