Thứ 6, 06/12/2024, 05:49 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Điều gì sẽ xảy ra khi tiêm phòng cúm mỗi năm cho người lớn tuổi?

Điều gì sẽ xảy ra khi tiêm phòng cúm mỗi năm cho người lớn tuổi?
(Tieudung.vn) - Cúm là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây nhiễm cao, dễ gây ra đại dịch lớn. Khi người già mắc bệnh cúm thường nặng hơn người trẻ tuổi và gây ra các biến chứng trầm trọng hơn. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng tránh nhiễm cúm mùa và các biến chứng do cúm là tiêm vaccine. Dưới đây là những lợi ích khi tiêm phòng cúm với người lớn tuổi.

Giảm biến chứng do cúm gây ra

Tiêm phòng cúm giúp ngăn ngừa mắc cúm. Nếu bạn không may mắc cúm, nguy cơ biến chứng vì cúm cũng rất thấp.

Một nghiên cứu ở người lớn tuổi cho thấy, tiêm phòng cúm có liên quan đến nguy cơ nhập viện tại Khoa hồi sức tích cực thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với những người không tiêm phòng cúm.

Theo CDC Hoa Kỳ, vaccine cúm đã được chứng minh làm giảm 40% đến 60% nguy cơ phải nhập viện do cúm.

Điều gì sẽ xảy ra khi tiêm phòng cúm mỗi năm cho người lớn tuổi?

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Giảm rõ bộc phát đợt cấp bệnh hô hấp mạn tính có sẵn ở người lớn tuổi

Cúm mùa là một trong những tác nhân hàng đầu gây khởi phát các đợt cấp tính ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, viêm phế quản mạn tính… Thống kê cho thấy, với bệnh nhân COPD, trong 50% những đợt cấp do virus thì có đến 25-28% nguyên nhân đến từ mắc cúm. Và 1/4 các trường hợp COPD nhập viện là do cúm mùa. Một khi đã bị nhập viện do cúm mùa và tiến triển thành suy hô hấp thì tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COPD có thể lên đến 50%. Với bệnh nhân hen phế quản, khi bị virus cúm mùa tấn công, các cơn hen cấp dễ xuất hiện và khó kiểm soát, đồng thời bệnh hen cũng tiến triển nặng hơn sau khi nhiễm bệnh.

Khả năng bảo vệ của vaccine cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 98%, sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng và tử vong. Nhất là với những người dễ gặp biến chứng của cúm mùa như bệnh nhân hen phế quản, COPD, khí phế thũng…

Tiêm ngừa cúm cho người bệnh hô hấp mạn tính cũng là một trong khuyến cáo quan trọng trong phác đồ điều trị các bệnh lý mạn tính tại phổi như COPD, hen phế quản, viêm phế quản mạn tính...

Giảm 12% nguy cơ cơn đột quỵ ở người lớn tuổi

Những thống kê, trong tổng số những những ca tử vong do bệnh cúm mùa có tới 70 đến 85% là người trên 65 tuổi và trong tổng số trường hợp phải nhập viện nhóm tuổi này chiếm từ 50 đến 70%.

Nguyên nhân là ở những người cao tuổi hay người có bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, xơ gan đều có hệ miễn dịch suy yếu, hàng rào bảo vệ mỏng manh khiến virus cúm dễ tấn công, xâm nhập vào cơ thể, đến lúc hệ miễn dịch không đủ sức chống lại virus nữa cúm mùa có cơ hội gây ra các biến chứng lo ngại và tử vong.

Một nghiên cứu mới đây tại Tây Ban Nha được đăng tải trên Tạp chí Neurology cho thấy, những người được tiêm phòng cúm hàng năm có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 12% so với những người không được tiêm phòng cúm, ngay cả khi có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác được xem xét cùng.

Giảm 34% nguy cơ cơn đau tim ở người lớn tuổi

Trong một phân tích tổng hợp các nhà khoa học Đại học Toronto, Canada, phát hiện ra rằng việc tiêm phòng cúm mùa có thể làm giảm 34% nguy cơ cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Cơ chế sinh bệnh là do cúm gây tăng tình trạng viêm toàn thân, tác động làm căng thẳng cho tim và hệ thống mạch máu liên quan đến phản ứng viêm của cơ thể đối với bệnh nhiễm trùng, làm bộc phát cơn đau tim cấp.

Bệnh cúm cũng có thể dẫn đến viêm phổi, gây thêm tình trạng viêm và căng thẳng cho cơ thể, đặc biệt là tim, làm trầm trọng thêm bất kỳ bệnh tim nào đã có từ trước. Ngoài ra, cúm có thể làm người bệnh khó nhận biết được các cơn đau tim.

Giảm 79% nguy cơ nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường - hay gặp ở người lớn tuổi

Khi đường máu cao làm suy giảm khả năng miễn dịch và sức đề kháng. Người sẽ rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây nhiễm trùng, gồm nhiễm cúm. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, có khoảng 30% người bệnh nhập viện do cúm là bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Tiêm phòng cúm mùa có thể bảo vệ người bệnh tiểu đường trước những nguy cơ này. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường giảm đến 79% khi được tiêm phòng cúm.

Nguy cơ của các biến chứng viêm phổi, suy tim, đột quỵ cũng giảm theo. Người bệnh tiểu đường được tiêm phòng cúm có tỷ lệ tử vong do tất cả nguyên nhân thấp hơn 24% so với người không tiêm chủng.

Ở người lớn tuổi, giảm 40% nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong 4 năm tiếp sau tiêm phòng cúm

Nghiên cứu liên quan đến một cỡ mẫu rất lớn gồm gần 2 triệu người Mỹ trưởng thành từ 65 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trong thời gian theo dõi gần 4 năm, khoảng 5% số người đã tiêm phòng cúm mắc bệnh Alzheimer so với 8,5% số người chưa được tiêm phòng cúm.

Kết luận của nghiên cứu vừa nêu cho thấy rằng, tiêm vaccine phòng cúm có thể làm giảm 40% nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong thời gian 4 năm sau khi tiêm.

Lưu ý: Cần có khoảng 2 tuần để cơ thể tạo ra các kháng thể bảo vệ sau khi tiêm phòng cúm. Do đó, bạn cần tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi mùa cúm bắt đầu, không nên đợi khi trời trở lạnh, thời tiết thay đổi mới bắt đầu tiêm ngừa để cơ thể có thời gian hình thành kháng thể bảo vệ cao nhất.

Cách phòng cúm ở người cao tuổi

Ngoài việc tiêm vaccine hàng năm, có những cách khác để bảo vệ bản thân chống lại bệnh cúm:

- Người cao tuổi cần nên tránh những khu vực đông đúc.

- Đeo khẩu trang và tránh xa người bệnh khi ở nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng nước xà phòng ấm, hoặc sử dụng gel kháng khuẩn.

- Không nên dùng tay chạm vào mặt, miệng hoặc mũi.

- Người cao tuổi cần có chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ thống miễn dịch, thường xuyên tập thể dục và giảm căng thẳng.

- Người cao tuổi không hút thuốc lá, thường xuyên uống nhiều nước giúp tuần hoàn cơ thể tốt, đào thải chất độc ra khỏi cơ thể thuận lợi.

- Thường xuyên vệ sinh nhà ở, phòng ngủ khử trùng các bề mặt trong nhà (công tắc đèn, tay nắm cửa, ).

- Nếu trên 65 tuổi và xuất hiện bất kỳ triệu chứng cúm nào như: sổ mũi, hắt hơi và đau họng, sốt trên 38 độ C; đau cơ bắp; gai rét; đau đầu; ho khan; mệt mỏi; ngạt mũi; viêm họng… cần đi khám ngay để giảm nguy cơ biến chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tags:
5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.28200 sec| 795.313 kb