Biếng ăn: Bệnh lý hay tâm lý?
Biếng ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân, có thể là do bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Trẻ biếng ăn có thể do chế độ ăn uống và dinh dưỡng không cân đối. Ví dụ như quá nhiều đạm và chất béo, nhưng lại thiếu vitamin và khoáng chất khiến cho quá trình hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng của trẻ không tốt, trẻ ăn kém ngon miệng. Ăn nhiều bữa gần nhau trong ngày, có nhiều bữa phụ hoặc bữa ăn vặt với thức ăn nhiều năng lượng như bim bim, khoai chiên, bánh ngọt, trà sữa… làm trẻ “lưng lửng” và chán ăn bữa chính.
Trong một số giai đoạn sinh lý như phát triển nhận thức, tiếp thu những cái mới xung quanh, học tập kỹ năng mới, trẻ cũng có thể quá chú tâm mà quên đi cảm giác đói, dẫn đến sao nhãng việc ăn uống. Hoặc có thể do nguyên nhân tâm lý, trẻ bị bố mẹ quát mắng, dọa nạt, ép buộc nên sợ bữa ăn. Đối với nguyên nhân bệnh lý, khi trẻ không khỏe do bất kỳ bệnh lý nào, cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn. Biếng ăn có thể do các bệnh lý về tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày - thực quản, đau bụng…), viêm nhiễm vùng tai-mũi-họng, đau răng miệng, nhiễm giun sán, chán ăn, tâm thần (hiếm gặp ở trẻ nhỏ) hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc.
Làm gì khi trẻ biếng ăn?
Bạn hãy ước tính lượng calo cần thiết của trẻ trong một ngày để biết bé ăn bao nhiêu thì đủ, tránh ép trẻ ăn vượt quá nhu cầu. Mỗi bé cần một lượng calo khác nhau tùy thuộc vào 3 yếu tố sau: độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của trẻ.
Bạn có thể tham khảo bài viết “Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 đến 11 tuổi” để biết con bạn cần bao nhiêu calo và lượng thức ăn mà con phải tiêu thụ/ngày là bao nhiêu.
Trẻ biếng ăn thường chậm lớn, sức đề kháng kém khiến cha mẹ lo lắng. Nếu có con biếng ăn, bạn hãy tham khảo 8 bí quyết sau để kích thích sự thèm ăn của trẻ:
Đừng ép buộc bé phải ăn khi bé không muốn
Các biện pháp như đe dọa, trừng phạt, la mắng, thậm chí là đánh đập đều khiến tình trạng biếng ăn của bé ngày càng trầm trọng hơn.
Nếu bạn muốn tập cho bé ăn món ăn mới, hãy cho ăn vào bữa sáng. Đây là khoảng thời gian bé có cảm giác đói nhất trong ngày và có thể sẵn sàng ăn thử một món ăn mới. Khi bé đã chịu ăn, bạn có thể chuyển món ăn vào thực đơn dành cho bữa trưa hoặc tối và chế biến món mới khác vào bữa sáng tiếp theo.
Tạo thực đơn với đa dạng các thức ăn và trình bày bữa ăn đẹp mắt cho trẻ biếng ăn
Trong mỗi bữa ăn nên có ít nhất một món ăn mà bé thích điều này có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Để con tự lựa chọn món con thích ăn miễn sao món ăn không gây hại cho trẻ là được.
Hãy khuyến khích con ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù chỉ ăn mỗi thứ một ít.
Luôn cho trẻ ăn đúng giờ và cho trẻ ăn cùng gia đình (nếu có thể)
Đặt quy tắc cho con là không được tự tiện ăn bất cứ thứ gì nếu chưa đến cữ ăn nhẹ và bữa ăn chính.
Trước khi bắt đầu bữa ăn khoảng 10–15 phút, hãy thông báo cho bé biết là đã sắp đến giờ ăn.
Hầu hết trẻ em thích bắt chước hành động của người khác. Vì vậy, bố mẹ hãy ăn uống đúng giờ, là tấm gương tốt cho bé trong việc ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Việc cả gia đình quây quần bên mâm cơm và vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày của con thành những bữa nhỏ
Nếu con biêng ăn, bạn hãy chia bữa ăn của bé ra thành nhiều phần và cho bé ăn từng chút một vào những khoảng thời gian nhất định.
Cho con bạn bữa ăn nhẹ bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe
Bạn có thể cho trẻ ăn những thức ăn nhẹ vào các bữa phụ như: sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt… nhưng không nên cho trẻ ăn gần với bữa chính.
Không cho trẻ uống quá nhiều trước và trong khi ăn kể cả khi những thức uống là sữa hay nước trái cây.
Việc trẻ uống quá nhiều trước và trong khi ăn sẽ khiến trẻ có cảm giác no không còn hứng thú để ăn.
Ngoài ra, bạn cần hạn chế cho con uống sữa vào giữa đêm vì sẽ gây ảnh hưởng tới bữa ăn sáng hôm sau.
Khuyến khích trẻ biếng ăn nên vào bếp cùng mẹ
Trẻ con rất thích đưa ra quyết định mình sẽ ăn gì. Bạn hãy trao đổi cùng bé bữa kế tiếp sẽ ăn món gì rồi chọn thực phẩm để có một bữa ăn cân bằng.
Hãy khuyến khích bé phụ bạn nhặt rau, rửa rau, trộn thức ăn, dọn bàn ăn cho cả nhà. Những điều này sẽ kích thích bé muốn ăn những món mà bé đã phụ nấu.
Đảm bảo thức ăn đầy đủ dưỡng chất
Một trong những điều bạn phải đảm bảo là thức ăn mà con bạn ăn phải đầy đủ dưỡng chất. Các vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống cũng có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Ví dụ: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, kẽm có thể giúp kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Những thực phẩm có chứa kẽm là thịt bò, thịt gà, cá và nhiều loại rau có màu xanh đậm.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau để kích thích sự thèm ăn của trẻ:
Không cho bé dùng điện thoại, đồ chơi, đọc sách/đọc truyện tranh, xem tivi hay dùng các thiết bị công nghệ khác trong khi ăn.
Tuyệt đối không dùng thức ăn làm phần thưởng nhằm tránh nảy sinh tâm lý vì được thưởng nên ăn chứ không phải vì bé thích món ăn đó hay món đó tốt cho sức khỏe.
Cho trẻ vận động đầy đủ
Việc trẻ ít vận động cũng có thể khiến trẻ biếng ăn. Bạn nên khuyến khích bé yêu vận động hàng ngày. Nếu có thể, hãy dành thời gian vận động cùng con. Bạn có thể đi bộ, nhảy dây, chơi đuổi bắt, đá banh… cùng con. Việc vận động khiến bé tiêu hao nhiều năng lượng nên bé sẽ có cảm giác đói, ăn ngon hơn và có sức khỏe tốt hơn.
Nếu bé còn nhỏ, bạn hãy massage cho bé. Điều này giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, góp phần hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa giúp trẻ khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.