Bà bầu cần ăn gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn cho bà bầu cần có đủ 4 nhóm thực phẩm:
Nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai…
Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỗ…
Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc…
Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ gồm: rau có màu xanh và các loại quả chín.
Lưu ý, tuyệt đối không ăn những thức ăn không tốt cho bạn và bé như các loại thực phẩm không được nấu chín, quá nhiều gia vị v.v. Nếu bạn là người ăn kiêng, bạn cũng cần đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho bạn và bé, bao gồm:
Các Vitamin A, B, C, D, E, K… đều rất cần thiết cho thai phụ và thai nhi. Cần bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên mỗi ngày.
Canxi: bà bầu cần thêm 1000mg Canxi mỗi ngày, hãy chọn những thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, váng sữa, sữa chua…
Acid folic: có vai trò rất quan trọng đối với hệ thần kinh của trẻ, có nhiều trong gan động vật, rau xanh thẫm, suplơ, đậu…
Omega 3: có trong dầu ăn, dầu oliu và mỡ cá…
Protein, chất đạm: các thực phẩm như cá, gà, thịt, trứng và đậu giúp tạo cơ, xương và tạo máu.
Sắt: tham gia quá trình tạo máu, vận chuyển oxy. Sắt có nhiều trong gan lợn gà, lòng đỏ trứng gà, thịt bò (hoặc các loại thịt đỏ), các loại rau củ quả như đậu đỗ…
Kẽm: Kẽm có trong cá, hải sản, thịt, thịt gia cầm và sữa. Kẽm rất cần thiết để đảm bảo cân nặng và kích thước vòng đầu cuả bé. Kẽm còn cần thiết cho sự phát triển cuả bé trước và sau khi sinh.
Iốt: cần bổ sung iốt để bé phát triển hoàn thiện não bộ.
Nước: Uống ít nhất 8 ly nước hoặc nước trái cây mỗi ngày để phòng ngừa táo bón, giúp mẹ và bé khoẻ mạnh.
Một số vấn đề sức khỏe mẹ bầu cần lưu ý
Ngoài ra mẹ bầu cần chú ý một số vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng và biết cách xử lý đúng như sau:
Thiếu máu, thiếu sắt thường xảy ra ở 3 tháng giữa, 3 tháng cuối thai kỳ. Uống viên sắt bổ sung với hàm lượng Sắt nguyên tố 60mg và 400 μg acid folic. Uống mỗi ngày 1 viên liên tục từ khi phát hiện có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh là cách giải quyết tốt nhất cho mẹ bầu
Khó tiêu: Do áp lực của tử cung lên hệ tiêu hóa, cần chia nhỏ bữa ăn, không ăn no trước khi đi ngủ, ăn chậm và ngồi thẳng khi ăn.
Táo bón: Xảy ra ở khoảng 30-40% phụ nữ có thai, mẹ bầu nên uống nhiều nước (8 ly/ngày), ăn thức ăn có nhiều chất xơ.
Nôn ói: Thường xảy ra vào tuần 6-16. Mẹ bầu nên tránh thức ăn có mùi, dùng thức ăn có nhiều bột đường, ít chất béo. Sáng sớm ngủ dậy nên uống một ly nước nóng với bánh mì, bánh quy.