Vaccine phòng Rubella
Phụ nữ mang thai nhiễm virus Rubella có thể bị sảy thai, sinh non, đồng thời virus Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể để lại di chứng đáng tiếc khi bé được sinh ra. Thời điểm tiêm phòng Rubella trước khi có thai 3 tháng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Vaccine phòng sởi
Mắc sởi trong giai đoạn mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và dị tật ở thai nhi. Vì vậy, phụ nữ cần tiêm vaccine sởi trước khi mang thai 3 tháng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Vaccine phòng quai bị
Đối với phụ nữ mang thai mắc quai bị sẽ dễ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sinh non hoặc thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ mắc dị tật càng cao khi mẹ bị quai bị giai đoạn mang thai 3 tháng đầu. Vaccine quai bị tiêm trước khi mang thai 3 tháng.
Hiện nay, có mũi tiêm 3 trong 1 ngừa sởi, quai bị và Rubella rất hiệu quả. Các chị em chỉ cần 1 mũi tiêm là có thể phòng ngừa được 3 bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai.
Vaccine phòng bệnh thủy đậu
Nếu trước đây mẹ chưa từng tiêm vaccine thủy đậu hoặc chưa từng mắc thủy đậu thì nên tiêm vaccine phòng thủy đậu, bởi đây cũng là bệnh nguy hiểm có khả năng khiến trẻ sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh, bị dị tật đầu nhỏ, gồng cứng tay chân, bại não...
Vaccine phòng bệnh cúm
Phụ nữ mang thai nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm. Do đó, tiêm vaccine cúm trước khi mang thai là việc cần thiết. Thai phụ mắc cúm trong quá trình mang bầu cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, có nguy cơ khiến bé gặp dị tật, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối mang thai. Khi mẹ tiêm vaccine phòng cúm sẽ giúp giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh hay dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Vaccine phòng cúm nên tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng và sau đó nên tiêm nhắc lại hàng năm.
Vaccine viêm gan B
Tiêm phòng vaccine viêm gan B trước khi mang thai rất cần thiết, bởi đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, nếu thai nhi không may mắc phải sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như tương lai của trẻ.
Liều tiêm phòng viêm gan B gồm 3 mũi tiêm, do đó mẹ cần sắp xếp lịch tiêm phù hợp trước khi mang thai. Nếu từng tiêm phòng vaccine viêm gan B, bạn nên xét nghiệm kiểm tra kháng thể xem có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không.
Thời điểm tiêm vaccine viêm gan B:
- Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm, trước khi có thai 7 tháng.
- Mũi 2: Cách mũi 1 một tháng.
- Mũi 3: Cách mũi 1 sáu tháng.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, trước khi mang thai có thể tiêm các loại vaccine phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV, các bệnh do phế cầu khuẩn, viêm màng não mô cầu A, C, Y…
Những hệ lụy nếu không tiêm phòng trước khi mang thai
Việc tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng, thai phụ khi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì bé sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc lây bệnh từ mẹ, thậm chí mẹ bị sảy thai, sinh non. Nếu mẹ tiêm vaccine trước khi mang thai thì có thể truyền kháng thể bảo vệ thụ động sang cho con (qua nhau thai, qua sữa mẹ). Nhờ vậy con sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.
Vì thế, trước khi có ý định mang thai, chị em nên có kế hoạch tiêm phòng vaccine đầy đủ. Trong trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng, mẹ bầu có thể tiêm bổ sung một số loại vaccine như phòng cúm, viêm gan B (ở người chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ phác đồ, đang mắc các bệnh gan mạn tính khác). Riêng vaccine ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella không được tiêm cho phụ nữ mang thai.
Làm gì khi lỡ tiêm phòng thì biết mình mang thai?
Các loại vaccine cần thiết nên tiêm phòng trước khi mang thai, bao gồm vaccine ngừa cúm, viêm gan B, thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella đều được khuyến cáo tiêm trước thời điểm mang thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng.
Tuy nhiên, với vaccine ngừa cúm và viêm gan B, thai phụ vẫn có thể tiêm bù trong thai kỳ nếu chưa kịp hoàn thành việc tiêm chủng 2 loại vaccine này trước khi có thai. Còn với vaccine ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella, chị em tuyệt đối không được tiêm nếu phát hiện mình đã mang thai.
Trong trường hợp lỡ tiêm 2 loại vaccine ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella rồi mới phát hiện mình mang thai (thời gian từ lúc tiêm vaccine đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Lưu ý là không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa khi mang thai. Tuy nhiên, cần thăm khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ.