Thứ 5, 25/04/2024, 14:11 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Đặt stent chuyển dòng: Cơ hội mới cho người phình động mạch não

Đặt stent chuyển dòng: Cơ hội mới cho người phình động mạch não
(Tieudung.vn) - So với các phương pháp truyền thống thì đặt stent chuyển dòng trong điều trị túi phình động mạch não, giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật xuống mức thấp nhất.

Mô tả ảnh.
 

Thận trọng khi bị đau đầu đột ngột, kéo dài

Vừa qua,  Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị cho hai trường hợp bị túi phình khổng lồ động mạch não kích thước lớn. Cả hai bệnh nhân đều có chung biểu hiện đau đầu kéo dài, uống thuốc giảm đau nhưng không thuyên giảm. 

Cụ thể, bệnh nhân Tăng Diễm T. (31 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị túi phình hình thoi trong động mạch não chiều dài 40 mm, đường kính 20 mm. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Thị S. (61 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) cũng được phát hiện với túi phình động mạch não bên trái nội sọ, kích thước 35mm (thông thường các túi phình chỉ tầm 3-5mm).

Cả hai đều được điều trị bằng phương pháp mới là đặt stent chuyển dòng và đặt coils (các vòng xoắn kim loại) túi phình để hạn chế nguy cơ tai biến mạch máu não do túi phình gây ra về sau.

Túi phình khổng lồ mạch máu não là chỗ giãn lớn mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường, có thể do thoái hóa thành mạch ở người già hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở người trẻ tuổi.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Khoa ngoại thần kinh cho biết: “Túi phình động mạch não xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tập trung nhiều ở người già - trung niên, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam. Những người mắc bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… sẽ có nguy cơ mắc bệnh túi phình động mạch não”.

Ngoài ra, yếu tố cân nặng cũng rất quan trọng, người béo phì thừa cân thì dễ bị hẹp mạch máu do xơ vữa tăng còn quá nhẹ cân thì nguy cơ có túi phình động mạch não tăng.

Dấu hiệu bệnh phình mạch máu não

Túi phình động mạch não nói chung có ở khoảng 3% dân số châu Âu - Mỹ, trong đó 5-8% là túi phình khổng lồ. Theo tài liệu về ngoại thần kinh Youmans, những người mắc bệnh này có nguy cơ chảy máu não mỗi năm là 10% và nguy cơ gây nhồi máu não cũng tầm 10%.

Bên cạnh đó, khoảng 60-70% người bệnh có túi phình khổng lồ động mạch não sẽ trở nặng sau 5 năm và nguy cơ tử vong là rất cao (lên đến 70-90%). Đây là lý do khiến loại bệnh này luôn là một trong các nhóm bệnh khó nhất trong chuyên ngành Ngoại thần kinh.

Mô tả ảnh.
Túi phình khổng lồ động mạch não.

Phần lớn các túi phình chưa vỡ không gây triệu chứng. Khi kích thước túi phình đủ lớn, có thể gây đau đầu kéo dài, liệt các dây thần kinh đầu mặt cổ, biểu hiện rõ nét là nhìn đôi, lé mắt mới xuất hiện, mờ mắt, méo mặt… hoặc yếu liệt tay chân diễn tiến nặng dần. Nếu túi phình động mạch não vỡ thì sẽ biểu hiện như đột quỵ, với đau đầu dữ dội đột ngột, cứng cổ, lơ mơ, tê yếu tay chân, thậm chí tử vong ngay sau vỡ.

Lợi hại đặt stent chuyển dòng

Phương pháp điều trị các túi phình truyền thống thường bằng mổ hở hoặc can thiệp trong lòng mạch máu gây tắc động mạch phình. Điều này khiến nguy cơ tử vong hoặc tàn tật sau điều trị lên đến 20-30%, và nguy cơ tái phát túi phình sau này lên đến 20% sau 5 năm.

So với các phương pháp truyền thống, stent chuyển dòng có nhiều ưu điểm như, nâng cao khả năng chữa khỏi (lên đến 90-95%), giảm nguy cơ điều trị xuống thấp (dưới 5%); nhưng vẫn có một vài vùng mạch máu có nguy cơ điều trị cao (khoảng 20%). Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này tại Việt Nam, thì khó khăn đầu tiên là chi phí điều trị cao hơn gấp nhiều lần các phương pháp truyền thống, giá một stent chuyển dòng là 10.000 USD. 

Ngoài ra, bệnh nhân bị túi phình khổng lồ hình thoi đã vỡ phải hạn chế áp dụng, bởi stent nằm trong mạch máu gây máu đông tắc trong túi phình. Khi đặt stent phải dùng thuốc để lấy máu ra và nếu túi phình chảy máu lại thì khả năng tử vong rất cao. 

Một nhược điểm nữa khi đặt stent chuyển dòng có khả năng gây nguy cơ máu đông trong túi phình quá nhanh sẽ làm tăng áp lực khiến túi phình bị vỡ. Do đó, các bác sĩ thường kết hợp với đặt các vòng xoắn kim loại để bảo vệ được đáy túi phình. Trường hợp sau khi đặt stent chuyển dòng lần đầu túi phình vỡ thì không thể điều trị thêm được bằng phương pháp khác, chỉ còn cách đặt thêm một stent thứ 2. Trên thế giới, có trường hợp bệnh nhân đặt nhiều nhất là 5 lớp stent che phủ giúp máu không vào túi phình nữa.

Ở Việt Nam, stent chuyển dòng được áp dụng vào các năm 2012-2013 tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội. Từ 2015 - 2016, phương pháp này bắt đầu được ứng dụng tại các bệnh viện tại miền Nam, hiện có Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 115 sử dụng phương pháp này trong điều trị bệnh. 
Tags:
3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.41987 sec| 791.484 kb